Chàng thanh niên lầm lỗi “viết” lại cuộc đời trên mảnh đất quê hương
(Dân trí) - Từng vướng vòng lao lý và phải nhận mức án 6 năm tù giam, trở về địa phương sau những tháng ngày cải tạo, Nguyễn Văn Tuân đã phục thiện và quyết tâm làm lại cuộc đời, trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong tái hòa nhập cộng đồng.
Con đường lầm lỗi
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng bố mẹ Nguyễn Văn Tuân (SN 1987, ở thôn Sồi, xã Thành Minh huyện Thạch Thành) vẫn cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn, với mong muốn sau này thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuân theo bạn bè vào Nam lập nghiệp. Nhiều năm lăn lộn nơi xứ người bằng nghề bốc vác, phụ hồ, cuộc sống khó khăn, không mấy dư giả. Đến năm 2008, Tuân rời miền Nam ngược ra Hà Nội mong kiếm cơ hội đổi thay.
Thời điểm đó, Tuân nghe thông tin buôn bán gỗ sưa có thể kiếm những món lợi kếch xù. Vốn cuộc sống vất vả, trước sự cám dỗ của đồng tiền, tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ, không am hiểu pháp luật, lại bị bạn bè rủ rê nên Tuân đã tham gia vào đường dây trộm gỗ sưa liên tỉnh.
Tuân vẫn còn nhứ như in, đó là ngày 14/7/2011, trong một lần tham gia phi vụ cắt trộm gỗ sưa tại địa bàn thành phố Thanh Hóa, Tuân bị công an bắt quả tang. Ngày 14/9/2011, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt Tuân 18 tháng tù về hành vi “trộm cắp tài sản”.
Trong lúc đang thụ án tại trại giam Thanh Phong, những đối tượng còn lại trong đường dây trộm cắp gỗ sưa mà Tuân tham gia trước đó bị Công an thành phố Hà Nội triệt phá. Ngày 27/2/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử vắng mặt tiếp tục tuyên phạt Tuân cùng tội danh nêu trên thêm mức án 4 năm 6 tháng tù. Tổng mức hình phạt dành cho Tuân ở hai bản án là 6 năm tù giam.
“Ngày đầu vào trại em suy sụp hẳn đi, buồn và hối hận nhiều lắm. Cứ nghĩ đến việc bố mẹ đã già mà vẫn phải lo lắng cho em, có lúc em cảm thấy bi quan và tuyệt vọng, tâm lý buông xuôi, tất cả tương lai phía trước như đóng sập lại.
Nhưng rồi những lần người thân đến thăm em, nhất là bố mẹ, động viên cố gắng cải tạo tốt để sớm có ngày đoàn tụ, em cũng thấy an ủi phần nào. Trong trại em cũng được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cán bộ quản giáo, em đã gạt bỏ được những suy nghĩ lệch lạc và có thêm động lực để cải tạo tốt”, Tuân tâm sự.
Sau thời gian dài phải trả giá cho những việc làm nông nổi của mình, do lao động cải tạo tốt, cuối năm 2015, Tuân được ân xá trước thời hạn 19 tháng. Trở về quê hương chỉ với hai bàn tay trắng, Tuân tự hứa với bản thân mình phải sống sao cho có ý nghĩa, bởi một lần vấp ngã đã là bài học quá đắt cho bản thân.
“Duyên đến thì tính”
Thời gian đầu mãn hạn tù, Tuân mang trong mình tâm lý mặc cảm, tự ti. “Khi mới về địa phương, em không dám ra đường, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Muốn gặp bạn bè nhưng lại không dám vì thấy xấu hổ.
Nhưng rồi một vài người bạn cũ đến thăm rủ đi chơi rồi dần cũng quen không còn thấy tự ti nữa. Nhất là khi em lên xã đi trình diện với các bác, các chú ấy cũng động viên nên ở nhà cố gắng tìm việc gì đó làm ăn chân chính, các chú sẽ quan tâm ủng hộ”, Tuân chia sẻ.
Đã dần vơi đi những mặc cảm tội lỗi, nhưng muốn làm lại cuộc đời không đơn giản với Tuân. Vừa cho gà ăn, Tuân vừa nhớ lại: “Không bằng cấp, lại là người mới mãn hạn tù nên muốn làm ăn cũng không kiếm đâu ra vốn đầu tư. Em suy nghĩ, vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, khi ở trong trại giam Thanh Phong, em được các cán bộ quản giáo cho tham gia chăn nuôi nên cũng biết chút ít kinh nghiệm. Em hạ quyết tâm mở một trang trại chăn nuôi lợn, gà tổng hợp”.
Sau một thời gian suy nghĩ và đã chọn được cho mình một hướng đi, Tuân quyết định bắt tay vào thực hiện. Nhưng từ ý tượng đến thực tiễn còn là một chặng đường dài, nhất là với một người tái hòa nhập cộng đồng như Tuân.
“Nghĩ là làm, nhưng bản thân em mới ra tù đứng ra vay mượn vốn chắc chắn không ai dám cho. Rất may khi em đề xuất, bố mẹ em đều ủng hộ. Vậy là bố em phải cầm cố sổ đỏ của nhà mình, vay mượn thêm cho em đầu tư mở trang trại. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu em chỉ nuôi một ít gà ta và gà pha chọi với lợn thịt”.
Những cố gắng, nỗ lực của Tuân cũng đã bắt đầu đến ngày cho kết quả. Sau hơn 2 năm kể từ khi làm lại cuộc đời, trang trại của Tuân ngày càng mở rộng về quy mô, luôn duy trì ổn định khoảng 10.000 con gà, trong đó tập trung các loại gà ta, gà Đông Tảo, gà pha Đông Tảo, gà lai chọi Thanh Lương...
Mỗi tháng, trang trại của Tuân xuất bán được khoảng 4 tấn gà thịt các loại, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi từ 25 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra lúc nào trong trại cũng có từ 50 đến 70 con lợn thịt, trừ chi phí thì thu nhập từ lợn thịt cũng đạt khoảng từ 60 đến 70 triệu đồng/1lứa trong chu kỳ nuôi 3 tháng.
Nhắc đến cậu con trai từng một thời lầm lỗi của mình, ông Nguyễn Văn Rỡ (60 tuổi), cho biết: “Khi nó mới bị bắt vào tù gia đình sốc lắm, mất ăn mất ngủ vì thương con. Nhưng dù sao con dại cái mang, cũng chỉ biết động viên cháu cố gắng cải tạo tốt để sớm có ngày đoàn tụ với gia đình. Rất may từ lúc ra tù đến nay, cháu nó rất chăm làm, cả ngày chỉ lúi húi ở trang trại không có thời gian tiếp xúc với bạn bè xấu nên gia đình tôi cũng thấy phấn khởi rất nhiều”.
Khi được hỏi về dự định cho tương lai, Tuân cười, cho biết: “Bây giờ em chỉ tập trung vào làm ăn kinh tế, khi nào duyên đến thì tính anh ạ. Mình là người mới ra tù, cần có thời gian để những người xung quanh ghi nhận, đồng cảm đã. Việc trước mắt trong năm nay là em vay thêm vốn đầu tư, mở rộng thêm quy mô trang trại gấp đôi hiện tại”.
Ông Trương Công Xuân, Trưởng Công an xã Thành Minh cho biết: “Kể từ khi trở về đoàn tụ với gia đình, Tuân rất chịu khó làm ăn, không còn tụ tập chơi bời. Hiện nay Tuân không những làm ăn khá mà còn giúp đỡ một số trang trại khác trên địa bàn xã về giống và kỹ thuật. Tuân luôn chấp hành tốt những nội quy tại địa phương, đóng góp tích cực các phòng trào tại làng xã”.
Vượng Kiều - Duy Tuyên