Cần phải vẽ đường khi “hươu đã chạy”

Dậy thì sớm nên yêu sớm, yêu sớm nhưng chưa biết cách ứng xử trong tình yêu, thiếu kỹ năng sống và chưa biết cách quản lý cảm xúc bản thân... là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy trong tình yêu tuổi học trò.

Nhưng chính người lớn cũng còn tranh luận với nhau việc né tránh hay thẳng thắn với trẻ về chuyện tình dục - tình yêu. Và khi người lớn còn loay hoay, trù trừ thì các bạn nhỏ vẫn yêu, vẫn để lại những cuộc đời mất mát.

 

Cha mẹ, thầy cô đều bối rối

 

“Đình chỉ học tập những học sinh vi phạm đạo đức, lối sống do yêu là việc không khó, nhưng cứu vớt tâm hồn các em mới là chuyện vô cùng khó khăn”, thầy phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), nơi vừa phải kỷ luật những học sinh trong vụ phát tán clip sex, trần tình. Khó khăn của thầy cô, của bậc làm cha làm mẹ không phải nằm ở việc cấm đoán, áp đặt mà là việc giúp các em nhìn thấy một bức tranh tổng thể để có sự lựa chọn đúng.

 

Một buổi tư vấn trực tiếp cho cả học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Hà Nội tại THPT Trần Nhân Tông đã làm tất cả thầy cô bất ngờ. “Có nhiều thông tin về quan hệ tình dục các em học sinh biết rất rành rọt. Việc này cũng cho thấy đến lúc người lớn không thể né tránh hay rào giậu cho kín vì sợ vẽ đường cho hươu chạy”, cô Lê Thị Minh Hằng, phó hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông, bộc bạch.

 

Theo cô Hằng, sau buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản tại trường, có rất nhiều học sinh nán lại xin số điện thoại của bác sĩ. Các em không né tránh, không ngại ngần, thờ ơ trong khi tại hội thảo của những người lớn thì lại băn khoăn nhiều về chuyện “có nên vẽ đường cho hươu chạy?” hay “hướng dẫn tình dục an toàn không phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông, không cần thiết”.

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải tổ chức các chuyên đề giáo dục vào thời gian dành cho hoạt động ngoài giờ lên lớp. Quy định này chung chung và không chỉ đạo các trường phải tổ chức đánh giá việc thực hiện như thế nào.

 
Cần phải vẽ đường khi “hươu đã chạy”
Trong khi không ít bạn trẻ không né tránh, ngại ngần với giáo dục giới tính thì phụ huynh vẫn băn khoăn có nên "vẽ đường cho hươu chạy?"
 

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, với áp lực nâng chất lượng dạy học các môn văn hóa, áp lực thi cử như hiện nay, các trường khó có thể đầu tư thích đáng cho việc “bồi đắp tâm hồn”, cung cấp những kiến thức cần thiết, trong đó có giáo dục giới tính.

 

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), một trường có nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để lôi kéo học sinh ra khỏi những tiêu cực đang bủa vây bên ngoài, cũng thừa nhận: “Giáo dục giới tính thiết thực cho số đông học sinh là việc rất khó làm. Vì không phải ai cũng biết cách nói, biết cách thuyết phục về một vấn đề hết sức nhạy cảm”.

 

“Vì nhạy cảm nên né tránh”, nhiều giáo viên dạy sinh học, giáo dục công dân và làm công tác chủ nhiệm cho biết. Ở nhiều trường phổ thông hiện nay, giáo dục giới tính gần như vẫn là khoảng trống lớn.

 

Lệch lạc các giá trị

 

Mổ xẻ điều này, bà Lê Thị Túy - chuyên gia tư vấn tâm lý Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc gia đình Việt Nam - cho rằng để khắc phục, cần phải truy từ những nguyên nhân mang tính gốc rễ.

 

Theo bà, sự khác nhau căn bản giữa thế hệ trẻ hiện nay với thế hệ trẻ của 15-20 năm trước, hoặc lâu hơn nữa ở chỗ các em thiếu lý tưởng sống, không có những đam mê lành mạnh. Gốc rễ của việc này là do coi nhẹ giá trị sống đích thực. Không có định hướng về giá trị chuẩn mực, những người trẻ dễ sa vào lối sống bản năng.

 
Cần phải vẽ đường khi “hươu đã chạy”
Học sinh THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nấu bánh chưng cho người nghèo. Những hoạt động này khơi gợi những giá trị sống đẹp trong học sinh.
 

Trong chuyện học, nhiều học sinh cũng học không phải vì đam mê mà học để thi đỗ, để kiếm tiền. Tâm lý hưởng thụ, vị kỷ cũng được đẩy lên cao tạo nên những “chuẩn” khác như: đánh giá sự tự tin qua quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm xịn, coi giá trị của mỗi cá nhân là việc thể hiện bằng được cái tôi, bất chấp dư luận, thậm chí đi ngược với lợi ích chung của cộng đồng.

 

Bà cho rằng số những gia đình lúng túng, không biết cách dạy dỗ con nhiều hơn. “Đã có những cháu bé điện thoại cho tôi kêu cứu, kể rằng chúng đang bị bố mẹ xích trong nhà để “yên tâm con không mắc lỗi”. Hoặc có cháu đã bật điện thoại cho tôi cùng nghe cảnh bị mẹ mạt sát, xúc phạm không thương tiếc do quá giận dữ”, bà cho biết.

 

Theo bà, hành động sai lầm của cha mẹ sẽ dẫn đến những phản ứng không thể lường của con trẻ. “Lẽ ra phải tư vấn, phải chỉ bảo cho con cái những kiến thức, những thông tin bổ ích để chúng hiểu và lựa chọn đúng đắn thì nhiều bậc cha mẹ lại không làm vậy.

 

Nhất là những kiến thức liên quan đến giới tính, nhiều bậc cha mẹ né tránh, cho rằng nói đến điều đó là “đáng xấu hổ”. Không dạy bảo trẻ đến nơi đến chốn, nhưng khi con mắc sai lầm thì lại lên án, phán xét từ trên cao xuống, đó chính là sai lầm của người lớn”, bà nói.

 

Nói về giải pháp, đường hướng cho “vấn nạn” này, các chuyên gia xã hội học nhìn nhận: gia đình và nhà trường là nhân tố quan trọng.

 

“Việc tư vấn, cung cấp kiến thức về vấn đề này không chỉ cần làm đối với học sinh mà cần làm với cả các bậc phụ huynh. Vì phải biết dạy con thế nào là đúng thì việc giáo dục trong mỗi gia đình mới có hiệu quả.

 

Ngành GD-ĐT cũng cần có những điều chỉnh để dành thời lượng cần thiết cho việc giáo dục giá trị sống, cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh chứ không phải chăm chăm vào dạy chữ”, chuyên gia Lê Thị Túy nói.

 

Theo Vĩnh Hà - Ngọc Hà

Tuổi trẻ