Cảm hứng từ bóng tối

Nằm trong con hẻm trên đường Hai Bà Trưng ở quận 1 (TP. HCM), “Nhà hàng bóng tối” là điểm đến của rất đông bạn trẻ, mỗi dịp cuối tuần. Điểm đặc biệt, đây là dự án kinh doanh của Vũ Anh Tú (27 tuổi) và Germ Doornbos (quốc tịch Hà Lan) nhằm giúp đỡ những bạn trẻ khiếm thị.

Kế hoạch của thời sinh viên

 

Tú lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh du lịch và khách sạn, có kha khá kinh nghiệm điều hành quản lý khách sạn và nhà hàng. Còn Germ Doorbos đến Việt Nam đã hơn 11 năm. Anh cũng cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn.

 

Germ Doorbos và Tú tình cờ gặp nhau và cùng có chung sự quan tâm đặc biệt dành cho người khiếm thị. Giúp người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, trở thành mục tiêu cả hai đề ra.

 

Từ khi còn học đại học, Tú luôn đặc biệt quan tâm đến những người khiếm thị. Ấp ủ dự án xây dựng “Nhà hàng bóng tối” (Dining in the dark) từ lâu nhưng đến năm 2012, chàng trai Hà Nội mới thực hiện được.
 
Hai chàng chủ nhân của “Nhà hàng bóng tối”.
Hai chàng chủ nhân của “Nhà hàng bóng tối”.

 

Thông qua dự án, Tú và Germ mong muốn nâng cao nhận thức xã hội đối với cộng đồng người khiếm thị. Chia sẻ về nhà hàng của mình, Tú cho biết: “Theo mình tìm hiểu, hiện số người khiếm thị không có việc làm khá cao. Một số ít người thì tìm được việc nhưng phần lớn là công việc lao động chân tay và thu nhập hằng tháng còn rất thấp.

 

Mở “Nhà hàng bóng tối”, bọn mình muốn giúp những người bạn khiếm thị tự tin hơn. Chỉ có sự tự tin các bạn mới thể hiện hết tài năng và vượt qua mặc cảm”.

 

Kết nối cộng đồng

 

Nhà hàng bóng tối có không gian cổ kính và hạn chế ánh sáng. Tất cả nhân viên ở đây đều là người khiếm thị. Vào làm ở nhà hàng, các bạn nhân viên có 3 tháng được đào tạo, làm quen với từng căn phòng và các món ăn.

 

Trong không gian không có ánh sáng, việc hướng dẫn cho khách làm quen với bóng tối, dẫn dắt đường đi cho đến phục vụ khách đều do nhân viên khiếm thị đảm nhiệm. Điều đó cho người khiếm thị cảm nhận mình được làm “chủ” không gian thực sự.

 

Thực đơn bằng chữ nổi, thực khách phải tự dò thực đơn để gọi món.
Thực đơn bằng chữ nổi, thực khách phải tự dò thực đơn để gọi món.

 

Minh Triết (nhân viên nhà hàng) chia sẻ: “Mình rất vui khi được nhận vào làm việc. Lúc trước, để phụ giúp gia đình, mình tự dò đường đi bán vé số nhiều nơi. Bán vé số cực mà nhiều khi còn bị lừa và bị giựt nữa.

 

Bây giờ, mình đã có thể kiếm thu nhập ổn định phụ giúp gia đình. Nhưng quan trọng hơn là được tâm sự và chia sẻ với mọi người. Ngày đầu đến đây, mình hơi e ngại nhưng bây giờ thì mình rất tự tin”.

 

Làm việc tại nhà hàng còn có Nguyễn Thành Vinh, 20 tuổi, quê ở Long An. Vinh từng giành được học bổng của trường ĐH RMIT Việt Nam. Có khả năng nghe và nói tiếng Anh rất tốt nên Vinh được giao hẳn vai trò phục vụ và tiếp đón khách nước ngoài. Tiếp xúc với những bạn như Vinh và Triết, thực khách đến trải nghiệm không gian mới lạ của nhà hàng đều vô cùng thích thú.

 

Ngọc Mai (năm thứ hai, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) là khách quen của nhà hàng. Cô bạn chia sẻ: “Mình rất thích phong cách ở đây, đặc biệt là các bạn phục vụ rất nhiệt tình và dễ thương.

 

Khi ở trong bóng tối, mình có thể cảm nhận rõ những khó khăn mà các bạn khiếm thị trải qua. Các bạn ấy thật sự rất giỏi. Ở nhà hàng này, bên cạnh những trò chơi rất vui như đoán màu sắc của thức ăn, thử độ chính xác khi di chuyển, mình cũng thích các món ăn và nước uống được chế biến ngon và lạ miệng”.

 

Theo Hoàng Yến - Hằng Trần

Sinh viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm