Chàng trai từng gõ cửa nhà cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu

Đó là người có biệt danh “Nguyên Vina Cap” hay “Nguyên Tài chính” - một chuyên gia về tài chính chứng khoán được đào tạo bài bản, mới 37 tuổi.

Năng động, dám nghĩ dám làm và biết hoạch định, đầu tư cho những cơ hội lâu dài, Phạm Uyên Nguyên là gương mặt tiêu biểu của thế hệ trí thức trẻ Việt Nam trong thời đại mới. Nguyên tắc sống và làm việc của anh: Muốn được xã hội thừa nhận, trọng dụng phải biết nghĩ đến lợi ích cộng đồng và tự phấn đấu rèn luyện mình thành người thực sự có năng lực.

 

Ý thức tự lập từ nhỏ

 

Từ thuở còn là học sinh, Nguyên đã nổi tiếng là cậu bé tài hoa. Không chỉ học giỏi đều các môn, cậu còn là một nhạc sĩ nhí, sáng tác được các ca khúc như Hành khúc Minh Khai, Ngồi lại bên nhau... đoạt nhiều giải thưởng của Sở GD-ĐT TPHCM và Thành đoàn. Bạn bè và người thân ai cũng nghĩ Nguyên sẽ theo con đường nghệ thuật. Ít ai ngờ rằng, Nguyên lại thi vào Đại học Nông Lâm. Cậu chỉ nghĩ đơn giản: “Việt Nam là nước nông nghiệp, học nông lâm sẽ có điều kiện đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển”. Nguyên từng đoạt giải nhất Eureka với công trình “Cách diệt ốc bươu vàng hại lúa”.

 

Nhà nghèo, nên Nguyên ý thức tự lập từ nhỏ. Lúc còn trên ghế nhà trường, cậu sống được bằng công việc dạy kèm và viết báo. Thời sinh viên, Nguyên từng thi vào và được làm phóng viên tập sự ở Báo Tuổi Trẻ. Một thời gian sau, Nguyên chấp nhận thử thách và sẵn sàng trả giá trước những cơ hội mới và bỏ nghề làm báo. Trong một cơ duyên, Nguyên được nhận vào công tác ở Viện Kinh tế TPHCM. Và thực tiễn công tác nghiên cứu nơi đây là chiếc nôi đào tạo cho một doanh nhân trẻ sau này.

 

Người liều nhất thiên hạ

 

Cứ ngỡ, Nguyên sẽ bằng lòng ở lại với công việc mà cậu yêu thích. Nhưng không, 26 tuổi, không một xu dính túi, Nguyên lên đường du học bằng những điều kiện mà khi nghe đến nhiều người phải lắc đầu: Tiền vé máy bay do một giám đốc người Nhật tặng; tiền ăn ở đủ cho 3 tháng đầu là của một Việt kiều, trưởng đại diện một ngân hàng của Anh tại Việt Nam cho mượn, cùng bức thư giới thiệu của GS Gibert với hiệu trưởng Trường Đại học Nanyang Singapore: “Nếu người thanh niên Việt Nam này không kiếm được học bổng thì đề nghị nhà trường cứ trừ vào lương hằng tháng của tôi”.

 

Ba tháng đầu tiên nhanh chóng trôi qua, ngoài thử thách về ngoại ngữ, Nguyên phải đối đầu với chuyện cơm áo và học phí. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, cuối cùng Nguyên chọn cách liều lĩnh: Gõ cửa nhà của vị nguyên thủ đất nước Singapore, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu!

 

Tiếp cận được vị cựu thủ tướng đã là chuyện không dễ, trình bày được những tâm tư, nguyện vọng của mình càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng chàng thanh niên Việt Nam đã làm được điều đó.

 

“Xin tự giới thiệu, tôi là một sinh viên Việt Nam đang du học. Trước hết tôi xin được bày tỏ lòng khâm phục từ lâu nay của tôi đối với ngài, đối với những thành quả mà ngài đã làm cho đất nước Singapore”. Anh đã bắt đầu câu chuyện như thế.

 

Nguyên không trực tiếp đề cập đến việc xin học bổng. Anh trình bày với vị cựu thủ tướng một cách thật tình về cuộc sống hiện tại, những hoài bão cống hiến cho đất nước Việt Nam sau khi học xong và xin vị cựu thủ tướng một lời khuyên để anh có thể học và tồn tại được ở Singapore.

 

Ngài cựu thủ tướng đã hỏi thăm anh về gia đình, về những công việc anh đã làm trước kia... Câu chuyện cởi mở, thân tình cứ thế trôi qua. Tiễn anh, ngài Lý Quang Diệu nói: “Cuộc sống ở Singapore rất cạnh tranh. Đất nước này chỉ khuyến khích và chấp nhận hai loại người: một là giàu có, hai là giỏi và thông minh. Anh đã đến được đây, thì Singapore sẽ không đuổi anh đâu. Hãy biết suy nghĩ dài hạn, đừng vì khó khăn trước mắt mà mất tự tin, thui chột ý chí. Là thanh niên phải có một mục tiêu, kế hoạch dài hạn...”.

 

Không ngờ một tuần sau ngày đi gõ cửa liều lĩnh ấy, Nguyên được Văn phòng Thống đốc Ngân hàng Singapore (MAS) mời đến phỏng vấn chính thức để được cấp học bổng. Vượt qua nhiều vòng sát hạch gay go, cuối cùng Nguyên đã giành được học bổng toàn phần GSIC, bao gồm cả học bổng cao học tại Singapore và tu nghiệp tại Mỹ.

 

Tuy nhiên, để được học bổng này Nguyên phải chấp nhận điều kiện ngặt nghèo: Sau khi hoàn thành chương trình tu nghiệp tại Mỹ phải ở lại Singapore làm việc 10 năm!

 

Say mê đọc sách và tìm hiểu về kinh tế, cùng với ngành học tài chính, Nguyên sớm nhận ra rằng: “Việt Nam chúng ta nghèo, không phải vì thiếu tiền mà vì thiếu lưu thông đồng tiền. Tôi tự xác định và cam kết mục tiêu cuộc đời mình gắn liền với việc góp phần làm gia tăng lưu thông dòng tiền giữa công chúng và doanh nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng phát triển kinh tế Việt Nam...”

 

Và khi cá gặp được nước!

 

Với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, Nguyên muốn trở về nước ngay nhưng “món nợ” phải ở lại Singapore làm việc 10 năm của GSIC như cái án treo lơ lửng trên đầu!

 

“Tôi là người gặp may! Trong lúc đang bối rối không biết thế nào thì tình cờ gặp được ông Trương Tấn Sang (lúc ấy là Bí thư Thành ủy TPHCM) ở Singapore. Tôi đã trình bày nguyện vọng của mình muốn về làm việc tại quê hương”- anh bồi hồi nhớ lại. Không bỏ lỡ thiện chí của một “hạt giống quý”, ông Trương Tấn Sang đã tạo điều kiện cho Nguyên về nước để giúp xây dựng một định chế mới là Quỹ Đầu tư và Phát triển đô thị (HIFU). Chính phủ Singapore đã ủng hộ Việt Nam và thế là Nguyên được “giải thoát” 10 năm trả nợ!

 

Như cá về với nước, Nguyên tha hồ vùng vẫy. Anh trực tiếp soạn chương trình, được mời làm thỉnh giảng về chứng khoán, quản trị doanh nghiệp tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhiều trường đại học trên toàn quốc. Bên cạnh đó, anh còn là người góp phần đắc lực trong việc thành lập Quỹ Đầu tư và Phát triển đô thị TPHCM. Anh được xem là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản và góp phần đưa kiến thức về khái niệm hoạt động chứng khoán ở Việt Nam.

 

Từ ngày thị trường chứng khoán manh nha hình thành và phát triển ở Việt Nam đến nay chỉ hơn 5 năm, nhưng nó đã nóng lên qua các cơn sốt cổ phiếu và các sàn giao dịch sôi động. Dòng tiền trực tiếp giữa công chúng và các doanh nghiệp bước đầu đã được khơi thông và phát huy hiệu quả. Đó là phần thưởng ngọt ngào nhất đối với anh. Vì theo anh: “Khi đồng vốn được lưu thông sẽ tạo ra thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế phát triển”.

 

Dù đã kinh qua nhiều cương vị nhưng anh vẫn thủy chung với lý tưởng mà mình đã chọn: “Làm gia tăng lưu thông đồng vốn giữa Nhà nước, công chúng và doanh nghiệp”. Tuổi đời vừa tròn 37, nhưng Nguyên thực sự đang ngồi trên “núi việc” với những trọng trách nặng nề: giám đốc điều hành nguồn vốn hàng trăm triệu USD của VOF, vừa là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Dệt Thắng Lợi, lại còn là thành viên hội đồng quản trị của những công ty hàng đầu như Kinh Đô, Dược Hậu Giang...

 

Với biệt danh khá lẫy lừng “Nguyên Vina Cap!”, ai cũng bảo anh tham công tiếc việc nhưng đó là sự chọn lựa tự nguyện của một trí thức trẻ say mê công việc như anh. Phạm Uyên Nguyên đang nuôi dưỡng một hoài bão lớn và cũng thực tế: “Tôi sẽ nỗ lực hết mình để Việt Nam sớm có được những tập đoàn đa quốc gia!”.

 

Theo Bích Hà
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm