Chân không chạm đất và 3 điệu nhảy "gây sốt" trong giới trẻ Việt năm 2023
(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ Việt đã liên tục tham gia các trào lưu nhảy nổi tiếng trên thế giới trong năm qua.
Năm nay, giới trẻ Việt liên tục chứng kiến và hưởng ứng theo những trào lưu nhảy độc đáo. Đa số điệu nhảy được nhận xét "vô tri", nhưng giá trị tinh thần mang lại không hề nhỏ.
Minh chứng cho điều này là lượt xem trên nền tảng mạng xã hội có liên quan đến các điệu nhảy luôn đạt mức hàng trăm triệu.
Không chỉ là những động tác lắc lư theo điệu nhạc đơn thuần, trào lưu nhảy của giới trẻ năm nay tập trung vào việc thể hiện kỹ năng điêu luyện, ẩn chứa câu chuyện, thậm chí tạo ảo giác cho người xem.
1. Điệu nhảy Wop
Hashtag (gắn thẻ) #Wopchallenge (thử thách nhảy Wop) hiện thu hút gần 600 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ Việt đang bắt kịp trào lưu này theo hình thức cá nhân, ghép cặp hoặc theo nhóm.
Trào lưu này bắt đầu phổ biến mạnh mẽ với giới trẻ Việt trong hai tuần qua. Thực tế, thử thách này bắt đầu rộ lên từ tháng 9. Sức ảnh hưởng của Jennie (Blackpink) đã khiến điệu nhảy trở thành tâm điểm chú ý, tương tự như cách cô giúp các thương hiệu bán hết mặt hàng mình mặc.
Trên nền bài hát nổi tiếng Wop của J. Dash, Jennie và Silvergun - vũ công nhà YGX - mang đến không khí vui vẻ khi thực hiện các động tác đan chéo tay, chụm hai chân vào nhau theo điệu nhạc sôi động.
Người hâm mộ của nữ thần tượng nhanh chóng làm theo và tạo nên hiệu ứng đám đông. Nhiều người còn tìm kiếm từ khóa "điệu nhảy Jennie" thay vì "Wopchallenge".
Theo trang Old Time Music, giai điệu tràn đầy năng lượng của Wop đã tạo nên lớp nền hoàn hảo cho cơn sốt nhảy trên toàn thế giới. Ca khúc đề cập đến quyền tự do ngôn luận, khuyến khích các cá nhân thả lỏng, trút bỏ sự ức chế và tận hưởng niềm vui khi nhảy.
Lời bài hát lẫn điệu nhảy cho thấy sự đơn giản. Tuy nhiên, những yếu tố này lại có tác dụng như lời mời gọi mọi người cùng tham gia cuộc vui.
2. Vũ điệu làng lá
Lật bàn chân, nghiêng người, tay linh hoạt là những phần cơ bản để thực hiện được điệu nhảy này. Từ tháng 11, làng lá được giới trẻ trong nước hưởng ứng nhiệt tình. Tại một nhà hàng lẩu nổi tiếng, nhân viên cũng được dạy bài bản để nhảy theo yêu cầu của khách hàng.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ cũng không ngại thể hiện khả năng vũ đạo, ra nhảy cùng các nhân viên trong lúc đang đi ăn lẩu với gia đình. Các video liên quan đến điệu nhảy này luôn thu hút hàng chục triệu lượt xem.
Những người trẻ Việt có sức ảnh hưởng lớn như vũ công Quang Đăng, Đào Lê Phương Hoa, CiiN (Bùi Thảo Ly) cũng bám xu hướng. Trong khi đó, Denis Đặng nhảy vũ điệu làng lá khi đứng ở những địa điểm nổi tiếng của Nhật Bản.
"Dù không biết nguồn gốc và ý nghĩa của điệu nhảy, tôi luôn bị cuốn hút khi xem các bạn thực hiện động tác thuần thục. Tôi còn tua đi, tua lại để xem như một hình thức giải trí, giúp giải tỏa căng thẳng", Văn Đạt (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Đến nay, nguồn gốc của điệu nhảy này vẫn gây tò mò cho nhiều người. Đa số dân mạng cho rằng, vũ điệu làng lá bắt nguồn từ truyện Naruto của Nhật Bản. Nhân vật này thực hiện các động tác nhảy. Làng lá là địa điểm giả tưởng trong truyện. Do đó, vũ điệu được đặt tên theo ngôi làng.
Tuy nhiên, ý kiến trên lại gây ra nhiều luồng tranh cãi. Bởi Naruto có nhảy và đó không phải điệu làng lá. Tên "làng lá" được đặt khi một nhóm nhảy mặc đồ hóa trang thành Akatsuki - một nhóm trong truyện, thực hiện động tác trên nền bài hát Trung Quốc.
3. Nhảy "chân không chạm đất"
Slick back cũng là một trong những điệu nhảy "càn quét" mạng xã hội vào giữa năm nay. Dù ở công viên, sân bóng hay trường học, giới trẻ Việt cũng từng bỏ nhiều sức lực để tập điệu nhảy này. Mục đích của họ là tạo ra video như ảo thuật, khiến người xem tưởng mình đang đi trên không.
Thực tế, khi nhìn kỹ, nhiều người phát hiện ra "kẽ hở" của điệu nhảy vì chân vẫn chạm đất. Người thực hiện thường di chuyển nhanh, khớp điệu nhạc đã tạo nên cảm giác siêu thực.
Điệu nhảy trở nên thịnh hành sau khi video của một chàng trai Hàn Quốc được đăng tải, thu hút hơn 200 triệu lượt xem. Vận động viên Nguyễn Tiến Trọng từng "gây sốt" khi liên tục đăng tải những video liên quan. Thậm chí, anh còn dạy cộng đồng mạng cách nhảy.
Slick back từng được biết với tên gọi khác là jubi slide. Điệu nhảy này được người sáng tạo nội dung Jubi2fye thực hiện từ năm 2022. Động tác nhảy có phần giống điệu moonwalk huyền thoại của Michael Jackson nhưng hơi nghiêng sang một bên, tạo cảm giác như đang trượt trên sàn.
Khi đó, Jubi2fye sử dụng ca khúc Aye Bay Bay của Jersey Anniversary để lồng ghép vào video nhảy. Năm nay, nhiều người dùng cũng thực hiện động tác tương tự nhưng ghép với bài A Pimp Named Slick Back trong album Classics II của LAKIM. Do đó, điệu nhảy được gọi là slick back thay vì jubi slide như trước.
4. Điệu nhảy của rapper Wxrdie trong "Rap Việt"
Chương trình Rap Việt nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Do đó, việc điệu nhảy sturdy trở nên phổ biến với giới trẻ trong nước không khiến nhiều người bất ngờ.
Sau khi xem Wxrdie biểu diễn tiết mục, nhiều bạn trẻ Việt hưởng ứng trào lưu, quay những video nhảy trên nền nhạc của nam rapper. Một số bạn nữ còn gây chú ý khi mặc váy dài lúc nhảy.
Điểm nhấn của sturdy là cách giữ thăng bằng, cố gắng giữ một chân trong khi di chuyển và bật chân còn lại, gập gối, xoay vòng... Những động tác tay đưa lên trước, đánh ra phía sau được thực hiện nhanh chóng để khớp với bước chân và điệu nhạc.
Điệu nhảy hiphop này bắt nguồn từ New York (Mỹ), thường được gọi là "getting sturdy" (tạm dịch: Trở nên cứng cáp). Thời điểm bắt đầu xu hướng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sturdy dance có lẽ đã xuất hiện vào những năm 1970.