Chất thép và thơ ở Trường Sa
Ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc những ngày biển Đông dậy sóng, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa và các nhà giàn DK vẫn luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và chứa chan tâm hồn nghệ sĩ.
Chất thép nơi đầu sóng
Theo đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do T.Ư Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, chúng tôi đến Trường Sa, nhà giàn DK1 những ngày đầu tháng 6 để hiểu thêm về những khó khăn, thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, và cảm nhận tình cảm của họ hướng về lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, ngư dân tại điểm nóng Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam.
Chiến sỹ Nguyễn Trường (SN 1993, quê Hà Nội) chia sẻ: “Hằng ngày chúng tôi đều xem thời sự để theo dõi diễn biến và rất bất bình trước những hành động của Trung Quốc”.
Đại tá Nguyễn Phong Cảnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - Phó trưởng đoàn công tác khẳng định: “Tình hình này đặt ra yêu cầu mới rất cao đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những người đang làm nhiệm vụ trên các nhà giàn và quần đảo Trường Sa. Nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính hải quân luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện”.
Tại đảo Len Đao (nằm gần đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép vào tháng 3/1988), thay mặt những người lính biển đang chốt giữ đảo, Đại úy Phạm Minh Tuấn, Phó đảo trưởng khẳng định: “Chúng tôi luôn đoàn kết, vững vàng tay súng giữ đảo và sẵn sàng chi viện cho các đảo lân cận để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện tốt các đối sách của Quân chủng, không khiêu khích, không mắc mưu, sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Còn người, còn đảo!”.
Giao lưu với cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Trường Sa, nhà giàn, những đại biểu Tàu thanh niên luôn ấn tượng với nụ cười tươi rói nổi bật trên những làn da sạm nắng gió. Chiến sỹ Nguyễn Thành (SN 1993, Nha Trang) vinh dự đứng trong hàng ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại Trường Sa nói: “Bố mình ở đảo gần hai năm, làm bên ra đa, thông tin. Mình ra đảo được nửa năm, bên phân đội chiến đấu”.
Những ngày Trung Quốc tăng cường hành động gây hấn ở Hoàng Sa, mẹ và bạn gái gọi điện hỏi thăm tình hình, Thành động viên ngược lại, rồi tếu táo “người trèo cây không sợ, người đứng dưới đất cứ lo”.
Trước khi vào ca gác đêm, Nguyễn Thành bảo: “Mọi người nơi đất liền hãy vững tin vào những người lính Trường Sa, nhà giàn. Với tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, anh em luôn vững vàng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.
Chiến sỹ Trường Sa. Ảnh: Xuân Tùng
Nghệ sĩ
Với nhiều đại biểu Tàu thanh niên, những chiến sỹ ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã trở thành những nghệ sỹ truyền niềm tin, tình yêu và lạc quan cho cuộc sống. Lên đảo nào, Hành trình Tàu thanh niên cũng đều gặp những cây văn nghệ trẻ trung, sôi động như Huỳnh Bá Lam (đảo Đá Tây), tiếng sáo của Thượng úy Đỗ Đức Nam (đảo Sơn Ca).
Cùng cây đàn ghita, chiến sỹ ở đảo Phan Vinh B còn thể hiện khả năng beatbox, sử dụng mũ cối thành nhạc cụ đệm cho những ca từ hào sảng như: Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta!... (Khúc quân ca Trường Sa). Đặc biệt, trên nhiều đảo, các chiến sỹ còn có các nhóm văn nghệ dàn dựng các tiết mục công phu, đặc sắc.
Gắn bó với đảo Sơn Ca gần một năm, chiến sỹ Trần Tiêu Anh Vũ chia sẻ: Trong những dịp lễ, ngày kỷ niệm, hay sinh hoạt văn hóa, cán bộ chiến sĩ trên đảo đều tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Dòng máu lạc hồng, Đất nước, Màu hoa đỏ…
Tiết mục Dòng máu lạc hồng kết hợp vừa hát vừa biểu diễn võ thuật là các thế võ của chiến sỹ Hải quân. Thú vị, những tiết mục như Màu hoa đỏ, Đất nước đều có phần múa và diễn xuất minh họa của nam và nữ. Trần Tiêu Anh Vũ bật mí : “Người hay vào vai nữ đảm trách phần diễn xuất hình ảnh người mẹ trong Đất nước, hay người yêu của chiến sĩ trong Màu hoa đỏ rất đạt là cán bộ quân y Nguyễn Đức Dương”.
Những người lính nơi hải đảo còn khéo tay biến những vỏ ốc biển nhỏ thành những bông hoa hồng mềm mại. Đây trở thành món quà đặc trưng mang thương hiệu “Trường Sa”.
Chiến sỹ Trịnh Văn Đức (SN 1993) chia sẻ: Chất liệu làm hoa hồng là vỏ ốc làm bông, thanh thép uốn làm thân cây, lá được dùng từ vỏ bao bảo quản đồ. Mỗi bông hoa làm nhanh cũng mất một ngày. Một cây hoa hồng thường được kết từ 25 đến 29 bông. Đức cũng chia sẻ: “Cách làm bông hoa ốc thường được người trước hướng dẫn cho người sau. Những người sắp ra quân càng hăng hái làm để làm quà tặng người thân, bạn bè”.
Trưởng đoàn công tác, Bí thư T.Ư Đoàn Đặng Quốc Toàn chia sẻ, động viên cán bộ chiến sĩ tại Trường Sa: “Tình hình biển Đông có nhiều căng thẳng phức tạp, nhiệm vụ của cán bộ chiến sỹ các lực lượng trên đảo là nặng nề gian khổ. Nhưng cũng là nhiệm vụ vinh quang. Nhân dân cả nước, thế hệ trẻ nguyện cùng sát cánh cùng các đồng chí, hàng triệu con tim Việt Nam trên đất liền, trong và ngoài nước luôn hướng về các đồng chí”. |
Theo Mai Xuân Tùng
Tiền phong