Chàng SV khiếm thị “thắp ánh sáng” bằng tiếng đàn

(Dân trí) - Việc theo đuổi cây đàn nguyệt của chàng trai 24 tuổi Thái Quốc Thanh vốn rất đặc biệt. Nếu được dịp nghe thử, ít ai nghĩ rằng, chủ nhân của tiếng đàn đầy mê hoặc, quyến rũ chưa một lần nhìn thấy nhạc phổ.

Từ cái nôi quan họ đến “Hợp ca hy vọng”

 

Chàng sinh viên năm 2 khoa Nhạc cụ truyền thống, hệ ĐH của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sinh ra ở làng Ó (nay thuộc phường Võ Cường, Bắc Ninh).

 

Số phận trớ trêu, từ lúc mới lợt lòng Thanh đã không nhìn thấy ánh sáng nhưng trời phú cho cậu đôi tai đặc biệt thính nhạy và một tâm hồn bay bổng. Kí ức tuổi thơ với những lần được bà, mẹ dắt đi chơi hội giao duyên cứ lớn dần.

 

6 tuổi Thanh lên Hà Nội theo học trường dạy chữ nổi Nguyễn Đình Chiểu. Lần đầu tiên đến với âm nhạc, Thanh chọn cây đàn tứ. Cậu học rất nhanh, thuần thục nhưng rồi Thanh nhận ra, đàn tứ vốn chỉ là một cây đàn đệm, không thể rung nhấn và đứng riêng được.

 
Tiếng đàn tài hoa mang cả niềm lạc quan và hi vọng sống đẹp của chàng trai khiếm thị.
Tiếng đàn tài hoa mang cả niềm lạc quan và hi vọng sống đẹp của chàng trai khiếm thị.
 

Như một duyên mệnh, năm lớp 9, nhà trường quyết định cho mỗi học sinh chọn thêm một loại nhạc cụ khác. Khi ấy, được nghe tiếng đàn nguyệt, Thanh bị hấp dẫn hoàn toàn và trở thành người duy nhất trong lớp đăng kí học.

 

“Nó mang hồn cốt của âm nhạc Việt Nam, có thể đánh được chèo ở miền Bắc, nhạc cung đình Huế ở miền Trung hay giữ vai trò cầm song loan trong nhạc tài tử ở miền Nam”, Thanh chia sẻ.

 

Cứ thế, chàng trai quan họ đắm chìm trong âm nhạc. Sáng học tại trường, tối lại về KTX lại luyện tập thêm. Thanh vào “Hợp ca hy vọng” - nơi tập hợp những người khiếm thị đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi.

 

Ở đó, Thanh và các bạn học hát thánh ca, quốc ca của Anh, Mỹ, Đức, Ý, Nga… Gần như tháng nào họ cũng đi biểu diễn, nhất là vào dịp Giáng sinh và Quốc khánh của các nước. Mười mấy năm rồi, Thanh mang tiếng hát, tiếng đàn hòa ca trong dàn hợp xướng của tình yêu và hy vọng sống.

 
Chàng khiếm thị có tài năng âm nhạc tuyệt vời.
Chàng khiếm thị có tài năng âm nhạc tuyệt vời.
 

Thắp ánh sáng trong… đường hầm

 

Học hết 9 năm Trung học, Thanh thi đỗ vào hệ Trung cấp của Nhạc viện với số điểm cao. Suốt 5 năm học, chàng trai khiếm thị luôn là sinh viên xuất sắc top đầu của khoa Nhạc cụ truyền thống.

 

Người bình thường học đàn Nguyệt đã không dễ dàng, với Thanh khó khăn càng gấp bội phần. Đầu tiên, Thanh phải có bạn “bắt sáng” giúp, sau đó viết lại nhạc phổ bằng chữ nổi, kế nữa cậu sờ tay lên chữ, học thuộc rồi mới ghép đàn được.

 

“Nhiều khi không có bản nhạc mình phải tự nghe băng, học thuộc, rồi chép ra học lại. Các bạn có thể nhìn tay thầy giáo để hoàn thiện phong cách biểu diễn. Còn mình, thầy phải đến tận nơi bắt tay chỉ ngón cách luyện đàn cho đẹp và đúng”, Thanh tâm sự.

 

Biết được khả năng âm nhạc tuyệt vời và nỗ lực không ngừng của Thanh, nhà trường tin tưởng chọn cậu tham gia cuộc thi “Tài năng âm nhạc trẻ toàn quốc 2012”.

 

Thanh đăng kí và luyện tập nhuần nhuyễn bài nhạc cổ “Nam xuân nam ai” trong 3 tháng. Trước ngày thi 1 tuần cậu bỗng hay tin phải chuyển bài thi sang tác phẩm. Mọi thứ đến gấp gáp, Thanh từ tập tay trái phải chuyển sang tay phải (đặc trưng để đánh tác phẩm) với bao lo lắng. Nhưng rồi, sự khổ luyện âm nhạc trước đó cùng tình cảm sâu lắng đặt đã làm nên tuyệt phẩm.

 

Tiếng đàn cảm xúc của Thanh lay động, chinh phục BGK và chàng trai khiếm thị đã vượt qua hàng trăm thí sinh để “ẵm” giải Nhì.

 
Quốc Thanh chụp chung với ca sĩ Bằng Kiều.

Quốc Thanh chụp chung với ca sĩ Bằng Kiều.
 

Từ Đà Nẵng trở về, Thanh tiếp tục say sưa luyện tập để “ứng thí” Đại học. Một bất ngờ lớn lại tới. Căn cứ vào kết quả học tập xuất sắc hệ Trung cấp và thành tích cao tại các cuộc thi âm nhạc toàn quốc, Thanh được đặc cách tuyển thẳng vào hệ ĐH của Nhạc viện.

 

Thanh sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có 3 anh em trai thì cậu và anh cả đều bị khiếm thị bẩm sinh. Suốt quá trình học tập, các thiết bị thiết yếu như máy tính hay nhạc cụ Thanh đều phải đi mượn. 

 

Ngoài giờ học chính cậu tìm tòi các tác phẩm mới để học, đàn như người bạn tri kỉ của Thanh.

 

Suốt 5 năm học hệ Trung cấp Nhạc viện, Thanh đều nhận học bổng Toyota hỗ trợ tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam dành cho sinh viên xuất sắc. Trong năm đầu Đại học, Thanh vinh dự nhận học bổng âm nhạc Kumho Asiana của Hàn Quốc hỗ trợ học phí toàn năm học.

 

Lo lắng về tương lai với con đường mình theo đuổi nhưng Thanh vẫn mỉm cười: “Mình sẽ không từ bỏ cây đàn nguyệt, dù thế nào chăng nữa”.

 

Cứ thế. Mỗi ngày. Mọi người vẫn nghe tiếng nhạc tiếng nhạc yêu đời, tài hoa về tình yêu quê hương bản xứ của chàng trai mù. Có lẽ, với Thanh, cuộc đời vẫn rất sáng…

  

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm