Buồn với kiểu “hành xử” của yểu điệu nữ sinh

Kể từ khi video clip nữ sinh đánh nhau đầu tiên xuất hiện trên mạng mà dân tình đứng xem đã nhặt được tới 4 cái cúc áo trắng đồng phục, gây sốc cho người xem, thì đến nay trò đánh nhau rồi đưa lên mạng đã trở thành một thứ “mốt” rất đáng buồn, đáng lên án.

 
Buồn với kiểu “hành xử” của yểu điệu nữ sinh - 1

(Ảnh minh họa chụp từ một video clip)
 

Vào google, "sớt" thử cụm từ "nữ sinh đánh nhau", bạn sẽ nhận được tới 41.000 kết quả trong khoảng 0,20 giây thôi thì Bắc chí Nam, từ miền núi tới đồng bằng, từ Cao Bằng, Yên Bái, Hà Nội cho đến Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Sài Gòn... hàng loạt các video clip được quay từ điện thoại di động cảnh các nữ sinh loạn đả được tung lên mạng.

 

Ngày càng “pờ rồ”

 

Cô cháu gái tôi học lớp 9 trường THCS M trên địa bàn quận Đống Đa, hớn hở điện thoại khoe: "Dì lên mạng đi, con gửi cho video clip bọn bạn con nó "xử" một con đú bẩn...". Dù rất chán nản với giọng điệu vô cùng "teen" này, tôi cũng phải mò lên mạng và được chứng kiến màn "xử" kinh hoàng của một nhóm học sinh nữ với một cô bé trông đầu tóc, mặt mũi cũng sành điệu và tôi hiểu ngay ra nguyên nhân vì sao cô bé này được gọi là "đú bẩn" và bị đánh hội đồng.

 

Trong một con ngõ cụt vắng hoe, cô bé bị bắt quỳ xuống đất, trước mặt là khoảng 6 -7 học sinh nữ tuổi "teen" đang chống nạnh chửi bới. Và, một "teen" có vẻ như là "hổ báo" cầm đầu nhóm bạo lực kia sau mỗi câu chửi lại kèm theo 1 cái tát nảy lửa vào mặt cô bé đang quỳ.

 

Cuộc "xử" kết thúc bằng màn "nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường...", cô bé đang quỳ phải dập đầu lậy đám teen kia theo yêu cầu của chúng như tế sao... như thể cô bé hiểu, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô không làm theo ý chúng.

 

Tôi hỏi cô cháu gái: "Con thấy video clip đấy hay lắm hả. Con có mặt ở đó sao không can ngăn các bạn?". "Dì ơi, dì có bị làm sao không. Con mà can thì chúng nó "xử" con ngay". "Thế bạn đó bị đánh vì tội gì?". "Vì nó đú bẩn","Đú bẩn là sao?". "Ôi giời. Là đeo hoa tai to tướng này, là đi guốc cao này...

 

Tối biết, cô cháu tôi không muốn nói chuyện tiếp với bà dì đã quá để hiểu về đời sống của lớp teen hôm nay. Chỉ có điều, tôi bất ngờ và thấy choáng, bởi nó cũng là đứa đứng ngoài hùa theo đám đông kia.

 

Trong trường hợp nó không thể can ngăn vì sợ bị trả thù, thì cũng có thể gọi người lớn, gọi thầy cô giáo đến giúp, chứ không thể đồng tình với nhóm nữ sinh đầu gấu kia. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ và buồn hơn cả, bởi đó lại là hành xử của một cô lớp trưởng mấy năm liền của một trường có tiến là học tốt  trên địa bàn Hà Nội.

 

Có thể nhận thấy sự "chuyên nghiệp" khi đánh bạn của nhóm teen nữ hổ báo khi chúng ra tay tát liên tục vào mặt nạn nhân, không thể cho nạn nhân có cơ hội phản kháng. Thường thì không có chuyện phản kháng bởi ai cũng biết "hai đánh một không chột cũng què", các cô bé nạn nhân hầu hết đều đứng im chịu trận hoặc chỉ dám giơ tay đỡ…

 

Chuyện mâu thuẫn, nói xấu hoặc ghen ghét rồi đánh nhau thì có lẽ ở thế hệ học trò nào cũng xảy ra, nhưng bây giờ, túm tụm xung quanh đám đánh nhau hầu như chỉ có những kể đồng hội đồng thuyền nên người ta chỉ thấy họ cổ vũ chứ không có người nào ra can ngăn.

 

Đáng xấu hổ nhất là góp mặt trong những đám ong ve ấy, không thiếu những gương mặt nam sinh, nhưng tuyệt nhiên, họ cũng như đám 9 vía  kia, chỉ thấy hò hét, chửi bậy, bình luận những câu vô văn hóa, tuyệt đối không có hành động nghĩa hiệp đứng ra hòa giải hoặc ngăn chặn.

 

Vô đối

 

Vô đối (không có đối thủ) được dùng để chỉ những teen nữ đầu gấu, cầm trịch ở trường. Cái sự vô này đối này được hiểu từ những màn đánh bạc hoặc tụ tập được quanh mình số đông đám o­ng ve. Ít nhất thì cũng phải lập được một "chiến tích" nào đó.

 

Ví như "bật thầy cô giáo choang choác" hoặc "lườm thầy hiệu trưởng", hoặc đánh nhau... Nữ sinh tên L. đi đâu cũng được các em lớp dưới chào, dù chẳng hề quen biết và những kẻ yếu mềm thế này, nếu nhận được một cái gật đầu hay một cái nhếc mép cười ruồi của đàn chị L. thì coi như đã "oai như cóc", hãnh diện với bạn bè rằng, mình cũng "quen biết chị ý".

 

Còn nếu đã được L. coi là bạn, là em thì có nghĩ rằng, không bao giờ bị ai bắt nạt, hoặc nếu bị bắt nạt, chỉ cần "mách" với L., ngay lập tức sẽ được hội đồng trọng tài hòa giải (nếu "quả kia" cũng ngang ngửa với L.), còn nếu cảm thấy "ăn được là ăn ngay" thì nghĩa là một trận chiến sẽ nổ ra mà phần thua luôn thuộc về số ít.

 

L. từng "làm hàng" ngay giữa sân trường để sau này xưng bá tranh chức "hổ báo" sau khi một đàn chị đã tốt nghiệp lên lớp 10, với màn "thái độ" kéo lê ba lô từ trong trường ra tới ngoài cổng, sau khi hạ nốc ao một cô bạn bằng cú "song phi" mới học. Trước hàng trăm cặp mắt "người hâm mộ" nhìn theo, đi giữa cảnh ấy, như anh chàng Vô Danh vào hành thích Vua Tần trong phim "Anh hùng", hẳn với tâm hồn cô bé thấy oai lắm.

 

Từ đó cô nàng không có đối thủ nghiễm nhiên trở thành "vô đối". L. còn nổi tiếng bởi tính cách sòng phẳng như con trai, mời bạn bè ăn, cô nàng sẵn sàng bỏ tiền ra chiêu đãi, nhưng nếu bạn bè chỉ cần vay 10 nghìn đồng, thì cô nàng sẽ tính lãi mỗi ngày... 2 nghìn.

 

Cũng vì một vụ vay 10 nghìn đồng từ năm ngoái không trả, mà mới đây, L. lại sưu tập được thêm "thành tích" đánh người của mình bằng 1 video clip với vô số "ong ve" bu quanh cổ vũ. Không chỉ được các teen nữ "nể" mà cô nàng còn được đám teen nam lún phún râu ái ngại không kém khi nhắc đến.

 

Nhiều trường THCS bây giờ cũng xảy ra tình trạng xưng bá của một số nữ sinh, đặc biệt tập trung nhiều ở những trường chất lượng dạy và học thuộc hạng trung bình. Đánh bạn trong toilet, cãi thầy cô giáo, bị đình chỉ học tập... là những "chiến tích" đầu tiên để chứng tỏ bản lĩnh có thể cầm trịch được hay không…

 

Trong các vụ "xử" nhau - từ các teen hay dùng để chỉ những màn đánh bạn vì mâu thuẫn nào đó, cũng có thể chỉ là lý do cực kỳ trời ơi, như nó xinh hơn mình, nó nhiều tiền hơn mình, nó có người yêu là hotboy, thậm chí có thể chỉ là lý do nó có đôi hoa tai nhìn... ngứa mắt.

 

Đại loại thế, là bắt đầu một màn hành "xử" có thể được diễn ra. Ban đầu là những cú gây sự để lấy lý do. Cố tình đi xô vào kẻ sắp bị "xử", giẫm vào chân hoặc làm cách nào đó để con mồi nhăn mặt và nếu "trót dại" chửi lại 1 vài câu thì càng tốt. Như thế cái cớ để xử càng dễ dàng hơn. Chỉ có điều cả "nạn nhân" và "thủ phạm" trong những vụ giải quyết ân oán này đều không muốn "giải quyết nội bộ", không muốn cho người thứ 3 biết.

 

Vì thế, cũng dễ hiểu khi nhiều phụ huynh thấy con gái mình đi học về với vết đỏ ửng mặt lại được nghe chú thích là" con bị ngã". Trong cặp sách của đám teen nữ "hổ báo", ngoài sách vở còn có thêm 1 cái áo thun, lỡ mà đánh nhau bị giật đứt cúc áo còn có cai mà thay. Còn nếu mà "pờ rồ" hơn thì mặc áo thun bên trong, cho đối phương tha hồ giật cúc.

 

***

 

Có một điều mà teen nữ không nhận thức được rằng, người khổng lồ lớn hơn, mạnh hơn không phải vì giẫm đạp lên lưng kẻ khác yêu hơn đặt lên vai mình. Bày tám, chín người đánh 1 người thì có gì là khó.

 

Dùng số đông để bắt kẻ yếu hơn phải phục tùng thì đó gọi là hành động tầm thường của những kẻ tầm thường. Kiểu xưng bá như thế không được gọi là oai hùng, không đáng mặt cáo chồn chứ đừng nói là hổ báo. Vì thế, hy vọng đó chỉ là những nhận thức sai lệch nhất thời ở cái tuổi "dở hơi" và cũng hy vọng, lớn hơn một chút, các em sẽ trở về với bản tính dịu dàng vốn có của phái nữ.

 

Theo An Ninh Thế Giới/Giadinhnet