Cà phê “bệt”
Chọn chỗ ngồi hợp lý, nơi có bóng mát và tầm quan sát rộng, lấy tờ báo cũ trải xuống nền đất để ngồi “bệt” và cứ thế thưởng thức cà phê mà không cần quán xá. Người ta gọi đó là phong cách uống cà phê mới của một bộ phận giới trẻ Sài Gòn.
Ngồi bệt ngắm ngồi sang
Khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà, quận 1, TPHCM, với công viên 30/4, những tòa nhà cổ kính xen lẫn hiện đại, thoáng đãng và mát mẻ là địa điểm đắt giá của các loại dịch vụ. Bởi vậy, quán cà phê Highland dưới chân tòa nhà Metropolitan, quán Highland cạnh Diamond Plaza hay cà phê Paris… lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào.
Nhưng, cũng ở đó, ngày nào, Trung, nhân viên quảng cáo, cũng dành ít nhất 30 phút buổi sáng ngồi quán cà phê "bệt" quen thuộc trên đường Hàn Thuyên, TPHCM. Quán không có ghế ngồi, dĩ nhiên không có bàn. Khách đến được các nhân viên phát cho tờ báo cũ hay tờ quảng cáo và tự chọn chỗ ngồi. “Chúng tôi thường đùa, đây là quán cà phê lớn nhất Sài Gòn, vì mặt bằng là một phần của công viên 30/4”, Trung nói.
"Tiền thân" của quán cà phê bệt này là một quán cóc bên kia đường. Nhưng từ khi chủ nhà xây biệt thự, quán cóc trước cửa phải dọn đi chỗ khác. Một ý tưởng mới đã xuất hiện, anh chủ quán mua chiếc xe khách loại chín chỗ ngồi hiệu Mitsubishi cũ, tháo hết ghế, làm "trụ sở" bán.
Đường Hàn Thuyên cạnh công viên 30/4 được phép đỗ xe ôtô, giá vé chính thức là 5.000 đồng/lần, nghĩa là mỗi ngày "mở quán" anh chỉ phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ. Trên xe luôn có hai người chuyên pha chế nước uống cho khách, anh chuyên thu tiền, còn lại là 3-5 người phục vụ. Xe gắn máy của khách chỉ việc đỗ trên vỉa hè công viên, hơn hẳn nhiều quán khác.
Đối diện với quán cà phê bệt là quán cà phê số 5 Hàn Thuyên khá nổi tiếng. Ngồi cà phê bệt bên này đường ngắm cà phê sang bên kia, với những bàn cao, ghế nệm, với laptop wi-fi, rồi bánh Pháp, bò Úc... không dành cho dân "túi lép"... bạn sẽ thấy những mặt đối lập, rõ nhất là ở hình thức.
Ngồi "bệt" ngắm xe cộ
Có thể nói, cà phê bệt Sài Gòn có điểm xuất phát từ đường Nguyễn Đình Chiểu, dọc Đại học Kiến Trúc, Đại học Kinh tế TPHCM.
Khoảng 8 năm trở về trước, quán tập trung bên cổng chính, sinh viên ngồi dọc vỉa hè Pasteur, lê la trước cổng Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng. Từ khi nhà thi đấu được sửa lại, quán dời ra mặt đường Nguyễn Đình Chiểu, sinh viên giờ chỉ ngồi dọc tường rào. Khách của quán chủ yếu là sinh viên.
Nhiều người đã tốt nghiệp ra trường đi làm, nhớ chốn cũ cũng hẹn bạn bè về đây ngồi bệt, thoải mái duỗi chân trên nền xi măng. Không khí tại vỉa hè này khá ồn ào, một phần do xe cộ, phần khác đây là lối đi lại của sinh viên vào trường, nhưng hơn cả vẫn vì các sinh viên tập trung ở đây uống nước, ăn trưa.
Cũng vì ồn ào, nhiều lần công an khu vực qua đây dẹp quán, bà chủ biết chừng nên trang bị bàn pha chế khá "dã chiến": Một chiếc giỏ chứa tất cả đồ nghề chai lọ và một chiếc bàn gỗ xếp đôi. Khi nhác thấy công an, cứ kẹp tay hai món và chạy. Bà chủ quán bán mãi thành quen. Sinh viên chưa có tiền bà vẫn bán thiếu mà cũng chẳng muốn lập sổ nợ, chưa kể thỉnh thoảng vài cậu đến xin thuốc lá, bà cũng cho không.
Ngồi "bệt" ngắm nhiều thứ khác
Ngồi quán bệt ngắm phố phường, xe cộ, những tòa kiến trúc cổ xen lẫn, ngắm con người Sài Gòn tưởng như lúc nào cũng tất bật nhưng cũng có quán khách ngồi chẳng thể ngắm được gì, ngoài những chiếc lá vàng rơi. Nằm khuất bên đường Cách mạng Tháng 8 tấp nập, kéo dài từ Điện biên Phủ đến Ngô Thời Nhiệm là con đường Lê Ngô Cát vắng vẻ. Trên một đoạn đường ngắn có đến hai quán cà phê, dù có ghế con, nhiều khách vẫn thích ngồi bệt xuống đất.
Thanh niên Sài Gòn biết đến đường Lê Ngô Cát như một điểm hẹn "nhạy cảm" về đêm, cho nên đến khoảng 5 giờ chiều cả hai quán cùng dẹp hàng. Tiếc cho khách không thể ngồi lâu để ngắm hai hàng cây muồng vàng bên đường, buổi chiều thường rung gió, thả xuống những cánh vàng ươm.
Quán bệt trên đường Alexander de Rhodes ở quận 1, TPHCM, gần cà phê Báo Chí, lúc nào cũng đông khách. Chỉ trên cùng một đoạn vỉa hè, mà có đến hai nhà kinh doanh nhảy vào khai thác, chia ca theo sáng và chiều. Nhà kinh doanh buổi sáng có vẻ đầu tư hơn với vài ba chiếc ghế nhựa nhưng khách đến vẫn quen với phong cách phục vụ của quán buổi chiều, cứ trải giấy, trải bạt ra và "bệt".
Dọc đoạn đường này có hàng cây rất cao, tỏa ra bóng mát rộng. Huy, một "bệt khách" thường ngồi đây suốt buổi sáng. Anh ngồi đến khoảng 11 giờ, khi nắng lao xao tràn quanh chỗ ngồi, mới đứng dậy, về văn phòng làm việc tiếp. Buổi chiều, nhất là giờ tan tầm, con đường Pasteur trước mặt trở nên đông đúc, cũng là lúc quán đông khách nhất.
"Bệt" thể hiện điều gì?
Ngày càng có nhiều bạn trẻ sành điệu chọn cà phê bệt như một phong cách mới sau thời gian "chán sống" trong các quán cà phê ồn ào tiếng nhạc và ngột ngạt máy lạnh, khói thuốc... Hoa, 20 tuổi, đi xe PS mới nhất, tóc highlight, răng niềng sáng chói, ngồi bệt xuống đất trễ cạp quần có xăm hình con bọ cạp là một trong số đó. Cả tháng nay, ngày nào cô cũng ghé qua "ngồi đồng" ở cà phê bệt phố Hàn Thuyên cùng nhóm bạn vài giờ đồng hồ liền.
Nhưng đông nhất vẫn là dân làm việc văn phòng ở các công ty trong trung tâm quận 1 và giới sinh viên. Lan, cô nhà báo vẫn giữ thói quen mỗi chiều ra cà phê bệt trên đường Alexander de Rhodes, chia sẻ cảm giác: "Chỉ cách một làn đường Alex mà nhìn những ồn ào trên đường Pasteur như không phải dành cho mình, tự nhiên thấy thong thả hẳn". Có lẽ cũng chia sẻ những suy nghĩ này, mà nhiều phóng viên sau khi họp báo tại cà phê Báo Chí hay gần đấy cũng rủ nhau ra đây làm "bệt khách" mỗi chiều.
Còn Hoàng, một cô bạn sành điệu, vì lý do công việc nên thường xuyên gặp gỡ khách hàng tại những quán cà phê "5 sao" ở Sài Gòn, đã tò mò ra cà phê bệt ngồi cho biết. Tuy nhiên, chỉ được mươi phút, cô phải ra về vì không quen với việc ngồi bệt xuống đất một cách tự nhiên như vậy.
Theo cô, thuần túy về mặt giải trí thì đây là nơi phù hợp vì mát mẻ và thoáng đãng, nhưng xét ở khía cạnh văn hóa thì không chấp nhận được. Sinh viên, nhân viên văn phòng là những người có văn hóa và học vấn, lại ngồi bệt xuống đất, dựa tường nhìn ra đường và để mọi người nhìn mình.
"Cà phê Sài Gòn có nhiều quán đáp ứng được tất cả các yêu cầu của khách về giải trí và văn hóa, tại sao không chọn mà phải ra đường như thế", Hoàng nói. Cô còn bức xúc nói về chuyện vệ sinh thức uống ở các quán cà phê kiểu này, thường được pha sẵn, dùng từ ngày này qua ngày khác.
Nhiều người tưởng tượng dí dỏm, đến một ngày nào đó cả Sài Gòn tràn ngập cảnh cà phê "bệt", thì liệu "phông văn hóa" của thành phố này sẽ ra sao?
Theo Văn Hoá & Thể Thao