Chàng sinh viên 9X mê sáng chế máy bay mô hình

Đam mê khám phá máy bay từ nhỏ, Đỗ Quốc Việt (sinh năm 1992) ở xóm Thượng, Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) tự mày mò, sáng chế thành công những chiếc máy bay mô hình.

Việt đến với máy bay mô hình từ năm lớp 6. Trong một lần cậu bạn gần nhà khoe được bố mẹ mua cho một chiếc máy bay đồ chơi, Việt bị hút hồn. Nhà nghèo, Việt biết việc sở hữu một chiếc máy bay tương tự chỉ là ước mơ.

 

Việt tự tay mình vót thanh tre, cắt giấy làm máy bay. Sau một tuần mày mò, chiếc máy bay bằng tre giấy hoàn thành nhưng chẳng khác gì chiếc diều, phải khéo léo mới cất cánh nhờ gió và dây.

 

Lúc Việt học PTTH, gia đình có điều kiện hơn, Việt liền tìm đọc những sách báo, tài liệu trên mạng về cách chế tạo máy bay mô hình cánh bằng. Với máy bay mô hình cần phải có mô tơ 3 pha chuyên dụng thường nhập ngoại. Bộ phận cánh, đuôi chủ yếu dùng bằng xốp, siêu nhẹ kết hợp với khung cũng dùng gỗ siêu nhẹ và thép dây.

 

Ngoài ra, Việt còn tận dụng hệ thống dây sạc điện thoại khi việc chế tạo mạch điện cho máy bay mô hình nên tiết kiệm tối đa chi phí. Để có thể điều khiển được máy bay vào ban đêm, Việt đã gắn thêm hệ thống đèn phản quang cho những chiếc máy bay mô hình.

 
Quốc Việt bên bộ sưu tập máy bay mô hình tự chế.
Quốc Việt bên bộ sưu tập máy bay mô hình tự chế.
 

Tuy là máy bay đồ chơi nhưng tốc độ của chúng không hề nhỏ, trung bình 100-120km/giờ, cá biệt có chiếc bay tới 250 km/giờ nên chuyện máy bay mô hình bị tai nạn, cháy nổ vẫn như thường. Do đó, trước khi bay, việc kiểm tra vấn đề trọng tâm, các thông số kỹ thuật là điều vô cùng cần thiết.

 

Theo Việt, khó khăn nhất trong chế tạo máy bay mô hình cánh bằng là khi làm xong thì phải căn chỉnh độ chính xác, cân bằng cánh mới bay được. “Chiếc đầu tiên mình chế tạo cả tháng trời nhưng đến khi ra bay thử khoảng 30 giây đã tan tành.

 

Trong hơn 20 máy bay mô hình cánh bằng Việt đã chế tạo, chiếc kỳ công nhất là SR-71 (hình thức dựa theo mô hình máy bay ném bom chiến thuật). Để hoàn thành SR-71 này, Việt tự nghiên cứu, thiết kế ròng rã hai tháng trời. Với Việt, đây có thể coi là niềm tự hào trong ba năm gắn bó với những chiếc máy bay mô hình tự chế.

 

Ngoài ra, chiếc mô hình Mustang bd51 cũng được Việt xem là “đứa con cưng”. Đây không phải là chiếc mà Việt tự sáng chế nhưng để Mustang bd51 bay được tốt, kiểu dáng bắt mắt như ngày hôm nay, với Việt đó cũng là một sự kỳ công.

 

Một dịp tình cờ, Việt ghé vào nhà một ông cụ, thấy chiếc Mustang bd51 bị hư hỏng nặng, xếp xó, Việt xin về tân trang. Qua nhiều tai nạn, sửa chữa nhưng chiếc Mustang bd51 qua tay Việt chăm sóc giờ bay tốt, trở thành hàng hiếm được nhiều bạn trẻ ao ước được sở hữu.

 

Những chiếc máy bay mô hình cánh bằng của Việt khi hoàn thành có thể bán từ 1,5 - 3 triệu đồng nhưng với chàng trai 9x này, dù có được trả giá cao hơn cũng không bán! Việt lý giải quyết định khá lạ của mình: “Chơi máy bay mô hình là thú vui mình chỉ ao ước sáng tạo thêm chứ không bán”.

 

Học ngành điều khiển tự động (ĐH Bách khoa Hà Nội) nên Việt rất am hiểu về máy bay mô hình. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Việt trở thành người hướng dẫn, điều khiển chiếc máy bay mô hình trong những dịp thử nghiệm của sinh viên khoa Hàng không của trường.

 

Trong thời gian tới, Việt dự định mở một cửa hàng xốp, gỗ siêu nhẹ dùng cho máy bay mô hình và tiếp tục nghiên cứu, chế ra những mẫu máy bay mang thương hiệu của riêng mình.

 

Theo Duy Ngợi

TPO