Trung Quốc:

Chàng sinh viên có biệt tài đầu tư nhà đất

(Dân trí) - Bắt tay vào đầu tư nhà đất từ năm 15 tuổi, Ma Wenya, SV năm cuối Trường ĐH Truyền thông Trung Quốc hiện là một nhà đầu tư sành sỏi trong lĩnh vực bất động sản. Hiện Ma nắm trong tay khối tài sản lên tới 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 13,5 tỷ đồng).

Chàng sinh viên có biệt tài đầu tư nhà đất - 1
Chàng sinh viên 5 triệu nhân dân tệ Ma Wenya. (Ảnh: Global Times)
 
Trong khi những bạn bè đồng trang lứa đang bận rộn tìm kiếm việc làm, chàng sinh viên ngành Phân tích và nghiên cứu thị truyền truyền thông Ma Wenya đã sở hữu 5 triệu NDT từ việc đầu tư vào bất động sản và chứng khoán.

Năm 2002, Ma Wenya cùng bố mẹ chuyển từ Hà Nam đến Thượng Hải. Chứng kiến tất cả sự giàu có tại đây, cậu bé đã ước một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành một người trong số này.

Nung nấu ước mơ làm giàu, Ma đã có phi vụ đầu tư đầu tiên của mình vào năm 2003 khi mới 15 tuổi. Với 20.000 NDT có được từ tiền mừng tuổi trong dịp Tết, Ma đã thuyết phục bố mẹ cho phép cậu đầu tư vào một căn biệt thự tại huyện Minhang, Thượng Hải có giá 4.000 NDT/m2.

“Tôi đã xem các bản tin tài chính địa phương hàng ngày và theo dõi những sự phát triển mà tôi nghĩ có hứa hẹn. Giá của biệt thự Oriental Garden lúc đó tương đối rẻ, vị trí lại rất tốt và kiến trúc mang phong cách phương Tây thực sự khiến tôi thích thú. Vì vậy, tôi đã thuyết phục bố mẹ đồng ý cho tôi mua nó”, Ma cho biết.

Một năm sau, Ma khuyên bố mẹ cậu bán lại căn biệt thự đó với cái giá 8.000 NDT/m2, gấp đôi số vốn bỏ ra mua nó. Sau phi vụ này, Ma kiếm được 80.000 NDT tiền lời.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc trong vụ làm ăn đầu tiên của mình và nhận ra được sống độc lập quan trọng như thế nào”, Ma tâm sự.

Với số tiền kiếm được, Ma tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới trong suốt những năm tháng học trung học.

Ma đã đầu tư vào hơn 10 dự án bất động sản ở Thượng Hải trong vòng ba năm, tất cả đều mang lại lợi nhuận. Kinh doanh bất động sản tại thời điểm đó thực sự rất thuận lợi. Khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Ma đã kiếm được 500.000 NDT.

Kiếm được hàng ngàn NDT trước khi tốt nghiệp cấp ba là một thành tích không phải là nhỏ. Nhưng cũng vì Ma phải dành toàn bộ thời gian để học về tài chính và kinh tế mà điểm số của cậu giảm mạnh. Điểm thi đại học của Ma thuộc loại thấp nhất lớp.

Tuy nhiên, rất may là điểm số đó đủ để Ma được nhận vào Trường ĐH Truyền thông Trung Quốc năm 2006. Ở đó, Ma chọn học ngành Nghiên cứu thị trường truyền thông, đơn giản bởi vì cậu cảm thấy “nó đủ dễ để được tự do hơn về thời gian”.

Nhưng đôi khi việc quá tự tin vào tài năng thiên phú có thể khiến bạn phải nhận lấy một số bài học đắt giá. Những năm đầu tiên ở đại học, từ bất động sản, Ma đã thay đổi hướng đầu tư vào của mình vào thị trường chứng khoán. Vì thiếu kinh nghiệm, cậu đã gánh những khoản thua lỗ nặng nề.

Ma tâm sự: “Đó là một đòn chí mạng mà tôi phải gánh chịu. Tôi bắt đầu cảm thấy tôi có rất nhiều thứ phải học hỏi nữa”.

Chán nản vì thất bại đó, Ma tạm dừng việc đầu tư, dành thời gian học hành và chờ đợi cơ hội để quay trở lại.

Mãi cho đến đầu năm nay, Ma chợt nhìn thấy một cơ hội trong lĩnh vực bất động sản ở Xianghe, tình Hà Bắc. Ma dành toàn bộ số tiền cậu có được góp vốn cùng một nhóm các nhà đầu tư mua hai căn biệt thự. “Tôi chỉ còn có 500.000 NDT và không đủ tiền để đầu tư tại Bắc Kinh. Nhưng số tiền này đủ để tìm kiếm cơ hội ở một nơi khác” - Ma kể lại.

Mặc dù đầu tư tài chính luôn đi kèm với những rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Ma sẽ đóng tầm nhìn của mình lại và tạm hài lòng với số tiền đang có. Bí mật của Ma nằm ở sự kết hợp việc sử dụng năng lực tự nhiên để cảm nhận thị trường và tránh những thứ cậu cảm thấy độ an toàn không cao.

Sắp đến ngày tốt nghiệp đại học, Ma đang lên kế hoạch tiếp tục làm tăng số tiền mình có được. Khi được hỏi sẽ làm gì nếu thua lỗ tất cả vào ngày mai, Ma cho biết cậu sẽ mang niềm đam mê của mình tới lớp học.

“Tôi sẽ dạy về tài chính nên tôi có thể giúp các sinh viên biết được những việc không cần làm và tránh những sai lầm tôi đã mắc phải”, Ma cho biết.

Võ Hiền
Theo Tân Hoa Xã/ Global Times