“Chất” với nghệ thuật tạo hình giả tưởng

Họa sĩ Phan Vũ Linh (sinh năm 1975, cựu sinh viên trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM) là một trong những người hiếm hoi theo đuổi nghệ thuật tạo hình giả tưởng tại Việt Nam. Anh còn thành lập nhóm CineMagic, tập hợp những bạn trẻ cùng yêu thích bộ môn này.

Loại hình mới mẻ

Từ nhỏ, anh Linh đã mê và thường vẽ lại nhân vật trong các câu chuyện, bộ phim thần thoại, khoa học giả tưởng, theo suy nghĩ riêng của mình. Anh thi vào trường Mỹ thuật cũng vì yêu thích sáng tạo trên nét vẽ. Tuy nhiên, khi ấy, kiến thức từ trường lại thiên về hội họa truyền thống nên anh quyết định theo học hệ cao học, chuyên ngành Illustration tại Mỹ. Khi về nước, anh Linh gặp và kết nối với những người bạn cùng sở thích.

Từ đó, anh bắt đầu sống và làm việc với những mô hình trong thế giới giả tưởng của mình: “Mình phụ trách chính việc tạo hình mẫu và hoàn thiện sơn vẽ, hai người bạn nữa phụ trách phần kỹ thuật khuôn đúc để sản xuất thành phẩm. Hiện tại, nhóm gồm 10 thành viên. Công việc được chia theo thế mạnh của mỗi người.

Một số mảng nhóm mình đang thực hiện là: Mặt nạ silicone, hóa trang đặc biệt, tạo hình robot, khủng long, sinh vật, nhân vật, quái vật… Ngoài ra, nhóm còn kết hợp với các đội trong những dự án đặc biệt khác để hoàn thiện sản phẩm”.

Thời gian hoàn thành một sản phẩm tùy vào mỗi thiết kế và yêu cầu chất lượng. Gần đây, nhóm anh Linh đã liên tiếp lập kỷ lục về thời gian, như: Từ tạo hình gốc đến 10 thành phẩm mặt nạ silicone trong vòng 3 ngày, hoàn thành một con khủng long T-rex dài hơn 5 mét, với khung cơ khí có thể chuyển động như thật, chỉ trong 20 ngày.


Anh Phan Vũ Linh (ngoài cung, bên phải) và cộng sự đang thực hiện sản phẩm.

Anh Phan Vũ Linh (ngoài cung, bên phải) và cộng sự đang thực hiện sản phẩm.

Loại hình này chưa phổ biến ở thị trường Việt Nam nên nguyên vật liệu chuyên dụng vẫn còn hạn chế. Để có được chất liệu, công cụ đúng tiêu chuẩn, ngoài việc đặt hàng từ nước ngoài, nhóm anh Linh còn phải tự mày mò nghiên cứu từ những thứ có sẵn.

“Mỗi công đoạn đều có trở ngại riêng. Có những dự án khó khăn phần ý tưởng ban đầu nhưng thực hiện lại dễ dàng. Cũng có những ý tưởng rất hay nhưng lại không tìm được nguyên liệu, thiết bị. Mọi quy trình, tụi mình học trên mạng và tự nghiên cứu.

Ban đầu, kinh phí chủ yếu do mọi người tự đóng góp để đầu tư vật liệu, thiết bị. Sau đó, nhóm bắt đầu có thu nhập từ các dự án cho khách hàng trong lĩnh vực điện ảnh và giải trí. Hiện tại, nhóm phát triển theo hướng dùng lợi nhuận tái đầu tư và thực hiện các dự án riêng, mang tính sáng tạo thử nghiệm để phát triển sâu rộng hơn. Tụi mình chưa muốn đặt nặng lợi ích cá nhân ngay lúc này”, anh Linh chia sẻ.

Anh cũng cho biết thêm, nhóm tìm cảm hứng từ mọi vật xung quanh. Mỗi ngày, nhóm thường ngồi cùng nhau thảo luận về những ý tưởng của mọi người để tìm ra ý tưởng độc đáo nhất. Riêng với anh Linh, cảm hứng đến từ âm nhạc, phim ảnh, sách, truyện… Khi thưởng thức chúng, anh thường mang cảm nhận cá nhân vào để tạo nên góc nhìn riêng, đôi khi, đó là một thế giới khác hẳn so với bản gốc anh đã xem”.

Viễn tưởng chứ không viển vông

Theo anh Linh, “kinh dị” chỉ là một cách gọi chung để dễ hình dung, còn sản phẩm của nhóm anh rất đa dạng, từ các nhân vật trong phim ảnh, truyện tranh cho đến robot, khủng long hay các con vật được sáng tạo từ trí tưởng tượng.

Hơi hướng kinh dị được nhóm chú trọng hơn, vì đó là sở thích chung của các thành viên. Yếu tố này còn gây ấn tượng mạnh, thu hút người xem. Những sản phẩm kinh dị luôn có điểm chung trong hình thức bởi nó hướng tới tâm lý cảm thụ và thói quen của người xem. Sản phẩm của CineMagic luôn hướng đến yếu tố dị biệt, hoành tráng và tinh xảo.

“Dù đặt tiêu chí như vậy nhưng mình vẫn cảm thấy chưa chạm tới cốt lõi sự tinh túy của nghệ thuật tạo hình này. Nhiều lúc, mình cảm thấy lạc lõng với dòng chảy thị hiếu, sự phá cách, sáng tạo, bởi những điều ấy luôn cần thời gian để tiếp nhận. Nhưng đó là động lực giúp mình và nhóm quyết tâm theo đuổi mục tiêu trước đó”, anh Linh cho biết.

Quan điểm sáng tạo của Linh và nhóm là luôn rất “tử tế”. Trong quá trình học hỏi và nghiên cứu, ai cũng từng sao chép từ bậc thầy mà mình ngưỡng mộ. Việc đó cũng là một cách trong việc rèn luyện kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, sao chép một tác phẩm của người khác và nhận là sáng tạo của mình thì hoàn toàn khác.

Ngoài đạo đức nghề nghiệp, với anh Linh, ngay cả khi sao chép khéo léo đến đâu, thành công thế nào thì bạn cũng mãi đứng trong cái bóng của một nghệ sĩ khác. Bạn có thể chịu ảnh hưởng từ một ai đó nhưng phải nỗ lực thoát ra khỏi cái bóng của họ bằng cá tính nghệ thuật và sự sáng tạo của bản thân.

Nhìn vào công việc của anh Linh, nhiều người cho đó là những thứ viển vông, phi thực tế. Ngược lại, anh Linh luôn thấy hạnh phúc khi được sống trong thế giới không giới hạn của trí tưởng tượng. Anh cũng không có ý định thay đổi suy nghĩ của người khác, anh chọn cách tiếp tục công việc của mình là biến mọi thứ trong tưởng tượng thành thực tế.

Anh Linh cũng chia sẻ thêm, để có được một đội ngũ gắn bó, anh và mỗi thành viên đều hi sinh cái tôi cá nhân vì tập thể và đáp ứng thị trường. Mọi sáng tạo sẽ vô nghĩa, nếu không bắt nhịp được thị trường và nhu cầu công chúng. Sản phẩm hoàn thiện vừa thể hiện cá tính của người sáng tạo, vừa phải thỏa mãn yếu tố giải trí của số đông.

Sắp tới, nhóm sẽ thực hiện một khu giải trí cho giới trẻ yêu thích đề tài viễn tưởng và kinh dị. Ở đó, các bạn có thể tham quan và tương tác với các nhân vật trong một cốt truyện hấp dẫn. Bên cạnh đó, nhóm sẽ thiết kế thêm nhiều nhân vật “made in Vietnam” vui nhộn, dễ thương để đa dạng hóa đối tượng khách hàng, thể hiện không thua kém các nước tiên tiến trong lĩnh vực này trên thế giới.

Theo Huyền Chi

Sinh viên Việt Nam