Cạm bẫy chờ… tân sinh viên

Tân sinh viên rất dễ lao vào rượu chè, cờ bạc, lô đề, thậm chí nghiện hút ma túy... mà chủ yếu do bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê. Không ít sinh viên phải “đứt gánh” giữa đường bởi một chút nông nổi.

Cảnh giác với “hàng mồi”

 

Sau khi đến trường nhập học, Văn Vũ (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) tản bộ từ trường về ký túc xá, qua khu vực phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì có một thanh niên chặn lại chào hàng. Anh ta mời Vũ mua chiếc máy ảnh điện tử và kể lể rằng đó là hàng mới “lẩy” được, còn mới nguyên và hứa bán với giá rẻ.

 

Thấy lạ và có ý mua, Vũ không ngần ngại lấy xem. Sau ít phút xem xét, Vũ chưa kịp hỏi giá cả thế nào thì thanh niên đó... đòi lại máy, không bán nữa. Chưa kịp hiểu ra sao, Vũ được một người gần đó gọi lại hỏi nhỏ: Kiểm tra xem có mất gì không. Vũ sờ xuống túi quần thì thôi rồi, cái ví tiền đã “không cánh mà bay”, chỉ còn lại túi quần jean bị rạch một đường dài. Vũ cuống cuồng đuổi theo tên lừa bịp, nhưng hắn đã mất dạng.

 

Đối với những sinh viên có sự cảnh giác cao, những kẻ lấy hàng nhử không móc túi được thì chúng bán hàng nhử với giá... cắt cổ. Kinh nghiệm “xương máu” mà Trọng Tuân (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) không thể quên khi vào làng Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội).

 

Một thanh niên đội mũ cối lụp xụp, mặc bộ rằn ri chặn Tuân lại mời mua đồng hồ “xịn”. Khi được hỏi, anh ta hét giá lên tới 200.000 đồng mà giá trị thật của đồng hồ đó chỉ 20.000 đồng. Tuân chê đắt, không muốn mua, anh ta liền lật giọng hăm dọa, chửi bới rồi hành hung Tuân với lý do “thiếu tôn trọng người khác”.

 

Rồi hắn bắt Tuân phải chi tiền... bồi thường danh dự(?). Đã có không ít sinh viên bị trấn lột, xin đểu giữa đường như vậy nên giới sinh viên thường truyền tai nhau cùng đề phòng. Đặc biệt, những sinh viên mới vốn chưa được va chạm nhiều với cuộc sống mới nơi thành phố càng phải chú ý cảnh giác.

 

Hiểm nguy từ những người bạn

 

Không chỉ ngoài đường, ngoài chợ, những cám dỗ nguy hại vẫn từng ngày bám sát sinh viên mới ngay trong phòng trọ, trong ký túc xá, đặc biệt từ những người bạn đã sa ngã. Một cán bộ quản lý ký túc xá một trường đại học cho biết: Trong năm thứ nhất, các sinh viên đa phần đều có đạo đức tốt, chăm lo học tập, ý thức kỷ luật cao. Nhưng từ năm thứ 2, năm thứ 3 trở đi, nhiều sinh viên có biểu hiện sa ngã, hư hỏng.

 

Đặc biệt, tân sinh viên rất dễ lao vào rượu chè, cờ bạc, lô đề, thậm chí nghiện hút ma túy... mà chủ yếu do bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê. Không ít sinh viên phải “đứt gánh” giữa đường bởi một chút nông nổi.

 

Sinh viên H.C.T. (ĐH Dân lập Đông Đô) năm thứ 1 đã phải xin bảo lưu kết quả một năm, vì lý do “kinh tế”, nhưng kỳ thực, gia đình xin nghỉ cho T. về quê Hà Tây để cai nghiện ma túy.

 

Vốn con nhà có điều kiện kinh tế khá giả, ngay những ngày đầu tiên nhập học, T. đã kết giao với nhiều “công tử” con nhà giàu. Ngày ngủ, đêm lên sàn nhảy, đi “hóng gió” (đua xe), rồi T. cũng kết thân với bạn cùng lớp tên Hùng, người từng ngày đưa T. bay theo cánh khói “nàng tiên nâu”. Cai rồi lại tái nghiện, tương lai của T. đã tan tành theo làn khói trắng...

 

Sau niềm vui đỗ vào đại học, những sinh viên mới phải đối diện với cuộc sống hoàn toàn tự lập, với bao cám dỗ nguy hiểm. Để “giữ sạch” mình là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách bản lĩnh mà tự bản thân sinh viên mới phải vượt qua.

 

Theo Hải Hòa
Công An Nhân Dân