Cái chết không níu giữ được tình yêu ở lại

Thời gian gần đây, những vụ tự tử vì tình diễn ra khá phổ biến. Nó không chỉ gây ra nỗi đau, sự mất mát cho những người trong cuộc và gia đình họ mà còn tác động xấu đến giới trẻ, tạo ra nhiều hệ lụy về mặt xã hội…

Cứ bế tắc là tự tử?!

 

Vào ngày 3/1 vừa qua, tại cầu Hòa Lý (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), một thanh niên khoảng 20 tuổi vì buồn chuyện tình cảm đã nhảy cầu tự tử nhưng đã được một số người dân có mặt cứu lên bờ. Tuy vậy, ngay sau đó, người thanh niên này vẫn kiên quyết... đòi nhảy lần nữa khiến nhiều người phải vất vả mới giữ lại được.

 

Còn tại Hà Nội, cuối tháng 11/2014, một tổ công tác 141 khi đi qua cầu Chương Dương phát hiện 1 cô gái đứng khóc nhìn xuống dòng nước chảy xiết. Ngay khi cô gái  trèo qua lan can cầu định nhảy xuống sông, lập tức tổ công tác đã phối hợp cùng người dân kéo cô gái qua thành cầu an toàn.

 

Theo người nhà của cô gái, do buồn chán chuyện tình cảm nên cô đã nảy sinh ý định tự tử và chọn cầu Chương Dương làm nơi kết liễu cuộc đời. Trước khi thực hiện ý định trên, cô gái đã nhắn tin tới số điện thoại được cho là của bạn trai để thông báo.

 

Cũng vào cuối tháng 11/2014, sau khi nói chuyện với bạn gái trên cầu Hóa An (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), nam sinh 17 tuổi đã nhảy xuống sông Đồng Nai. Mặc dù cô bạn gái đã kêu cứu, nhờ người giúp đỡ nhưng do nước chảy xiết, người thanh niên đã bị nước cuốn trôi.

 

Cũng tại TP. Biên Hòa, ngày 4/12, trên cầu Đồng Nai, một đôi nam nữ sau khi dừng xe trên cầu nói chuyện thì cô gái bất ngờ nhảy xuống sông, khiến người nam thanh niên không kịp trở tay.
 
Cái chết không níu giữ được tình yêu ở lại

 

Không chỉ tự tử một mình, tự tử trước mặt người yêu mà nghiêm trọng hơn là còn có không ít trường hợp cả hai cùng chết. Vụ việc liên quan đến đôi bạn trẻ mới học lớp 10 ở Nghệ An cùng nhau thắt cổ tự tử tại ngôi nhà hoang trong rừng cuối tháng 12 vừa qua khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

 

Người nhà nạn nhân cho biết, 2 em vốn là bạn thân từ cấp 2. Gần đây, thấy 2 học sinh này có tình cảm trai gái nên gia đình đã ngăn cản. Do vậy, 2 em đã lẳng lặng bỏ nhà đi và được phát hiện trong tình trạng đã chết ở tư thế treo cổ.

 

Đầu tháng 4/2014, thông tin về một cặp đôi tự tử tại một nhà nghỉ trên phố Ngô Quyền, Hà Đông, Hà Nội đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Do là người đồng tính nên khi bị gia đình phát hiện và ngăn cấm, đôi bạn trẻ đã cùng nhau quyên sinh. Trước khi chết, cặp đôi đã chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội Facebook.

 

Thiếu kỹ năng để vượt qua “cú sốc”

 

“Sự ra đi đột ngột của những bạn trẻ đã đem lại nỗi đau tột cùng cho gia đình họ. Đáng tiếc là trong rất nhiều cách để vượt qua khủng hoảng, họ lại chọn giải pháp cực đoan nhất. Những vụ việc trên cho thấy, dường như cái chết đang là lựa chọn của không ít bạn trẻ để giải quyết bế tắc.

 

Nó thể hiện sự không làm chủ được bản thân, không biết cách xử lý tình huống, thiếu bản lĩnh để đối diện và vượt qua áp lực, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu tri thức để nhận ra giá trị của bản thân của một bộ phận giới trẻ hiện nay”, Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn bày tỏ quan điểm.

 

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng trên là do nhiều bạn trẻ lựa chọn cách sống khép mình, bị ảnh hưởng nhiều bởi phim ảnh, ngày càng ít chia sẻ với người thân nên khi rơi vào bế tắc, họ dễ hoang mang và hành động tiêu cực.

 

Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, cảm thông của các bậc phụ huynh, người lớn khi con em mình mắc lỗi cũng là lý do khiến các em có cảm giác bị đẩy đến bước đường cùng. Mặt khác, nhiều bạn trẻ hiện có cuộc sống khá đủ đầy, được bao bọc từng ly từng tí dẫn đến khả năng chịu đựng kém, nên khi chuyện tình cảm không được như mong muốn họ lập tức nghĩ đến cái chết.

 

Cũng theo Tiến sỹ Trần Tuấn, điều duy nhất mà những người tự tử vì tình cho rằng họ cần phải làm là dùng cái chết để chứng minh tình yêu, hoặc sự ra đi vĩnh viễn của họ sẽ khiến người yêu phải ân hận suốt đời. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi khi còn sống họ đã bất lực, thì cái chết không bao giờ níu giữ được tình yêu ở lại.

 

Để tránh xảy ra những điều đáng tiếc, mỗi bạn trẻ cần trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là những kỹ năng vượt qua những cú sốc và thận trọng, sáng suốt trong việc trao gửi tình cảm cho một ai đó.

 

Trước khi làm bất cứ việc gì gây hại cho sức khỏe, tính mạng của bản thân, mỗi người hãy luôn nhớ rằng xung quanh mình còn có cha mẹ, gia đình, bạn bè.

 

Ngoài ra, với chuyện yêu đương của con trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu, đồng cảm, chia sẻ và định hướng cho con em mình chứ không nên chỉ quy kết hay cấm đoán với thái độ chủ quan, tiêu cực.

 

Theo Huệ Linh

An ninh thủ đô