“Bút tích” người trẻ phá hỏng di sản

(Dân trí) - Vượt hàng trăm cây số từ Huế vào Quảng Nam để một lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngàn năm của Mỹ Sơn, một lần được chạm tay vào những viên gạch mà cho đến giờ vẫn là bí ẩn của nhân loại, được “thỏa chí tang bồng” máu khám phá của một người trẻ... Thế nhưng, rời Mỹ Sơn, lòng lại nặng trĩu một nỗi buồn - nỗi buồn của một “người cùng lứa”.

Anh hướng dẫn viên trẻ nhiệt tình hướng dẫn đoàn du khách vào tham quan một ngôi tháp trong quần thể khu di tích cổ Mỹ Sơn. Mấy ông Tây đầy vẻ thú vị, ngó ngiêng, rồi ghi, rồi chép, rồi gật đầu... Bước vào trong một tòa tháp, đoàn khách đột nhiên khựng lại, một ông Tây ghé sát mặt vào một dòng chữ vẽ bằng son, rồi chỉ trỏ với mấy người bạn trong đoàn. Một cái lắc đầu!

 

Tôi bước theo đoàn từ lúc sáng, nhưng chưa thấy một lần các du khách sờ tay vào những bức tường, đó có lẽ là điểm khác biệt rõ nhất giữa “khách ta” và “khách tây”. Thế nhưng, lúc này thì ông Tây sờ thật! Không chỉ sờ, ông xoè cả bàn tay cố xóa hết những dòng chữ viết bằng son gạch của ai đó, những chữ chạm khắc ăn sâu vào tường thì… ông chịu. Thêm một cái lắc đầu ái ngại và “sứt mẻ đi một cái nhìn”.

 

Trên bức tường, những dòng chữ ngoệch ngoạc nổi lên. Đọc được tiếng Việt thì không cần giải thích, ai cũng biết chủ nhân những dòng “bút tích” này là “dân teen”: “12.5.06, 12D mãi mãi”, “Kỷ niệm hè 05 - Trung, Thanh, Phước - 12 D Forever”…

 

Không loại trừ, sinh viên cũng “góp vui” vào bộ sưu tập những dòng chữ kém văn hóa, thiếu ý thức: Sử 3. ĐHDL…

 

Ngoài ra, “bút tích” là những lời như để khẳng định với… di sản văn hóa thế giới rằng “ta đã từng đặt chân đến đây”: “Haha, hôm nay ta đã biết thế nào là Mỹ Sơn”, hoặc lãng mạn sướt mướt kiểu: “Quang Hòa - Phương Trinh & Mỹ Sơn, hẹn ngày trở lại”…

 

Dù không thông thạo tiếng Anh, nhưng vài lời nói nghe không trọn vẹn và những cái lắc đầu phân trần của những du khách người nước ngoài không hiểu sao khiến tôi buồn đến khó tả. Bước chân đến Mỹ Sơn, dù “mù” thì ít nhất cũng hơn một lần nghe hướng dẫn viên giới thiệu và cho biết đây là Di sản Văn hóa Thế giới, phải nâng niu, giữ gìn nó như một báu vật!

 

Bá Dũng

(Báo chí K29, ĐHKH Huế)