Chàng trai kiến trúc đưa sáo trúc tới 20 quốc gia

(Dân trí) - Ở cái tuổi 30, anh Mão là chủ một chuỗi cửa hàng bán sáo mang danh hiệu “Sáo Mão Mèo” nổi tiếng kèm với doanh thu cũng không hề nhỏ lên đến cả hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Chàng trai học kiến trúc nhưng nổi tiếng nhờ cây sáo

Sinh ra tại một xã miền núi khó khăn của huyện Tân Kỳ (Nghệ An), chàng trai Nguyễn Văn Mão (SN 1987) từ nhỏ đã là một người đam mê sáo trúc. Thế nhưng từ bé đến lớn, anh chưa bao giờ nghĩ lớn lên mình sẽ sống và làm giàu nhờ cây sáo.

Vốn siêng năng học hành nên sau khi học hết cấp 3, anh Mão đã thi đỗ trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Ngày anh Mão đỗ đại học, cả gia đình, họ hàng và vùng quê vui mừng vì có một người học đỗ đạt thành tài như thế.

Ai cũng mong sau này anh Mão sẽ học và trở thành một kiến trúc sư giỏi. Thế nhưng, không biết vì “duyên phận” vì đam mê hay lý do nào khác nhưng đang học dở chừng thì anh Mão lại đột nhiên lao vào con đường làm sáo.

Chuỗi cửa hàng sáo trúc Mão Mèo nối tiếng của anh Mão.
Chuỗi cửa hàng sáo trúc Mão Mèo nối tiếng của anh Mão.

Ngày quyết định thử “chuyển hướng”, anh Mão đã vấp phải nhiều khó khăn cũng như những lời chê bai. Tuy nhiên, với tính tình thẳng thắn pha chút ương ngạnh, anh Mão đã quyết tâm theo đuổi quyết định của mình.

Ngày quyết định chọn hướng đi này giống như mình đã phản bội lại niềm tin yêu, sự hi vọng của mọi người. Bà con, hàng xóm ai cũng khuyên can, họ bảo mỗi cây sáo có mấy ngàn bạc, cơm chẳng đủ ăn, xưa nay chưa từng thấy ai đổi đời từ cây sáo, học hành không chuyên tâm rồi coi chừng lại không ra được trường”, anh Mão nhớ lại ngày bắt đầu với nghề làm sáo.

Quyết tâm làm bằng được để chứng minh cho mọi người thấy hướng đi của mình không sai lầm, ngày đó chàng trai trẻ đã về lùng sục khắp rừng núi để tìm cây nứa - nguyên liệu làm nên cây sáo. Anh Mão luôn hi vọng sẽ mang sản phẩm của mình tiến vào thị trường, ghi danh vào mặt hàng nghệ thuật được ưa chuộng nên không bao giờ ngừng cố gắng.

Trải qua cả tháng trời không kể ngày đêm vất vả để tìm cách sáng chế, hay cả những lần bàn tay nhuốm đầy máu vì bị dao cắt, cuối cùng những cây sáo với tiếng thổi du dương hoàn hảo cũng đã được cho ra đời.

Hành trình đưa tiếng sáo vang xa

Giấy khen của Uỷ ban dân tộc tặng anh Mão.
Giấy khen của Uỷ ban dân tộc tặng anh Mão.

Ban đầu số lượng sáo anh Mão làm ra còn ít, anh đã đưa đi giới thiệu cho bạn bè, người thân. Rồi khi được bạn bè ưng ý, ủng hộ, anh Mão đã đăng sản phẩm sáo của mình lên các trang mạng xã hội để bày bán. Nhưng rồi, lượng sáo bán ra chỉ được đếm trên đầu ngón tay nên lại khiến anh Mão buồn rầu. Vẫn không chịu khuất phục, anh Mão quyết tâm tìm hướng đi khác cho những cây sáo tâm huyết của mình.

Để sản phẩm của mình có thể có chỗ đứng trên thị trường, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, trước hết cần giúp mọi người có được những hình dung ban đầu về sản phẩm ấy. Xuất phát từ ý tưởng ấy, anh Mão đã quyết định bỏ ra 3 năm để dạy sáo miễn phí ở tất cả các công viên trong thành phố Hà Nội.

Cuối cùng sự khởi sắc trong sự nghiệp của anh cũng đã đến. Càng ngày mọi người biết đến sáo trúc của anh Mão càng nhiều hơn, số lượng hàng bán được cũng tăng lên từng ngày rõ rệt.

Từ nền tảng ấy, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Mão lại tiếp tục thành lập nên những câu lạc bộ sáo trúc ở các công viên và trường Đại học ở Hà Nội. Dần dà anh trở thành chủ nhiệm của nhiều câu lạc bộ với số lượng thành viên lên đến con số hàng nghìn thành viên.

Đánh dấu cho sự thành công trong hành trình mang tiếng sáo đến gần hơn với công chúng, tháng 9/2013 anh mở cửa hàng đầu tiên và dần tạo được thương hiệu uy tín trong lòng người yêu sáo.


Giờ đây anh Mão đã là ông chủ nổi tiếng với hàng chục cửa hàng sáo cho doanh thu hàng tỷ đồng.

Giờ đây anh Mão đã là ông chủ nổi tiếng với hàng chục cửa hàng sáo cho doanh thu hàng tỷ đồng.

Giờ đây ở cái tuổi 30 nhưng Nguyễn Văn Mão đã trở thành ông chủ của 23 cửa hàng sáo trúc với số lượng bán ra hàng tháng khoảng 8.000 cây sáo, thu về hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Điều đặc biệt hơn, anh Mão đã vinh dự được Uỷ ban Dân tộc trao tặng Giấy khen Nghệ nhân ưu tú, có cống hiến lớn vào phát triển và giữ gìn âm nhạc dân tộc năm 2017.

Hiện nay thương hiệu sáo trúc của anh đã “xâm nhập” được vào 20 quốc gia trên thế giới. Dù đã thành công lớn nhưng anh Mão vẫn không tiếp tục ngừng học hỏi. Anh Mão vẫn ngày đêm tâm huyết tìm tòi để cho ra những mẫu mã, thiết kế mới độc đáo, hấp dẫn hơn. Ngoài ra anh vẫn thường xuyên đi giao lưu với nhiều trường học trên cả nước về sáo trúc để lan tỏa cây sáo đến nhiều người hơn nữa.

Bật mí về những dự định trong tương lai, chàng trai với biệt danh “Mão Mèo” cho hay anh đang nỗ lực để “nạp” thêm “sinh khí” vào tiếng sáo của mình, sẽ “chắp cánh” để tiếng sáo bay cao, bay xa hơn nữa.

Phan Quỳnh