Bùi ngùi cái Tết xa quê của du học sinh

(Dân trí) - Ở nơi đất khách quê người, khát khao lớn nhất của các bạn du học sinh là cái tết sum họp bên gia đình, nhưng vì nhiều lí do mà không ít bạn trẻ phải bùi ngùi đón cái Tết xa nhà...

Trong khi ở Việt Nam không khí Tết đã tràn ngập khắp nẻo đường thì các bạn du học sinh ở nước ngoài vẫn còn bận rộn với học hành, thi cử, công việc part-time. Tuy không được trở về bên gia đình như nhiều bạn trẻ khác nhưng các bạn du học sinh vẫn dành cho mình một cái Tết mang màu sắc rất riêng.
 
Trong dịp này các bạn ấy có thể tụ tập bạn bè, ôn lại những truyền thống Tết ở Việt Nam và cùng bầu bạn tâm sự cho vơi đi nỗi nhớ nhà da diết...

Đỗ Kiều Oanh (du học sinh Pháp)

Bùi ngùi cái Tết xa quê của du học sinh

 
Năm nay là lần đầu tiên Oanh đặt chân lên mảnh đất Pháp nên nỗi nhớ nhà càng thêm phần da diết. Cô chia sẻ: “Ở Pháp họ không đón tết Âm lịch như người Việt mình mà chỉ đón Noel vào cuối tháng 12. Thế nên với họ, tết Âm lịch không có gì đặc biệt cả, bọn mình vẫn phải đi học bình thường.
 
Cũng giống như bao bạn sinh viên làm việc và học tập ở đây, mình thấy rất nhớ nhà, gia đình, nhớ hương vị tết quê nhà. Chỉ mong được sớm về với gia đình, cuộc sống ở đây tuy vui nhưng cũng rất cô đơn, không thể có được không khí ấm áp như tết quê nhà”.

Để vơi đi nỗi nhớ nhà trong những ngày này, các bạn du học sinh ở Pháp thường tụ tập nhau và tổ chức những hoạt động như gói bánh trưng, ăn uống, tổ chức các chương trình ca nhạc, thi miss, đi chùa cùng nhau... “Quây quần bên bạn bè giúp mình có cảm giác gia đình và bớt cô đơn”, Oanh chia sẻ.

Nguyễn Linh Chi (du học sinh Anh)

Bùi ngùi cái Tết xa quê của du học sinh

 
Đối với Linh Chi đây đã là năm thứ 3 cô phải đón một cái tết nơi xứ người nhưng nỗi niềm mong ngóng về Việt Nam vẫn không thôi khắc khoải. Linh Chi chia sẻ: “Ở Anh, Tết âm lịch không phải ngày lễ chính thống nên sinh viên chúng mình vẫn đi học, đến giảng đường bình thường.
 
Bên cạnh đó chi phí đi lại giữa 2 nước cũng khá tốn kém. Vì thế mà hầu hết chúng mình đều chọn ở lại để tránh không theo kịp tiến độ học.
 
Những ngày này nhìn mọi người update trên mạng xã hội về không khí tết ở Việt Nam, cũng giống như bao du học sinh khác, mình thấy cực kì nhớ nhà, nhớ không khí tết ở quê hương mình, nhớ cả hương vị tết nữa.
 
Nhưng may mắn là nơi mình sinh sống hiện nay, hội sinh viên hoạt động khá tích cực với nhiều chương trình giao lưu nên bản thấy đỡ cô đơn và cũng cảm nhận được không khí Việt trong lòng nước Anh gần gũi và ấm áp hơn”.

Các bạn ấy còn tổ chức các hoạt động thường niên vào Tết như gói bánh chưng, nấu mâm cỗ tất niên, xem táo quân, làm mâm cúng giao thừa. “Đối với du học sinh, Tết luôn là một giấc mơ được trở về bên gia đình”, Linh Chi chia sẻ.

Mai Nguyên Hạnh (du học sinh Trung Quốc)

Bùi ngùi cái Tết xa quê của du học sinh

 
Vì lịch thi giữa kì mà Nguyên Hạnh cũng không thể trở về Việt Nam đón tết cùng gia đình. Nguyên Hạnh chia sẻ: “Dù đã xa nhà 4 năm rồi nhưng năm nay là năm đầu tiên mình đón Tết nơi xứ người.
 
Có lẽ mình may mắn hơn các bạn du học sinh bên phương Tây bởi ở Trung Quốc họ cũng tổ chức tết trùng với tết Việt Nam. Khi ở ViệtNamđón tết thì bên này cũng nhộn nhịp không kém, nhưng dù sao đi nữa thì phải đón một cái tết xa nhà cũng là điều thật sự cô đơn và buồn.

Những ngày này, trường của chúng mình thường làm cơm tất niên cho tất cả lưu học sinh không về ăn Tết. Kì nghỉ tết, các lưu học sinh Việt Nam thường tụ tập nhau lại nấu những món ăn truyền thống vừa là để đón tết vừa là để bớt nhớ nhà. Một số khác có thể kéo nhau đi du lịch”.

Lưu Tuấn Hiệp (du học sinh Nhật Bản)

Bùi ngùi cái Tết xa quê của du học sinh

 
Năm nay cũng là năm mà bạn Lưu Tuấn Hiệp phải đón một cái tết xa quê. Hiệp chia sẻ: “Cuộc sống bên Nhật khá nhanh, hầu như ai cũng cuốn theo vòng xoay của công việc và học hành thi cử.
 
Không khí tết ở bên này không đông vui, nhộn nhịp như cái tết ở ViệtNam nên những ngày này mình càng nhớ nhà hơn, nhớ hương vị tết Việt Nam. Đặc biệt mình rất nhớ những món ăn đặc trưng của Việt Nam khi tết về như bánh chưng, dưa hành, giò mỡ. Nhìn một số bạn bè của mình được về Việt Nam đón tết mình cảm thấy có chút ngưỡng mộ và ghen tị.

Dịp tết bên này chúng mình được nghỉ rất ít, nên chỉ tranh thủ đi gặp bạn bè ở Tokyo, cùng nhau tổ chức một bữa tiệc nhỏ, ngồi nói chuyện với nhau, lên mạng xem không khí tết ở Việt Nam và chờ thời khắc giao thừa.”

Mỗi bạn du học sinh là mỗi cảm xúc về một cái Tết xa nhà nhưng họ đều tựu chung lại ở nỗi nhớ nhà sâu sắc và tấm lòng luôn hướng về Việt Nam.

Nguyễn Ngọc