Cảnh báo từ việc nữ sinh bị người yêu sát hại

(Dân trí) - Sống xa gia đình, các mối quan hệ “lập lờ”, nữ sinh viên sống trọ luôn phải đối mặt với không ít nguy hiểm mà trong cuộc sống hàng ngày họ không nghĩ… mọi việc đều có thể trở nên nghiêm trọng.

Chỉ vì từ chối tình yêu, muốn chấm dứt một mối quan hệ yêu đương mà cô nữ sinh Nguyễn Thị Phương, sinh viên trường ĐH Nông nghiệp 1 phải “trả” bằng cả tính mạng của mình. Một cái chết rùng mình và đầy đau lòng nhưng theo diễn biến sự việc nhiều người sẽ phải giật mình vì chuyện tưởng như quá bình thường - bình thường đến mức mà ai cũng có thể gặp phải.

Về mối quan hệ của nạn nhân và hung thủ, hai người đã từng có thời gian yêu đương với nhau. Quá “cay cú” vì cô gái có ý định chia tay, anh chàng nhiều lần dọa dẫm và đến tối ngày 25/8, bi kịch xảy ra. Mối quan hệ của hai người là mối yêu đương hết sức bình thường như mọi người và đặt biệt là trong giới sinh viên. “Hết yêu và chia tay một ai đó cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống. Thế nhưng, không ai có thể nghĩ khi mình muốn chia tay lại bị người từng yêu thương mình cướp đi cả sinh mạng”. N, cô bạn cùng dãy trọ với nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng chia sẻ.
 
Cảnh báo từ việc nữ sinh bị người yêu sát hại - 1
Thiếu kỹ năng sống, nữ sinh xa nhà phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khó lường. (Ảnh: Hoài Nam).

“Bản thân em chắc em cũng sẽ đi gặp người ta không thể nghĩ tình huống đó có thể xảy ra. Hơn nữa, chúng em là sinh viên sống trọ, không có người thân quản lý nên việc đi lại gặp gỡ và các mối quan hệ thường không bị kiểm soát và dễ tự do hơn”, N. chia sẻ.

Đúng như N nói, sinh viên xa nhà không có người thân quản lý, họ dễ có những mối quan hệ, lối sinh hoạt cũng “thoải mái” hơn. Bởi thế, cuộc sống ở xóm cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm rất khó lường.

Bà Nguyễn Thị Hải, chủ một xóm trọ ở khu Yên Hòa (Cầu Giấy), hàng chục năm gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên sống trọ khẳng định sinh viên sống trọ phải đối mặt rất nhiều nguy hiểm. Như việc nữ sinh sống trọ bị “người quen” lấy cắp, quấy rối không phải là hiếm.

Rồi bà  Hải kể để chứng minh lời mình. “Cách đây hai năm, có cô bé trường Thương mại dẫn cậu bạn mới quen về phòng chơi, cuối cùng bị nó cuỗm hết đồ đạc. Chiếc xe máy cũng bị nó ôm đi mất. Trường hợp này không ít đứa gặp phải, bạn bè mới quen đã để cho về phòng chơi”.

Bà kể thêm một trường hợp khác: “Mới đây thôi, không lâu đâu, nghe mấy đứa trong xóm bàn tán con bé ở phòng bốn, chẳng biết quen thằng nào mà sang tận Gia Lâm hẹn hò, bị thằng kia sàm sỡ về nằm ốm liệt giường”.

Bà Hải lắc đầu: “Mình không quy kết là chúng hư hỏng nhưng nhiều đứa sống chủ quan quá. Đó là chưa kể chuyện yêu đương, sống thử bị chửi bới, đánh đập… nói chung chuyện gì cũng có thể xảy ra”.

Đúng như bà chủ trọ thâm niên này nói, không quy kết lối sống của sinh viên xa nhà nhưng chính cuộc sống đó vốn đã có nhiều nguy hiểm. Trong khi sinh viên còn rất kém trong việc chủ động bảo vệ mình vì họ vẫn còn nhìn nhận mọi việc còn rất đơn giản.

Nguyên Thúy An, sinh viên trường ĐH Luật bày tỏ: “Chúng em nghĩ mọi việc rất đơn giản, chứ ít khi nghĩ đến những nguy hiểm có thể đến với mình. Vì thật ra chúng em không được ai chỉ bảo, nhắc nhở mình sống xa nhà mình phải thế nào. Hơn nữa, chúng em thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó trước những sự việc xảy ra với mình”.

 Hoài Nam