Chàng trai người Mường và tình yêu vô bờ bến với cò

Nhiều năm qua, gia đình anh Quách Hưng Thịnh (SN 1990) người dân tộc Mường ở Kim Bôi (Hòa Bình) đã giữ gìn nguyên vẹn khu vườn tre, muông của gia đình, cho cò, vạc và nhiều loài chim khác trú ngụ.

Hàng ngày vợ chồng anh thay nhau bảo vệ vườn chim. Với gia đình anh, đó là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng, không thể đánh đổi bằng tiền bạc.

 

Anh Quách Hưng Thịnh giới thiệu về vườn cò.
Anh Quách Hưng Thịnh giới thiệu về vườn cò.

 

Đất lành chim đậu

Tìm đến vườn chim của gia đình anh Quách Hưng Thịnh vào một buổi chiều, vào đến cổng, tôi  thấy từng đàn cò hàng nghìn con cò chia thành nhiều tốp ào ào bay về, uốn lượn chật kín cả một vuông trơi quanh vườn tre, muông rậm rạp của khu vườn nhà anh. Khu vườn rộng hơn 1 ha, nằm trong khu dân cư khá đông đúc ở xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi).

Anh Thịnh cho biết, cò ở trong vườn từ khi bố anh còn bé, nghe bố kể lại đàn cò về vườn hơn 30 năm nay. Lúc đầu chỉ 1 - 2 đàn vài chục con, càng về sau, các loài chim, cò kéo về ở càng nhiều hơn. Đến nay đàn cò trong vườn có khoảng vài nghìn con thường xuyên về ở, làm tổ sinh sản.

Trong vườn còn hàng chục loài chim khác, sếu, vạc, vàng anh, sáo... Ngồi cạnh tiếp lời con, bà Quách Thị Tuyên cho biết, từ lúc về làm dâu đã thấy đàn cò. Những hình ảnh chiều tà, cò gọi nhau trở về, nửa đêm tiếng cò gáy đã trở thành âm thanh quen thuộc. Gia đình chưa bao giờ làm thịt cò ăn vì với họ cò như thành viên đặc biệt của gia đình mình.

“Hồi bé, để dỗ mình ăn cơm mẹ thường đưa ra ngắm cò, vì vậy mình có tình cảm đặc biệt với chúng. Khi xuống Hà Nội học đại học, mình nhớ gia đình, nhớ cò, nhớ tiếng chim non kêu ríu rít sau vườn”, anh Quách Hưng Thịnh chia sẻ.

Từ khi đàn chim về vườn làm tổ, năm nào gia đình anh Thịnh cũng trồng thêm nhiều tre, muông và các loại cây để có chỗ cho chim trú ngụ, sinh sản.

Anh Thịnh kể loài chim, cò khôn lắm, bay về mà không có nơi trú ngụ, làm tổ là chúng kêu suốt đêm. Những tiếng kêu của chúng đã thúc giục anh cố gắng trồng thêm nhiều cây hơn nữa.

“Từ nhỏ tôi đã biết đến con cò trong lời ru của mẹ. Lớn lên, tuổi thơ gắn với ruộng đồng, hàng ngày đi chăn trâu, cắt cỏ tôi rất thích ngắm nhìn từng đàn cò sải cánh trên bầu trời. Tôi thấy hạnh phúc khi vườn nhà mình được đàn cò chọn làm tổ và thường tự hào khoe với mọi người là “đất lành chim đậu”, đàn cò là lộc của trời ban cho gia đình”, anh Thịnh bộc bạch.

Bảo vệ đàn chim, cò

Điều khiến gia đình anh Thịnh lo lắng nhất là tình trạng săn bắt cò. Mặc dù gia đình luôn giải thích, khuyên can những người có ý định săn bắt, canh giữ  vườn cò ngày đêm nhưng vẫn không thể tránh khỏi.

Thậm chí tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng khi anh cấm việc săn bắt chim. Các thành viên trong gia đình cũng phải cắt cử nhau ở nhà để canh chừng những người dân sống gần đó, những tay săn chim ở nơi khác kéo về săn bắn, làm chim bay loạn xạ.

Anh Thịnh kể, nhiều hôm cả nhà đang đi làm đồng, nhiều người kéo đến vườn săn bắn cò. Có người lạ vào, đàn cò bay bung lên trời. Lúc đó gia đình anh phải chạy về vườn bảo vệ cò.

“Bố tôi rất quý đàn cò, những buổi trưa hè ông ấy mắc võng ngủ luôn sau vườn để canh không cho người lạ vào săn cò. Nhiều hôm, đêm đang ngủ nhưng nghe tiếng động lạ trong vườn, bố lại một mình xách đèn pin ra kiểm tra vườn cò”, anh Thịnh nói.


Đàn cò hàng nghìn con bay về vườn gia đình anh Thịnh vào mỗi buổi chiều.

Đàn cò hàng nghìn con bay về vườn gia đình anh Thịnh vào mỗi buổi chiều.

Mỗi tuần anh Thịnh làm vệ sinh khu vườn một lần, chim về nhiều, lượng phân thải ra cũng rất lớn, làm vậy mới đảm bảo được vệ sinh môi trường, tạo không khí trong lành. “Hồi bé, để dỗ mình ăn cơm mẹ thường đưa ra ngắm cò, vì vậy mình có tình cảm đặc biệt với chúng. Khi xuống Hà Nội học đại học, mình nhớ gia đình, nhớ cò, nhớ tiếng chim non kêu ríu rít sau vườn”, anh Thịnh bộc bạch.

Khu vườn tre, muông rộng, rậm rạp, bước chân vào vườn đã nghe tiếng chim non kêu ríu rít trên tổ. Anh Thịnh bảo phải đi nhẹ không để chim giật mình bay tan tác, bỗng khuôn mặt vui tươi hồ hởi của anh xám lại. Ngồi xuống gốc tre, cầm xác con cò chết đang rỉ máu, anh buồn vì cò lại bị săn trộm.

“Mấy năm gần đây, chim có giá, thương lái đi tận các vùng quê để thu mua bán cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản càng khiến cho lượng người đổ xô đi đánh bắt chim càng nhiều. Nhưng họ đâu có biết, bắn chết một con cò mẹ thế này thì những chú chim non trên tổ kia cũng chết vì đói khát”, anh Thịnh nói mà giọng run run.

Nhiều thương lái ở dưới thành phố tìm đến vườn của gia đình muốn bỏ tiền xin khai thác chim làm thực phẩm cho các nhà hàng, nhưng đều bị anh đuổi về. Với gia đình anh “vườn chim là một phần của gia đình. Đất có lành thì chim mới đậu, gia đình có duyên thì chim mới đến trú ngụ, làm tổ”, anh bảo vậy.

Bà Bùi Thị Linh, người dân sống cạnh vườn chim nhà anh Thịnh cho biết, “Vườn chim của gia đình Thịnh có từ rất lâu rồi. Cả khu vườn rộng gia đình chỉ dành cho chim, cò làm tổ. Nhiều người trong làng khuyên nên phá vườn trồng các loại cây giá trị khác nhưng gia đình Thịnh kiên quyết bảo vệ đàn cò. Tôi thấy đây là một việc làm thiết thực bảo vệ môi trường, sinh thái”.

Ông Quách Đình Thu, Bí thư xã Hạ Bì cho biết, đàn cò hàng nghìn con về trú ngụ ở vườn gia đình anh Thịnh mấy chục năm nay. Việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ đàn cò của gia đình là rất tốt, bảo vệ môi trường sinh thái cho địa phương. Xã cũng nhiều lần kiến nghị các cấp có biện pháp hỗ trợ gia đình, bảo tồn, mở rộng khu vườn nhưng chưa được đồng ý.

Theo Quang Lộc

Tiền phong