Cạm bẫy từ các “kênh” an ủi khi thi trượt

(Dân trí) - Không nhận được sự động viên từ người thân, nhiều bạn khi thi trượt ĐH tìm đến “người lạ” trên thế giới ảo, những người bạn thông tin “mập mờ”… để giải tỏa nỗi buồn của mình. Bên mặt tích cực, điều này cũng tiềm ẩn không ít mối nguy khó lường.

Nhộn nhịp hội những người thi trượt

Sau khi có điểm thi, V.L.M, thí sinh ở Long An thi vào trường ĐH Bách khoa TP.HCM giam mình trong nhà vì không cần chờ điểm chuẩn đã biết trượt. Than vãn với bố mẹ mong nhận được lời an ủi, M bị quát ngay: “Không lo mà học hành, giờ kêu ca nỗi gì”. M cũng chẳng hy vọng gì ở mấy cậu bạn thân bởi trong niềm vui thi đỗ họ vô tâm đến mức còn gọi hí hửng gọi điện đến khoe với M và đang bận rộn đi du lịch, nghỉ ngơi.

Cạm bẫy từ các “kênh” an ủi khi thi trượt - 1

Nhộn nhịp hội những người thi trượt đại học trong thế giới online

Khi đang bế tắc, muốn nổ tung đầu vì ức chế, chẳng tìm được sự an ủi từ mọi người xung quanh, M nhận được đường link từ một diễn đàn của hội những người thi trượt.
 
Đăng nhập tham gia, tâm sự về cảm giác thất bại của mình, M không chỉ có dịp chia sẻ với những người đang trong cảnh ngộ như mình mà còn nhận được rất nhiều lời động viên từ những anh chị đi trước - những người đỗ đạt và cả những người từng thi trượt.
 
Từ những chia sẻ đó, M thấy tinh thần mình vững vàng hơn, không còn nặng nề mỗi suy nghĩ “trượt là hết” như trước. “Đọc những câu chuyện của những người đi trước, cùng những lời động viên khích lệ, mình hiểu rằng rất nhiều hướng đi cho mình.
 
Mình có thể thi lại, đi học nghề, hay theo đổi một đam mê nào đó. Nếu không có những “người lạ” này chẳng biết mình có vượt qua được cú sốc này không khi mà những suốt này phải nghe những lời chê trách của người thân”, M cho hay.

Sau kỳ thi, các diễn đàn, CLB những người thi trượt với các nội dung như “Hội những người thi trượt ĐH nhưng vẫn cố thi tiếp vào năm sau”, “Hội những người đã và sẽ thi trượt ĐH”, “Hội những người mấp mé trượt đại học” “Hội những người thi rớt đại học thu nhập vẫn cao”… thu hút rất nhiều sĩ tử. Có nơi có đến hàng ngàn hội viên tham gia, không riêng gì những người thi trượt mà rất đông anh chị đi trước cũng có mặt để tư vấn.

Ngoài những chia sẻ nỗi niềm thi trược, các bạn được nghe nhiều ý kiến về trao đổi kinh nghiệm học hành, thi cử cũng như con đường vào đời bằng chính những trải nghiệm của bản thân của người đi trước . Điều này tác động tích cực đến những bạn đang trải qua cú sốc thi trượt, nhiều bạn còn tìm được định hướng đi cho mình chính từ những chia sẻ đó.

Cẩn thận với những cạm bẫy

Khi trượt đại học, cũng như mọi người đối diện với thất bại, các bạn trẻ đều có nhu cầu được bộc bạch cảm xúc buồn chán của mình với mong mỏi nhận được lời động viên vực mình dậy. Nếu khi bị gia đình, người thân đay nghiến thất bại đó, các bạn trẻ sẽ tìm đến những “phao cứu sinh” khác.

Bên cạnh những nguồn động viên tích cực, lúc này không ít cạm bẫy từ bên ngoài mà khi tâm lý buồn chán, họ không đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là những lời khuyên bổ ích, đâu là những lôi kéo, lời khuyên tiêu cực.
Cạm bẫy từ các “kênh” an ủi khi thi trượt - 2

Những lúc buồn chán, các em rất dễ bị thành phần xấu lôi kéo khi thi trượt (Ảnh minh họa).

Tìm đến các kênh để than thở nỗi lòng thi trượt, nhiều em không may còn gặp phải những ý kiến, quan niệm nguy hại như “Thi trượt thì chết cho rồi”, “Đồ ăn hại, có mỗi việc học mà không xong”… trong lúc hoang mang, có thể kéo họ đến những suy nghĩ tiêu cực.

Thiếu 2 điểm vào trường ĐH mình mơ ước, Long (Bình Dương) cũng buồn nhưng chưa đến mức “sụp đổ hoàn toàn” vì cơ hội nguyện vọng 2 vẫn còn. Long tỉ tê nói chuyện với ông anh hàng xóm, người đang theo học tại trường cậu thi vào, nào ngờ, lại được ông anh… “an ủi”: “Thi vào trường mình thích không đỗ, kiếm đường khác mà sống cho xong còn hơn vào những trường vớ vẩn”.

Biết đó là lời chê bai, thiếu thiện chí mà Long không tránh khỏi hoang mang. Về nhà lại nghe bố mẹ ca thán, những hào hứng với việc xét tuyển nguyện vọng của Long vốn đã mong manh giờ như bị dội thêm gáo nước lạnh.

Trong lúc thiếu người để trút tâm tư, khoảng thời gian này những sĩ tử thi trượt cũng rất dễ bị các thành phần xấu lôi kéo lao vào những cuộc vui để giải sầu. Không ít người trượt dài bắt đầu từ cú sốc thi trượt.

 
Trường của Ly, ở Q.7, TPHCM dự thi kỳ thi đại học năm 2010 nhưng không đủ điểm. Khi đang thất vọng vì thi trượt, thêm buồn chán cảnh ru rú trong nhà chẳng biết tỉ tê cùng ai thì anh chàng thuộc thành phần cá biệt ở trường nhắn tin hỏi han. Tên này theo đuổi Ly từ lâu nhưng cô cạch không tiếp xúc giao lưu.
 
Giờ Ly lại xúc động trước những hỏi thăm, động viên của hắn. Đến khi nghĩ rằng “lúc khó khăn mới biết ai tốt với mình, không ai hiểu mình bằng hắn”, Ly theo nhập cuộc cùng “người bạn đặc biệt” này đi chơi cho quên sầu đời ở bar, vũ trường và cả tụ tập đua xe.

Giao lưu với những thành phần này, Ly tự tin nhận ra đầy người chả học hành gì mà vẫn có thể làm giàu. Ly kéo động viên thêm được mấy người bạn thi trượt như mình nhập cuộc ăn chơi. Bố mẹ cô chẳng hề hay biết vì lúc đó vẫn chưa hết tức giận chuyện con thì trượt nên mặc nó làm gì thì làm. Đến lúc họ nhận ra thì đứa con ngoan đã trở thành một phần tử bất hảo, họ chẳng biết cách nào để lôi con trở về.

Lúc gặp chuyện buồn trong cuộc sống, những đứa con luôn mong muốn được chia sẻ và nhận được sự cảm thông từ gia đình, người thân. Khi con thi trượt, bố mẹ cần lắng nghe những tâm tư suy nghĩ của con để hiểu con và cùng vạch ra những giải pháp, định hướng trước mắt. Nhiều ông bố mà mẹ bỏ mặc con, thậm chí là trách móc, đay nghiến mà mà quên mất rằng lúc này các em rất dễ sa ngã.

H.N