Chàng trai 8x bỏ ngành Y, rẽ ngang làm “thầy giáo ngoại đạo”

Bỏ ngành học thời thượng là Y khoa, chàng trai 8X Phan Khắc Huy khiến bạn bè và gia đình sốc với quyết định rẽ ngang làm một “người thầy ngoại đạo”, miệt mài “Kể chuyện Việt Nam”, “Kể chuyện Sài Gòn”, với mong muốn truyền lửa đam mê cho những người trẻ với lịch sử, văn hóa Việt.

Khắc Huy có niềm tin rằng, nếu kể chuyện hấp dẫn thì những vấn đề tưởng chừng khô khan, người trẻ vẫn sẽ đón nhận nồng nhiệt. Niềm tin đó được Huy duy trì từ năm 2012, khi lớp học ra đời đến nay.

 

Lựa chọn táo bạo của “người ngoại đạo”

 

Thật bất ngờ, khi biết rằng, Khắc Huy không hề tốt nghiệp một ngành học nào liên quan đến Lịch sử hay Văn hóa. Chàng trai đến từ Mỹ Tho (Tiền Giang) đã mạnh dạn bỏ ngang ngành học thời thượng là Y khoa (Trường ĐH Y Dược TPHCM) trong sự tiếc nuối của bạn bè. Thậm chí, gia đình anh ban đầu cũng cảm thấy sốc.

 

“Mình bỏ ngang ngành Y vì 2 lý do. Thứ nhất, sau vài năm học và tìm hiểu, mình không cảm thấy yêu ngành học này. Khi y đức là vấn đề nổi cộm của cả xã hội hiện nay thì một bác sĩ không yêu nghề, chỉ vì tiền sẽ làm hại bệnh nhân.

 

Thứ hai, mình luôn có sự quan tâm đặc biệt đến nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và muốn được theo đuổi đam mê; có lẽ điều này ảnh hưởng từ ông ngoại là nhà văn Minh Lộc và cụ cố là nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt”, Khắc Huy chia sẻ.

 
Chàng trai 8x bỏ ngành Y, rẽ ngang làm “thầy giáo ngoại đạo”
Phan Khắc Huy (trong cùng) làm hướng dẫn viên trong chuyến dã ngoại tìm hiểu văn hóa ở làng nghề Một thoáng Việt Nam (Củ Chi, TPHCM).

 

Trăn trở trước thực trạng người trẻ ít hứng thú với kiến thức văn hóa, lịch sử, Khắc Huy cho rằng, nếu có góc tiếp cận khác, sinh động hơn thì những câu chuyện lịch sử, văn hóa sẽ được người trẻ tích cực đón nhận và hứng khởi tiếp thu. Suy nghĩ đó giúp nẩy mầm ý tưởng về dự án “Lớp học vui vẻ”.

 

Theo Huy, cái tên “Lớp học vui vẻ” đã nói lên tất cả. Tuy là học kiến thức văn hóa – lịch sử, nhưng mục tiêu hướng đến là những bạn trẻ đến lớp học tự nguyện và hào hứng. Với một dự án giáo dục phi lợi nhuận, mức học phí chỉ là hỗ trợ.

 

Do đó, “Lớp học vui vẻ” còn có tên gọi khác là “Lớp học một tô hủ tiếu”, vì chi phí cho người tham gia chỉ bằng giá một tô hủ tiếu bình dân cùng thời điểm.

 

Lớp học không sợ đúng sai, không có trách phạt!

 

 “Lớp học vui vẻ” của Phan Khắc Huy là một dạng lớp học “Liberal education” (tạm dịch là Giáo dục khai phóng) xuất hiện khá sôi động ở Việt Nam trong vài năm gần đây với đặc trưng là hướng đến niềm vui thích của việc học, không đánh giá bằng điểm, không phân biệt tuổi tác, không kiểm tra - cấp bằng, không tuyển sinh ồ ạt.

 

Mỗi lớp học theo mô hình này chỉ nhận khoảng 20 học viên trở lại và địa điểm học đôi lúc cũng linh hoạt. Nó mang tính chia sẻ và đam mê nhiều hơn là huấn nghệ.

 

Với mục tiêu xây dựng một lớp học xôm tụ, thu hút được nhiều đối tượng bên cạnh đối tượng chính là giới trẻ thì làm sao để hấp dẫn là câu hỏi khiến Huy phải băn khoăn suy nghĩ.
 
“Lớp học vui vẻ” trong buổi học cách làm tò he
“Lớp học vui vẻ” trong buổi học cách làm tò he

 

Nhiều người nghi ngại khả năng “kể chuyện” của Huy, tò mò đến xem thử đều bất ngờ vì cách tiếp cận vấn đề tưởng chừng khô khan của Huy có những nét lạ.

 

Chẳng hạn, nói chuyện chuyên đề về cây dừa, chàng trai 8x đưa những câu hỏi gợi hứng thú như: Cây dừa xuất hiện ở miền Nam từ lúc nào?Tại sao nơi có nhiều dừa nhất Việt Nam người ta không gọi là Bến Dừa mà gọi là Bến Tre? Cách chế biến nước dừa - nước cốt dừa trong ẩm thực Việt? Ăn cơm dừa, uống nước dừa có tác dụng gì với cơ thể? Các sản phẩm từ xơ dừa; sự hữu ích của lá dừa...

 

Chỉ là chuyện cây dừa, nhưng có quá nhiều điều để bàn, để tìm hiểu. Xoay quanh một chủ đề tưởng chừng chẳng có gì để nói ra rất nhiều vấn đề về y học, văn hóa, ẩm thực, lịch sử các chuyến di dân – hình thành vùng đất mới… được Huy cung cấp và tái hiện.

 

Huy chia sẻ: Mình không phải là người nghiên cứu, mà là lấy những cái người đi trước nghiên cứu để sắp xếp, kể lại cho hấp dẫn. Buổi nói chuyện không phải là học đường mà là chia sẻ.

 

Ở đó, ai cũng có thể ý kiến mà chẳng sợ đúng sai, trách phạt. Khi những câu chuyện được lấy cận cảnh và liên tưởng đến chính các bạn, cho ra những bài học hữu ích thì các bạn sẽ thấy hứng thú; có thể phá tan định kiến cho rằng lịch sử - văn hóa Việt là khô khan. Từ đó, các bạn say mê tìm hiểu, nghiên cứu hơn.

 

Một số “học viên” là những người trẻ am hiểu, đọc nhiều sách cũng góp thêm cho những buổi nói chuyện chuyên đề nhiều câu hỏi – kiến thức lý thú.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình tìm hiểu, chuẩn bị tư liệu về một đề tài, google search và những từ khóa liên quan có vai trò cực kỳ quan trọng. Nguồn thông tin nghiên cứu trong và ngoài nước là vô tận, quan trọng là cách tiếp cận.

 

“Có những kiến thức sâu, “google search” cũng “bó tay”, mình phải tìm đến những nhà văn hóa – sử gia để nhờ tư vấn. Rất may, từ khi ra đời lớp học đến nay, tụi mình đã nhận được nhiều sự ủng hộ, quan tâm và giúp đỡ từ những nhà nghiên cứu uy tín”, Khắc Huy tâm tình.

 

Theo Trí Lâm

Giáo dục & Thời đại