Đắk Nông:
Cảnh báo tình trạng bỏ nhà, cướp tài sản, giết người vì nghiện game online
(Dân trí) - Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến game online. Một số vụ án gây rúng động dư luận có liên quan đến trẻ vị thành niên và “nghiện” game.
Bỏ nhà, giết người vì nghiện game
Trong căn nhà nhỏ của mình, anh Ngô Tấn Đ. (thôn 3, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) vẫn chưa hết trăn trở khi nhắc đến đứa con của mình. Chỉ vì mê chơi game mà con trai anh- Ngô Gia H. (SN 2004) thay đổi tính nết, thậm chí bỏ nhà đi hơn 1 tháng trời để chơi game.
Theo gia đình, 2 năm trước, H. bị bạn bè rủ rê chơi game rồi nghiện từ lúc nào không hay. Thời gian đầu, hễ bố mẹ đi vắng là H. ra tiệm để chơi game và tần suất ngày càng nhiều lên. H. lừa bố mẹ đủ chuyện để kiếm tiền chơi game. Do mải chơi nên việc học hành của H. ngày càng sa sút, năm ngoái bị ở lại lớp.
Anh Đ. cho biết: “Chơi game nhiều nên H. lúc nào cũng như người bị stress, lầm lì, ít nói. Bố mẹ mắng cũng không sợ. Nhiều lúc tức quá tôi dùng roi để dạy nhưng không ăn thua”.
Bị bố mẹ quản chặt, nên vào ngày 25/5 vừa qua, H. đã bỏ nhà ra đi. Không biết con đi đâu, anh Đ. phải báo lên công an xã. Phải hơn 1 tháng sau, H. mới gọi điện về cho mẹ nói đang ở một tiệm game ở TP. Hồ Chí Minh, cách nhà gần 400km.
Trước đó, ngày 23/11/2019, do mâu thuẫn về việc chơi game, Điểu Long (SN 2005) trú bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) đã xô Điểu L. (SN 2008, trú cùng xã) ngã xuống suối.
Long tiếp tục đánh và nhấn đầu Điểu L. xuống nước rồi dùng đá đè lên vai, đầu của Điểu L. Phát hiện nạn nhân tử vong, Long bỏ về nhà. 4 ngày sau, đối tượng mới bị bắt giữ khẩn cấp để điều tra về hành vi giết người.
Khi bị bắt, đối tượng còn khai nhận, năm 2016, đối tượng này còn ra tay sát hại một bé gái trong xã vì mâu thuẫn cá nhân.
Tuy nhiên, thời điểm gây ra hai vụ án mạng trên, theo kết quả giám định của Phân viện khoa học hình sự, đối tượng Long chưa đủ 14 tuổi nên chỉ bị xử phạt hành chính và buộc đưa đi giáo dưỡng. Riêng bố đẻ của Điểu Long bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi che giấu tội phạm.
Theo một cán bộ xã Đắk Ngo, Long là đối tượng mồ côi mẹ, thường xuyên sống lang bạt khắp các tỉnh phía nam. Ngoài thời gian chơi game, Long “dành thời gian” đi xin tiền hoặc trộm cắp vặt để có tiền phục vụ nhu cầu của bản thân.
Quản lý game online còn lỏng lẻo ?
Có một thực trạng đáng lo ngại là ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, trong đó có các trò chơi bạo lực. Chỉ từ cuối năm 2019 đến đầu 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra nhiều vụ án phức tạp, trong đó có cả án giết người liên quan đến các đối tượng trẻ vị thành niên nghiện game online.
Thời gian qua, để hạn chế những mặt trái của game, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đã có những hành động cụ thể như: thắt chặt kiểm duyệt nội dung của các game online; cấm quán net mở cửa sau 23 giờ đêm hay cấm các đại lý internet mở trong phạm vi 200m quanh trường học...
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 60% đại lý kinh doanh internet thực sự chấp hành quy định đóng cửa sau 23h đêm, 40% còn lại vẫn ung dung hoạt động và thu lợi từ những "con nghiện" game. Thậm chí, sau khi bị phát hiện và nộp phạt, không hiếm người vẫn tiếp tục tái phạm.
Trước đó, thống kê của ngành Lao động xã hội tỉnh Đắk Nông cho thấy rằng, điều kiện khiến người chưa thành niên phạm tội ở các hành vi như: trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, hiếp dâm… thì có hơn 70% số đối tượng thích chơi game mang tính bạo lực.
Để hạn chế tác hại của game online trong trường học, phường GD-ĐT TP. Gia Nghĩa còn mời chuyên gia tâm lý về tuyên truyền, nói chuyện cho học sinh các trường.
Bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết, ngoài việc dạy học theo chương trình giáo dục thì cần hướng dẫn cho học sinh sử dụng, cập nhật mạng internet theo hướng có ích cho việc học tập, phù hợp với chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Điều quan trọng nhất là các gia đình có con em đang trong độ tuổi mới lớn không nên đơn thuần chỉ cấm không cho chơi mà cần giải thích, phân tích cặn kẽ những tác hại cho các em hiểu, biết chọn lọc các thông tin lành mạnh, bổ ích trên internet để giải trí’, bà Hà nhận định.
Dương Phong