Chàng trai chấp bút các diễn văn của ứng cử viên tổng thống Mỹ Obama

(Dân trí) - Trong đại sảnh của khách sạn Radisson of Nashua, bang New Hampshire, Jon Favreau vừa uống lon Coca-Cola dành cho những người ăn kiêng vừa ăn vặt để giết thời gian. Ông chủ của anh ta, thượng nghị sĩ Barack Obama bước vào rồi vội rời khỏi phòng.

Kết quả của các vòng bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ bắt đầu. Tại bang New Hampshire, bà Hillary Clinton đã vượt lên trước ông Obama, người vừa giành chiến thắng trước đó 5 ngày ở bang Iowa. Favreau (26 tuổi) là người chấp bút chính (speechwriting) trong chiến dịch tranh cử đã phải mất 3 tiếng để nghiên cứu và tổng hợp bài diễn văn ăn mừng trong trường hợp ông Obama giành chiến thắng.

 

Nhưng anh đang xem xét lại công việc của mình sau khi bà Clinton mỉa mai các bài diễn văn lịch sự của ông Obama: “Ông dùng thơ để vận động tranh cử thì sẽ dùng văn xuôi khi nắm quyền”. Sau khi nghe những lời lẽ đó, Favreau thú nhận: “Thành thực mà nói, lần đầu tiên tôi đã phải suy nghĩ về những gì mình đang làm, đó là khi ông ấy bắt đầu đọc diễn văn. Tôi nhìn những người cộng tác lâu năm nhất và tất cả đều mỉm cười. Sau đó tôi nhìn khán phòng và tự nhủ mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”.

 

Mọi người thân mật gọi Favreau là Favs, chàng thanh niên có khuôn mặt trẻ con lún phún râu. Anh là nhóm trưởng của hai biên tập viên trẻ khác. Adam Frankel (26 tuổi), người được giao nhiệm vụ nghiên cứu hồi ký của Theodore C. Sorensen, cố vấn đặc biệt kiêm người chấp bút diễn văn cho Tổng thống John F. Kennedy và Ben Rhode (30 tuổi), giàu kinh nghiệm nhất trong nhóm. Ben Rhode đã tham gia soạn báo cáo của Nhóm nghiên cứu về Iraq và từng là trợ lý của Lee H. Hamilton, Phó Chủ tịch Uỷ ban Điều tra về vụ 11.9. Tất cả làm việc phục vụ một chính trị gia nổi tiếng về tài diễn thuyết.

 

Ông Obama là tác giả của hai cuốn sách bán chạy và bài diễn văn được ca tụng tại Hội nghị cử ứng cử viên của đảng Dân chủ năm 2004. David Axelrod, chiến lược gia chủ chốt của nhóm vận động tranh cử của thượng nghị sĩ Obama nhận xét: “Ông Barack tin tưởng, cho anh ấy (Favreau) quyền quyết định với mọi câu chữ viết ra, dù từ trước đến này ông ấy không mấy khi tin tưởng vào người khác trong lĩnh vực này”.

 

Khi gặp ông Obama, Favs mới 23 tuổi và vừa nhận được bằng tốt nghiệp của Holy Cross College ở Worcester, bang Massachusetts. Trong hậu trường Hội nghị đảng Dân chủ năm 2004, ông Obama nhắc lại nhiều lần bài diễn văn của mình và bị Favreau, khi đó là thành viên nhóm làm việc của ứng cử viên John Kerry ngắt lời để đính chính một dòng trong bài diễn văn đó. “Ông ấy nhìn tôi, vẻ hơi ngượng và dường như đang tự nhủ “Cậu thanh niên này là ai vậy?”, Favreau nhớ lại.

 

Favs từng là người biên soạn diễn văn tranh cử của ông Kerry và sau khi ông này thất bại, anh bị thất nghiệp. Robert Gibbs, giám đốc truyền thông của ông Obama biết đến tài năng của Favreau khi còn là người của ông Kerry nên đã đề nghị anh về làm việc và năm 2005, anh đầu quân dưới trướng của ông Barack.

 

Obama và Favs trải qua nhiều thời gian cùng nhau, đặc biệt trong thời gian này, anh trở thành tiếng nói của ông Obama, người ghi chép lại toàn bộ những gì thượng nghị sĩ đã nói, lĩnh hội, xâu chuỗi và tổng hợp chúng trong các bài diễn văn tiếp theo. Giờ đây, mỗi khi bắt đầu một bài diễn văn mới, anh kết nối với ông Obama để thống nhất ý kiến, câu từ.

 

Christopher Buckley, người viết diễn văn của Tổng thống George Bush-cha tiết lộ: “Mẹo nhỏ trong chấp bút diễn văn chính là khiến cho các câu chữ của bạn có sức thuyết phục với người nghe, làm cho họ tin rằng chúng là do họ trực tiếp viết ra. Bạn sẽ nghĩ sao nếu ứng cử viên đảng Cộng hoà Ron Paul nhắc lại câu nói: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn”, bạn có thể thấy ngay vấn đề”. Rất nhiều ứng cử viên đảng Dân chủ cố gắng gợi lại John và Robert Kennedy trong các cuộc vận động, nhưng duy nhất có ông Obama là thành công. Có vẻ như ở ông Obama có sự hăm hở nhiệt tình như của John Kennedy.

 

Favs cho biết, đế lấy cảm hứng viết diễn văn, anh đọc ngốn ngấu cuốn sách của Bobby (Kennedy): “Tôi thấy ông Obama có những điểm tương đồng với John F.Kennedy, Robert F. Kennedy và cả Luther King”. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhà sử học Ted Widmer, Đại học Brown, các bài diễn văn của ứng cử viên Obama hoàn hảo giúp ông giảnh chiến thắng ngay từ đầu cuộc đua, nhưng hiện nay chiến dịch đang ở thời điểm quan trọng, sẽ hữu ích hơn nếu cử tri nghe thấy những ý tưởng cụ thể.

 

Favs kể rằng, anh thường đứng viết diễn văn tới 3h sáng, chỉ ngủ 2 tiếng và tỉnh giấc lúc 5h, chưa từng ngủ quá 6h/ngày kể từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu. Hai ngày trước chiến thắng của ông Obama tại Cuộc họp kín Iowa, Favs giam mình trong quán cà phê ở Des Moines, Obama và anh đã chọn chủ đề nhất quán, chọn câu mở đầu cho bài diễn văn ăn mừng chiến thắng: “Họ đã nói rằng ngày này sẽ không bao giờ đến”.

 

Favreau nhớ lại: “Tôi biết rằng câu nói này sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ông Barack và tôi đều biết rõ điều đó. Trong nhiều tháng, người ta nói rằng ông ấy sẽ không bao giờ thắng. Có ngày có thể sẽ không bao giờ xảy đến, ngày mà một người Mỹ gốc Phi có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang của người da trắng”.

 

Tuy nhiên, các bài diễn văn của ông Obama không bao giờ nhắc đến vấn đề chủng tộc, nhưng Favreau thú nhận anh đã từng nghĩ đến điều đó. Một khi ông Obama tiếp tục gặt chiến thắng, đồng nghĩa với việc Favreau cũng tiếp tục thăng hoa. Michael Gerson, cựu biên tập viên diễn văn của Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đến bang New Hampshire khen ngợi Favreau về bài diễn văn mừng chiến thắng ở Iowa.

 

Nhiều người trong nhóm vận động tranh cử bắt đầu chọc ghẹo sự nổi tiếng của Favreau, một người đàn ông không hấp dẫn đối với phụ nữ. Nhưng Favs không mấy bận tâm về điều đó: “Bạn có thể trải qua thời gian này mà vẫn duy trì được sinh lực không? Ai cũng biết chúng tôi đang phải vắt kiệt sinh lực của mình. Tôi tin ông Obama thành công và tôi cũng nghĩ mình cũng sẽ thành công trong cuộc sống”.

 

Ngọc Nhàn

Theo New York Times