“Cái bang” học sinh

Những "cái bang" này thường độ tuổi học sinh tiểu học, kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn nhưng vẫn bám víu khách đi đường để xin tiền. Những đồng tiền xin được này hầu hết đều tập kết vào một điểm duy nhất, đó là... tiệm Internet.

TPHCM đang đau đầu về vấn nạn "cái bang", chăn dắt hoành hành trên nhiều tuyến đường nhưng vẫn chưa có biện pháp cụ thể để giải quyết.

 

Tiền thì lấy, thức ăn thì không

 

Nhiều sinh viên và người dân trong khu vực hẻm 135 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 không mấy xa lạ với một cậu bé chừng 7-8 tuổi mặc quần áo rất tươm tất nhưng lại chìa tay xin tiền của họ. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng thấy cung cách nũng nịu của cậu bé, họ vẫn thò tay vào túi móc tiền ra cho.

 

Sau khi dạo một vòng với số tiền hơn 10.000đ, thằng bé chui tọt vào một tiệm Internet ngồi suốt 3 giờ đồng hồ với trò chơi: Bắn súng.

 

Qua nhiều ngày dò hỏi, chúng tôi được biết, cậu bé trên đang học lớp 3 ở một trường ngay phường Cầu Ông Lãnh. Cha mẹ làm nghề buôn bán nên dịp hè cậu bé được "thả cửa" đi chơi tự do. Mỗi buổi sáng cha mẹ phát cho 10.000đ ăn sáng, nhưng cậu bé nướng vào các trò chơi điện tử. Khi hết tiền, cậu nghĩ đến trò xin tiền để tiếp tục có tiền tham gia vào những trò bắn giết.

 

Chủ nhật, chúng tôi có dịp vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM để thăm một người bà con đang điều trị tại đây. Vừa tấp xe vào cổng bệnh viện, chúng tôi phát hiện một thằng bé quần áo lấm lem khoảng 8-9 tuổi, tay đeo cặp táp màu đen vẻ mặt buồn buồn chìa tay xin tiền những người trong khuôn viên bệnh viện.

 

Thấy chúng tôi, cậu bé sáp lại gần: "Con đói quá! Cho con mấy ngàn ăn cơm đi mấy chú! Ba má con bỏ nhau rồi! Con ở với má mà giờ má cũng bỏ con đi luôn!".

 

Thấy tội, anh bạn đi cùng kêu dẫn thằng bé đi ăn thì nhận được cái lắc đầu liên tục. Chúng tôi đưa cho thằng bé vài ngàn lẻ, lập tức khuôn mặt nó giãn ra rối rít cảm ơn và bỏ đi.

 

Một phụ nữ bán nước gần đó chứng kiến toàn bộ câu chuyện nói nhỏ với chúng tôi: "Các cậu bị lừa rồi, cha mẹ nó ly dị hồi nào? Nhà nó ở gần nhà tôi mà, sao tôi không biết. Cậu cứ đi theo nó thử. Bao nhiêu tiền xin được nó nướng vào trò chơi điện tử cho coi".

 

Theo chân thằng bé vào khu nhà ăn của bệnh viện, vẫn chiêu thức cũ thằng bé nài nỉ một người phụ nữ đang ngồi ăn tại đây. Thấy tội nghiệp, người phụ nữ kêu cho nó một tô phở, thằng bé nhất quyết không chịu ăn rồi lủi thủi bỏ đi.  

 

Hệ lụy của game "giết chết" những ngày hè

 

Dưới chân cầu vượt trước Bệnh viện Ung bướu, thằng bé lôi "chiến lợi phẩm" trong buổi sáng ra ngồi đếm. Số tiền thu được gần 100 ngàn đồng. Thằng bé đón xe tuyến Nơ Trang Long - Lê Quang Định và giở trò ma mãnh trên xe buýt "Em chưa đủ tuổi mua vé (?)" và tiếp tục "hành nghề" trên xe.

 

Trên suốt đoạn đường, thằng bé xuống xe đến 4-5 lần và thu nhập mỗi lúc mỗi tăng. Đến khu vực cầu Đỏ, quận Bình Thạnh, thằng bé rẽ vào một con hẻm, tấp vào một căn nhà.

 

Dò hỏi những người xung quanh, người dân cho biết, thằng "cái bang" này đang học lớp 3, bố làm công nhân, mẹ buôn bán. "Gia đình cũng đâu đến nỗi thiếu ăn mà cho con cái đi xin!", một người hàng xóm thảng thốt khi chúng tôi kể chuyện bắt gặp nó đang lang thang xin ăn…

 

Ngồi bên ngoài cửa khoảng 30 phút, chúng tôi thấy thằng bé tươm tất, sạch sẽ trong bộ quần áo mới lao ra khỏi nhà chui thẳng vào một tiệm Internet gần nhà.

 

Dạo quanh các cửa tiệm Internet trong thành phố, chúng tôi thường xuyên bắt gặp cảnh những đứa trẻ khoảng 7-8 tuổi say sưa trong các trò game bắn giết, đấu đá. Tại tiệm Internet nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, chúng tôi thấy nhiều em nhỏ say mê lướt đôi bàn tay nhỏ nhắn như múa trên bàn phím để thể hiện những thao tác phục vụ cho các chiêu thức trong game. Đã có nhiều trường hợp các em học sinh đem những gì thể hiện trong game ra ngoài đời thực.

 

Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhóm trẻ chỉ 7-10 tuổi, tay lăm lăm dao, mã tấu đuổi đánh nhau giữa đêm khuya trong các con hẻm nhỏ thuộc phường 16, quận 4. Không có tiền chơi game, ngoài việc trộm cắp các đồ linh tinh của người dân lỡ để hớ hênh, thì việc trở thành "cái bang" đang là một trong những chiêu thức mới nhất, dễ kiếm tiền nhất của các em nhỏ này.

 

Thêm một lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong dịp hè khi để cho các em thoải mái vui chơi mà không có biện pháp quản lý hay hướng dẫn các em cách sinh hoạt hè một cách hợp lý. Biến tướng của tình trạng "cái bang" này thật đáng báo động nhưng dường như chẳng bậc phụ huynh nào quan tâm, để ý đến.

 

Theo Công An Nhân Dân