Cậu sinh viên nghèo “chế” thành công “máy tạo cầu vồng”

(Dân trí) - Tạo ra “máy tạo cầu vồng” chàng sinh viên Bùi Phước Lai giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc và được chọn đi tham dự Triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế tổ chức tại Abuja, Nigieria, vào tháng 11 năm nay.

Cậu sinh viên nghèo “chế” thành công “máy tạo cầu vồng” - 1

Bùi Phước Lai bên công trình “Máy tạo cầu vồng” của mình  

 

Từ những ý tưởng ban đầu

 

“Em có ý tưởng này từ lâu lắm rồi. Năm lớp 12, mặc dù bận ôn thi tốt nghiệp nhưng hằng ngày em cũng đều tranh thủ để hoàn thành công trình này. Khi biết được kết quả cuộc thi từ Ban giám khảo là em đã đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc năm 2009, tự nhiên em cảm thấy vui sướng và hạnh phúc. Thật sự không có niềm vui nào vui hơn niềm vui này. Cho đến hôm nay em vẫn cong cảm giác lâng lâng. Vui đến… phát khóc anh à !”, Bùi Phước Lai hiện là sinh viên năm 1, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ.

 

Ban đầu, để có được những nguyên liệu, thiết bị làm nên con robot, em phải đi làm thêm. Lợi thế có chút năng khiếu văn chương nên Bùi Phước Lai đã làm thêm công việc của mình khá đặc biệt và thú vị: viết báo (hiện em là Phóng viên nhỏ của Báo Thiếu niên Tiền Phong). Nhờ những bài viết đăng báo, em có nhuận bút tích góp mua vật liệu làm nên hình hài con robot (máy tạo cầu vòng).

 

“Hiện nay, nhiều người rất ít khi để ý thấy hiện tượng cầu vồng trong tự nhiên. Và muốn quan sát được cầu vồng cần phải có được thời tiết lý tưởng tức là vừa mưa xong thì có nắng ngay. Vậy sẽ rất khó khăn cho những người muốn quan sát, tìm hiểu về cầu vồng. “Máy tạo cầu vồng” sẽ giải quyết vấn đề này.

 

Với mục đích tái hiện là cầu vồng trong tự nhiên thông qua cách nhìn của khoa học giúp ta quan sát và nghiên cứu được cầu vồng dưới ánh nắng cũng như trong ánh sáng của đèn sợi đốt. Đồng thời, “Máy tạo cầu vồng” còn được dùng làm dụng cụ giảng dạy trong thực hành Vật Lý nhằm để chứng minh ánh sáng mặt trời, đèn sợi đốt, là ánh sáng trắng. Qua đó, lý giải rõ ràng hiện tượng tán sắc ánh sáng trắng. Giúp các bạn học sinh hiểu rõ và nắm vững được bài học…”, với ý nghĩ này, Bùi Phước Lai đã dày công nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm công trình khoa học mang tên “Máy tạo cầu voồng”.

 

Em cho biết: “Trước đây, em cũng đã có công trình chế tạo con robot sát khuẩn với tác dụng để phun thuốc trừ sâu, diệt khuẩn, thay thế con người tránh khỏi môi trường độc hại. Do có “sự cố” trong quá trình mang đi dự thi nên công trình này chỉ đoạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2008. Ý tưởng của em lần này là muốn giúp quan sát và nghiên cứu được cầu vồng dưới ánh nắng cũng như trong ánh sáng của đèn sợi đốt…”.

Cậu sinh viên nghèo “chế” thành công “máy tạo cầu vồng” - 2

“Máy tạo cầu vồng” - ý tưởng của Bùi Phước Lai đã giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc 2009

Cậu sinh viên nghèo “chế” thành công “máy tạo cầu vồng” - 3

Máy tạo cồng vồng đang hoạt động

 

…đến giải thưởng cuộc thi

 

Công trình “Máy tạo cầu vồng” được thiết kế với 3 phần chính: Khối chứa nước, khối tạo khí nén áp lực và khối tạo mưa nhân tạo. Với 3 phần này, phần quan trọng nhất vẫn là bộ phận tạo khí nén gồm một máy bơm nén khí mini và hệ thống ống dẫn khí. Khi hoạt động, máy bơm sẽ nén khí vào khối chứa nước để đẩy nước lên vòi phun, tái hiện mưa thật trong tự nhiên dưới một mô hình thu nhỏ.

 

“Với cơn mưa nhân tạo thu nhỏ này, khi đặt dưới ánh nắng mặt trời, chúng có thể dễ dàng quan sát cầu vồng”, Lai cho biết thêm.

 

Lai còn chia sẻ tới khối chứa nước, đèn… cùng các chi tiết kỹ càng khác để tạo ra cầu vồng nhân tạo, cũng như khả năng có thể được dùng để làm dụng cụ giảng dạy trong thực hành Vật Lý, giải quyết vấn đề quan sát hiện tượng cầu vòng ngay trong tiết học.

 

Nhận xét về công trình này, cô giáo Nguyễn Thị Hữu Dư, giáo viên bộ môn vật lý, trường THPT Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng cho biết: “Bài học về hiện tượng tán sắc ánh sáng (trong đó có cầu vồng) trong vật lý 12 là một nội dung khó và hoàn toàn không có dụng cụ thí nghiệm về hiện tượng cầu vồng. Vì vậy, sáng tạo của em Lai giúp giáo viên rất nhiều trong dạy học, diễn giải hiện tượng để học sinh hiểu thêm”.

 

Sau hơn 4 năm ấp ủ ý tưởng, 2 tháng dày công mày mò sáng chế. Cuối cùng công trình khoa học “Máy tạo cầu vồng” cũng đã được hoàn thành. Công trình đã giúp chàng sinh viên Bách khoa Đà Nẵng Bùi Phước Lai đoạt giải Nhất trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc năm 2009 và được chọn đi tham dự Triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế lần thứ 6 được tổ chức tại Abuja, Nigieria, vào tháng 11 năm nay.

 

Alang Ngước
(Lớp Báo chí K33, Trường Đại học Khoa học Huế)