Chàng trai có duyên với bưởi

Anh Trần Văn Ngọc (ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang) hiện có vườn bưởi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhờ bén duyên bưởi Diễn, bưởi Da Xanh.

Cạnh tranh với bưởi Diễn

 

Khu vườn rộng gần 1.000 m2 của anh Ngọc mùa này trĩu nặng gần 10.000 trái bưởi chuẩn bị cho thu hoạch. Ước tính, vụ cuối năm này, anh thu được hơn 200 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, có vườn bưởi như thế không hề đơn giản. Anh Ngọc phải mất gần 4 năm tìm tòi giống cây mới rồi quyết định đốn toàn bộ số cây vải thiều và táo để trồng bưởi Diễn. Ban đầu, anh mua 60 cây giống ở làng Phúc Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) mang về trồng. Năm đầu do anh chưa có kinh nghiệm trồng, cây bưởi chưa cho nhiều quả, chất lượng kém, hiệu quả thấp.

 

Không cam chịu thất bại, anh Ngọc tiếp tục tìm tòi học hỏi từ các chủ vườn có kinh nghiệm và các thương lái để bưởi cho nhiều quả đều, có vị ngọt đậm, màu sắc đẹp hơn. Những năm sau, vườn bưởi Diễn cho nhiều quả và được thương lái đánh giá chất lượng không thua kém bưởi Diễn chính gốc. Bưởi được thu mua hết với giá cao.

 
Anh Ngọc bên vườn bưởi trĩu quả
Anh Ngọc bên vườn bưởi trĩu quả
 

Bén duyên bưởi Da xanh

 

Anh Ngọc đi nhiều nơi, thấy giống bưởi Da xanh được nhiều người tìm mua với giá cao, giống cây này chủ yếu có ở Bến Tre. Năm 2011, anh mua giống rồi quyết định chuyển đổi 6 sào ruộng đang cấy lúa sang trồng bưởi Da xanh. Tuy mới được 3 năm, nhưng 300 gốc bưởi Da xanh đã cho thu hoạch hơn 4 tạ quả, trị giá khoảng 20 triệu đồng.

 

Anh Ngọc cho biết, từ khâu trồng đến chăm sóc bưởi, cần phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Trồng bưởi Diễn quan trọng nhất là chăm sóc để quả đều, không to quá hoặc nhỏ quá. Trọng lượng quả cần đồng đều khoảng 0,8 kg là vừa. Đây là giống cây đặc biệt, cây càng già thì quả ăn càng ngon.

 

Bưởi Da xanh khó trồng, khó chăm sóc, không phải ai cũng trồng được, bù lại, thị trường luôn ổn định, giá bán lại cao. Những lúc cao điểm, giá bưởi Da xanh lên đến 60.000 đồng/kg.

 

Sau khi trồng, tưới nước ẩm cho cây bén rễ; cây bắt đầu nhú mầm, ra lá non thì bón phân đạm urê. Để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, cần bón phân tổng hợp NPK, trong đó phân NPK Văn Điển cho hiệu quả nhất vào đúng thời điểm cây chuẩn bị ra hoa và sau khi thu hoạch quả.

 

Theo anh Ngọc, phải quan sát, tùy theo thể trạng và sức sản xuất quả trên cây của năm trước và nhìn sắc màu lá để quyết định lượng phân bón cho từng cây. Anh còn thường xuyên thăm vườn để phát hiện các loại sâu bệnh, một năm tưới 2 lần nước vôi trong hoặc rắc vôi bột để giảm sâu bệnh, không để cỏ dại mọc quanh gốc bưởi, khi có dấu hiệu của sâu bệnh phải dùng thuốc trị ngay.

 

Mùa đông, cây tập trung dưỡng quả nên không được tưới nước. Nếu chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, quả sẽ đều, có vị ngọt đậm và màu sắc cũng đẹp hơn. Quả sau thu hái có thể để được đến 3 tháng, không cần thuốc bảo quản mà vẫn tươi, ngon.

 

Thắp lên ngọn lửa làm giàu

 

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bưởi của gia đình anh Ngọc, nhiều người trong và ngoài xã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Đến nay, anh Ngọc đã hỗ trợ hàng chục mô hình trồng bưởi của người dân trong xã và nhiều địa phương lân cận như Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn…

 

Cứ nhìn lượng bán cây giống với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm hiện nay cũng đủ thấy uy tín của anh Ngọc với người dân có khát khao làm giàu từ cây bưởi như thế nào. Nhiều người đến với anh Ngọc còn bởi anh cởi mở, sẵn sàng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm trồng bưởi.

 

“Nhiều bạn trẻ đến học hỏi kinh nghiệm mình đều sẵn sàng chia sẻ, thậm chí đến tận nơi để xem chất đất, hướng dẫn kỹ thuật. Mình tin rằng vẫn còn nhiều cơ hội để các bạn trẻ ở nông thôn làm giàu một cách chính đáng nếu các bạn thực sự quyết tâm”, anh Ngọc tâm sự.

 

Theo Nguyễn Lượng – Nguyễn Trường

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm