“Bước ngoặt” của một cô gái gốc Việt
Sau ba tháng ở Việt Nam, cô gái gốc Hà Nội Nguyễn Trà My, sinh năm 1987, định cư tại Australia đã có những biến đổi sâu sắc trong suy nghĩ. Với bài làm văn có tiêu đề “Bước ngoặt” (Turning point), Trà My không chỉ thể hiện được sâu sắc tình cảm của một người con xa quê mà còn gợi mở nhiều vấn đề về dạy và học ở Việt Nam hiện nay.
Xin giới thiệu bài văn này qua bản dịch tiếng Việt của Hoàng Nguyễn Thục Hiền:
...“Home sweet home”, bố nói khi hai bố con tôi bước ra ban công. Bố bảo tôi được vào trường Việt-Đức, một trường trung học có tiếng ở Hà Nội. Mải nhìn niềm vui rạng rỡ trên mặt bố, tôi không để ý bố còn nói gì nữa. Với bố, rõ ràng là bố đang ở tại quê hương của mình. Nói xong bố đi vào trong, vẫn với nụ cười thật tươi. Tôi nhìn xuống phố, hứng thú theo dõi dòng xe máy, xe đạp luồn lách nối đuôi nhau vào buổi bình minh. Đây là chuyến về Việt Nam đầu tiên của tôi ở lứa tuổi chớm lớn. Mỗi lần tôi trở về, dường như Việt Nam chẳng có gì thay đổi, nhưng tôi vẫn thấy khác. Có lẽ vì tôi đã thay đổi. Tôi thấy một nhóm nữ sinh đang cười rúc rích đạp xe tới trường. Tà áo dài trắng của họ phấp phới trong gió thật đẹp. Gần đó, mấy khách du lịch chuẩn bị qua đường, nhưng vẻ mặt hốt hoảng khiến họ giống như sắp bước vào đấu trường. Tôi cười, nhưng cũng hơi bối rối, vì tôi thấy mình giống những người nước ngoài đó hơn những cô gái Việt Nam kia.
Chiều hôm đó, tôi được biết là Hoa, người giúp việc nhà bà nội tôi, cũng bằng tuổi tôi. Hoa vào phòng quét nhà đúng lúc tôi đang xem tivi. Tôi không biết mình có nên tiếp tục xem tivi nữa hay không. Tôi có nên nhấc chân lên để bạn ấy quét không? Tôi có nên rời khỏi phòng? Chẳng biết làm gì, tôi đành ngồi yên, cảm thấy hơi ngượng và không thoải mái. Tôi 15 tuổi, luôn có gia đình kế bên; tôi làm thêm chỉ để trả hóa đơn điện thoại di động và son môi cho mình. Hoa, 15 tuổi, phải sống xa gia đình để đi làm công việc dọn dẹp, kiếm tiền giúp cha mẹ trả học phí cho 3 cậu em trai.
Sáng thứ hai, bố đánh thức tôi dậy lúc sáu giờ. Tất nhiên là Hoa đã bắt đầu công việc từ một tiếng trước đó và đã chuẩn bị xong bữa sáng. Hoa bưng cho tôi một tô phở. Khi lí nhí cám ơn, tôi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của Hoa, trước khi Hoa nhè nhẹ gật đầu với tôi.
Đúng 7 giờ, trống trường vang lên. Tôi bước vào phòng học nhỏ cùng với thầy giám thị khối 10. "Đây là bạn Trà My, bạn từ Australia về và sẽ cùng học với chúng ta trong vài tháng tới..." Giọng thầy nhỏ dần khi cả lớp vỗ tay. Tôi cảm thấy bớt lo lắng. Trước khi ngồi vào chỗ, tôi ngượng nghịu cười và vẫy tay chào cả lớp, cảm nhận được 55 cặp mắt tò mò đang dõi theo mình. Thầy giám thị rời khỏi lớp và cô giáo bắt đầu tiết học. Đây là tiết Văn và cô dặn tôi đừng lo nếu không hiểu hết. Cô bắt đầu đọc đoạn phân tích một tác phẩm trong khi học sinh ngồi dưới cuống quýt ghi chép từng lời của cô. Tôi tranh thủ quan sát xung quanh: tường lớp học màu nâu, bàn ghế thẳng hàng, cũng màu nâu. Mọi thứ đều gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Mọi cái đầu đều cúi xuống, trừ tôi.
Nhiều tuần trôi qua, những người bạn cùng lớp đã trở thành bạn tôi. Họ tò mò muốn biết về cuộc sống của tôi cũng như tôi tò mò về cuộc sống của họ, nếu không nói là còn hơn thế nữa. Qua câu chuyện của họ và những gì tôi quan sát được, tôi thấy nền giáo dục ở Australia và ở đây khác nhau hoàn toàn. Tôi nghĩ về điều này vào một buổi chiều, trong khi đang lê bước về nhà sau một ngày học mệt mỏi, vừa đi vừa dán mắt xuống nền đường bêtông xám xịt. Học ở đây, tôi bị tụt lại đằng sau. Trong khi ở Australia, tôi mới chỉ được học một môn tổng quát là "Khoa học" thì tại Việt Nam, học sinh đã được đào tạo chuyên sâu vào các môn Hóa học, Vật lý và Sinh học từ lớp 7. Khả năng tiếng Anh của họ, dù chỉ là một môn ngoại ngữ, thật đáng nể, khiến tôi cảm thấy mấy năm học tiếng Pháp của mình đến là thảm hại.
Nhưng bất chấp sự hiểu biết vượt trội của họ về các môn kỹ thuật, ngay cả tôi cũng nhận thấy rằng nhìn chung, hệ thống giáo dục khiến họ bị thiệt thòi. Không có thí nghiệm cho các môn khoa học, không có hoạt động ngoại khóa, không cắm trại, không sân thể thao, đến một cọng cỏ cho sân bóng cũng chẳng có. Không hề có tranh luận trên lớp, và không hề có học sinh nào khác ý kiến với giáo viên. Tất cả mọi thứ ở đây dường như đều bị áp đặt, và học sinh không được tạo cơ hội để sáng tạo hay trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình. Thậm chí họ không có quyền được lựa chọn môn học. Tôi nhớ một người bạn của tôi than thở rằng: "Mọi trường đều phải tuân thủ chương trình giảng dạy chung, sử dụng cùng một loại sách giáo khoa và cùng một phương pháp. Để không bị tụt lại, tất cả những gì mà bọn tớ có thể làm là học, rồi học và làm đúng những gì mà người ta bảo bọn tớ làm".
Tất cả những người bạn của tôi đều có chung một mơ ước rằng một ngày nào đó có cơ hội được đi du học. Tôi là hiện thân giấc mơ của họ. Tôi bị sốc, bởi lúc bấy giờ, tôi chỉ mơ tới những anh chàng đẹp trai.
Tôi ngước nhìn con phố phía trước, trên vài trăm mét đường bêtông chốc chốc lại thấy xuất hiện những đứa trẻ, trạc bằng hoặc thậm chí kém tuổi tôi. Chúng là những đứa trẻ bán báo, đánh giày hay ăn xin. Tôi chẳng biết gì về cuộc sống của chúng, nhưng với tôi, hình như chúng đều là nạn nhân của hoàn cảnh. Tôi cảm thấy bối rối. Sao tôi lại thương hại những người bạn học mà, nếu đem so với những đứa trẻ bất hạnh này, còn có biết bao cơ hội? Còn tôi, những cơ hội mà tôi nắm trong tay nằm ngoài tầm với của những đứa trẻ này, đến mức ngay cả trong những giấc mơ viển vông nhất chúng cũng không dám nghĩ tới. Những đứa trẻ ấy không thể tưởng tượng nổi cuộc sống với vô vàn những cơ hội của tôi.
Về gần tới nhà, tôi thoáng thấy bóng Hoa từ xa. Hoa vừa đi chợ về, đang phải đánh vật với hai cái làn tre trông có vẻ nặng hơn cả chính cô. Tôi muốn khóc nhưng không khóc được. Khi tôi quay đi, bóng Hoa biến dần vào phía sau những tòa nhà cao tầng xám xịt, những lùm cây khô héo, tàn úa và những giàn giáo đầy bụi bặm...
Nhìn lại, lúc đó tôi không nhận ra mình thay đổi, nhưng vào một thời điểm nào đó, rõ ràng tôi đã thay đổi. Chỉ khi hồi tưởng lại, tôi mới có thể xác định đích xác cái giây phút khi tôi nhận ra cuộc sống xa hoa mà tôi đang được hưởng, và bắt đầu tự hỏi tại sao tôi lại có thể phàn nàn về cuộc sống mà tôi đang có. Khi trở lại Australia, những điều tôi ưu tiên trong cuộc sống đã được sắp xếp lại đôi chút. Tất nhiên tôi không thay đổi ngay tức thì. Nhưng dần dần, tôi bắt đầu chú tâm hơn vào việc học và ngày càng ít quan tâm về những thứ vật chất đã từng một thời là trung tâm cuộc sống của tôi. Chỉ sau khi biến đổi hoàn toàn, tôi mới nhận ra và biết ơn sự thay đổi sâu sắc trong tôi sau ba tháng ở Việt Nam.
Theo Quang Đức
Ngôi Sao