Cần thêm nhiều “sân chơi” về sáng tạo và công nghệ cho giới trẻ

Ba dự án hữu ích, có tính ứng dụng cao và đầy sáng tạo trên nền công nghệ đã phân định “ngôi vị” tại cuộc thi Thiết kế ứng dụng với MCU (vi điều khiển) dành cho sinh viên lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam.

Nhưng câu chuyện chưa khép lại ở đó, mà hứa hẹn mở ra nhiều sự bắt đầu khác, khi các bạn trẻ được khuyến khích, được thực hiện và thấy tự tin hơn trên hành trình nghiên cứu công nghệ để đưa các ý tưởng vào thực tế.

 

Đội Three Idiots – vô địch cuộc thi Thiết kế với MCU của TI năm 2013
Đội Three Idiots – vô địch cuộc thi Thiết kế với MCU của TI năm 2013

 

Vượt lên từ 149 đội đến từ các trường cao đẳng, đại học (ĐH) trên toàn quốc, 9 đội mạnh nhất đã vào đến vòng chung kết của cuộc thi. Lấy cảm hứng từ những chủ đề gần gũi giản dị, các “nhà sáng chế” sinh viên đã mang đến nhiều dự án có tính ứng dụng cao, từ lĩnh vực nông nghiệp (như áp dụng mạng cảm biến không dây trong nhà kính) cho tới chăm sóc sức khỏe (hệ thống hỗ trợ chức năng cho người khuyết tật) và nâng cao chất lượng cuộc sống (hệ thống tự động đo lường lượng tiêu thụ điện)…

 

“Ba chàng Ngốc” chung giấc mơ công nghệ

 

Theo ban tổ chức, trên nền bộ xử lý chính là MSP430 hoặc Tiva ARM Cortex-M4F của TI, đội tham gia có thể thỏa sức lập trình các chức năng sáng tạo cho thiết bị điện tử mong muốn trên bo mạch MCU mẫu, hoặc tự thiết kế phần cứng cũng như phần mềm riêng.

Với cái tên ngộ nghĩnh Three Idiots (Ba chàng Ngốc), các chàng trai đến từ ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã mang đến cuộc thi dự án Hệ thống trợ giúp đa chức năng cho người tàn tật và giành giải thưởng cao nhất nhờ sản phẩm có tính ứng dụng cao, phần trình diễn xuất sắc.

 

Các thành viên Trần Quang Nam (trưởng nhóm), Nguyễn Văn Tây và Dương Nguyễn Khánh Nam đều đang là sinh viên lớp 09ECE Chương trình Tiên tiến ĐH Bách Khoa Đà Nẵng. Nhóm cho biết, dự án của họ xuất phát từ ý tưởng xây dựng một hệ thống có thể giúp người khuyết tật tự điều khiển xe lăn, sử dụng các thành tựu mới của công nghệ (về cảm ứng, điều khiển học…) để giao tiếp, học tập, làm việc.

 

Nhưng từ ý tưởng đến việc thực hiện là cả một quãng đường dài với không ít khó khăn và sự eo hẹp về tài chính. “Chúng tôi đã tham khảo nhiều kết cấu xe lăn trên thị trường và xin tư vấn từ những người có kiến thức, kinh nghiệm về cơ khí trong các vấn đề như: kết cấu khung, độ chính xác cân chỉnh của khung, bánh xe, truyền động… Đồng thời, tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí nhất có thể. Chẳng hạn, chúng tôi phải tự thiết kế và làm mạch thủ công bằng tay (thay vì đặt mạch công nghiệp với chi phí cao hơn).
 
Đội Three Idiots – vô địch cuộc thi Thiết kế với MCU của TI năm 2013
Vượt qua nhiều khó khăn, đội Three Idiots đã nghiên cứu và hoàn thiện dự án Hệ thống trợ giúp đa chức năng cho người tàn tật

 

Rồi những hỏng hóc xảy ra liên tục trong quá trình chế tạo, như cháy mạch, xe lăn mất kiểm soát gây va chạm, hay là chuyển động chuột không thể mượt mà như chuột máy tính thông thường... Tất cả cùng chụm đầu tìm nguyên nhân, xử lý lỗi, đôi chỗ thay đổi hoàn toàn thiết kế phần cứng, chỉnh sửa thông số hoặc thay đổi một thuật toán mới hoàn toàn trong phần mềm của hệ thống…”.

 

Theo đánh giá của Ban giám khảo, loại xe lăn mới này hứa hẹn sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho ngành y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người gặp khó khăn khi di chuyển (người tàn tật, bệnh nhân), giúp họ có thể sống tích cực và tự tin hơn.

 

Tiếp sức cho những đam mê sáng tạo

 

Trong cuộc thi này, cũng lựa chọn chủ đề tương tác giữa con người và robot, đội PIF.TOT (ĐH Bách khoa TP HCM) đã giành giải nhì với hệ thống cảm biến được thiết kế để hiểu và đáp ứng từ các động tác của người sử dụng. Sản phẩm được đánh giá cao nhờ có ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, giải trí, văn phòng.

 
Ba đội đạt giải cao nhất cuộc thi bên cạnh các mô hình dự án
Ba đội đạt giải cao nhất cuộc thi bên cạnh các mô hình dự án
 

Vị trí thứ ba thuộc về đội MRE-CTU đến từ trường ĐH Cần Thơ với dự án thiết kế hệ thống thanh toán các dịch vụ công cộng ứng dụng công nghệ RFID và NFC, vốn đã quen thuộc tại các nước phát triển như EZ Link ở Singapore và Octopus ở Hong Kong. Dự án thanh toán thẻ có triển vọng áp dụng trong trường học, công sở, phương tiện giao thông công cộng cũng như mở rộng thành công cụ hỗ trợ quản lý đô thị.

 

Đặt những giải thưởng và cuộc thi sang một bên, có thể thấy một góc nhìn khác về “giấc mơ” khoa học tưởng chừng rất giản dị nhưng không hề dễ dàng đối với các sinh viên. Từ người hướng dẫn, tài liệu khoa học cho đến kinh phí “nuôi” nghiên cứu… tất cả đều là bài toán khó với họ.

 

Nói đến những tồn tại trong đào tạo, người ta thường ca thán về sự xa rời thực tế, rập khuôn, thiếu sáng tạo… và đặc biệt là sự lạc hậu trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, đến với cuộc thi Thiết kế ứng dụng với MCU này, những người trẻ tuổi đam mê “địa hạt” vi xử lí, hệ thống nhúng và thiết kế mạch đã cho thấy những hình ảnh khác hẳn.

 

Ngọn lửa nhiệt huyết và nghiêm túc trong nghiên cứu – sáng tạo ở họ không hề bồng bột, tùy hứng mà được duy trì thành nếp để có thể phát huy tốt nhất trong sản phẩm dự thi. Có thể nói, một “sân chơi” công nghệ cao như cuộc thi này chính là nơi truyền thêm cảm hứng cũng như những kiến thức, trải nghiệm quý báu cho họ.

 

Cuộc thi Thiết kế với MCU của Texas Instruments (TI) - công ty điện tử bán dẫn và công nghệ xử lý tín hiệu số hàng đầu,  được tổ chức năm thứ ba tại Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 11/2013, thu hút 149 đội thi gồm 447 sinh viên đến các trường Đại học và Cao đẳng trên cả nước, tăng gần 30% so với lượng dự thi năm trước.

 

Bên cạnh cơ hội áp dụng chuyên môn vào thực tiễn, rèn luyện khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh và bảo vệ đề tài trong các tình huống vấn đáp với ban giám khảo, các đội thắng cuộc đồng thời được nhận giải thưởng của TI với tổng giá trị lên đến 10.000 USD cùng học bổng Sunflower Mission’s Engineering & Technology.

 

Kể từ năm 2009, TI đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng và trang bị một loạt các phòng thí nghiệm tại các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc. Công ty cũng tổ chức các buổi hội thảo chuyên sâu nhằm tạo nhiều cơ hội cho sinh viên cập nhật kiến thức ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.