Các bạn trẻ cần có “kỹ năng yêu nước”

(Dân trí) - Đó là lời căn dặn của TS Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Hoàng Sa, Trường Sa trước đông đảo sinh viên trong chương trình “Hướng về Biển Đông”.

Ngày 28/5, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (Saigonact) đã tổ chức chương trình giao lưu “Hướng về biển Đông”. Đại tá Nguyễn Hải Triều, Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam, TS sử học Nguyễn Nhã, người dành 40 năm dày công thực hiện cuốn “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, cùng đông đảo nhà nghiên cứu và 2.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường tham gia.

Hàng ngàn sinh viên cùng ủng hộ biển Đông
Hàng ngàn sinh viên cùng ủng hộ biển Đông

Với Trung Quốc, chúng ta phải “Win – Win”

Trong phần nói chuyện chuyên đề với sinh viên, TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, nhà sử học nghiên cứu về biển Đông đã nhấn mạnh các chứng cứ lịch sử, cũng như pháp lý chặt chẽ, phong phú của Việt Nam đối với chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

TS Nguyễn Nhã đã dành tặng cho đại diện sinh viên tấm bản đồ “An Nam đại quốc hoạ đồ” xuất bản vào năm 1838. Theo TS Nhã, tấm bản đồ này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị pháp lý khi các nhà nghiên cứu của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đều đã biết đến tấm bản đồ này và công nhận về tính pháp lý của nó. Ông khuyên các bạn sinh viên nên treo tấm bảng đồ ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất để mọi người có thể hiểu thêm về một minh chứng lịch sử cho chủ quyền biển đảo quốc gia.

TS Nguyễn Nhã đánh giá, hành động mới đây của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động bành trướng của một quốc gia hiếu chiến. Tuy nhiên, hành động này có thể đoán được vì trong lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần ngang ngược sử dụng vũ lực trong xâm lược chủ quyền của nước khác.
 
“Cụ thể là năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực chiếm Gạc Ma và nay là lấn sâu vào vùng chủ quyền của Việt Nam bằng hàng chục tàu cả quân sự lẫn dân sự. Rõ ràng, hành động của Trung Quốc đã làm không chỉ Việt Nam bức xúc mà cả thế giới đều lo ngại đến an ninh, trật tự, thông lệ quốc tế đến hoà bình của nhân loại”, TS Nhã nhấn mạnh.
 
TS Nguyễn Nhã cho rằng, cần cho thế giới biết Việt Nam là một quốc gia độc lập thực sự, là một quốc gia tự lực tự cường chứ không phải là “sân sau” như các luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc.
 
“Với Trung Quốc, chúng ta phải “Win – Win” trong kinh tế, lẫn chính trị. Chúng ta phải làm sao cho mọi người biết Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc chủ quyền Trung Quốc, trừ khi họ dùng vũ lực. Tư liệu của chúng ta quá nhiều. Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa là một sự thật lịch sử rõ ràng”, TS Nhã nói.

Các sinh viên lắng nghe diễn giả nói về biển Đông
Các sinh viên lắng nghe diễn giả nói về biển Đông

Nhà sử học cũng khuyên các bạn trẻ không chỉ có thái độ yêu nước đúng đắn mà cần trau dồi cả kỹ năng sống yêu nước. “Phải có kỹ năng sống yêu nước. Yêu nước không chỉ có ý thức mà phải cụ thể bằng hành động. Từ kỹ năng yêu nước đến hành động yêu nước phải bằng từng việc cụ thể.
 
Chẳng hạn, các bạn ra đường có ý thức chấp hành giao thông; đi du lịch nước ngoài biết giao lưu, chia sẻ về đất nước mình với bạn bè quốc tế, tranh thủ các diễn đàn, hội thảo để quảng bá hình ảnh đất nước;… Đó chính là những việc làm cụ thể, thiết thực nhất để thể hiện lòng yêu nước”, TS Nhã nói với sinh viên.

Hãy yêu nước bằng trái tim nóng, cái đầu lạnh

TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường cho biết, “Hướng về biển Đông” là chương trình nhằm giáo dục cho sinh viên lòng yêu nước, ý thức chủ quyền và trách nhiệm với Tổ quốc, đồng thời hưởng ứng tinh thần toàn dân tộc hướng về biển Đông, cùng chung tay bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Mới đây, một cán bộ của trường là thầy Đặng Hoài Thanh có người thân sống ở đảo Lý Sơn đã ra đi vĩnh viễn khi bị tàu Trung Quốc tấn công. Nhà trường đã vận động để giúp đỡ và động viên tinh thần cho thầy.

 “Mỗi người dân Việt Nam đều nhận thức chủ quyền quốc gia không chỉ là con sông, dòng suối, là luỹ tre làng mà còn là biển đảo. Ngay lúc này đây, tất cả chúng ta hãy cùng nhắn tin ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa bằng hành động cụ thể nhưng đầy thiết thực”, ông Chương nói.

Các sinh viên lắng nghe diễn giả nói về biển Đông

TS Nguyễn Nhã tặng đại diện sinh viên tấm bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Đại tá Nguyễn Hải Triều cho biết, ông vừa ở Trường Sa về cách đây 3 ngày. Cán bộ chiến sĩ hải quân rất cảm động trước tấm lòng của nhân dân cả nước và các bạn bè trên thế giới yêu chuộng hoà bình đã quan tâm giúp đỡ, động viên. “Chúng tôi thấy ấm lòng khi cả nước quan tâm chia sẻ, là hậu phương vững chắc cho chúng tôi vững tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, đại tá Triều xúc động.

Trước hàng ngàn sinh viên, ông khuyên những bạn trẻ: “Hãy yêu nước bằng trái tim nóng, cái đầu lạnh để phục vụ tốt nhất cho Tổ quốc. Biển Đông đang dậy sóng nhưng chiến sĩ hải quân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm cao trong bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”.

Thúy Phượng