Bốn “nhà leo núi” Olympia trước giờ G
Chỉ còn 1 ngày nữa sẽ diễn ra trận chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 7. Bốn “nhà leo núi” đều tự tin bước vào “trận chiến” cuối cùng.
Lê Viết Hà: Tích luỹ kiến thức suốt đời
Nhất cuộc thi quý thứ nhất, là người đầu tiên lọt vào trận chung kết năm, Lê Viết Hà (THPT Chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) có tới 9 tháng để chuẩn bị cho "trận chiến" quyết định này. Theo Viết Hà thì đây vừa là lợi thế, lại vừa là áp lực lớn bởi tuy thời gian chuẩn bị lâu hơn nhưng cũng chính vì quãng thời gian này quá dài nên mất đà "thừa thắng xông lên". Sự chờ đợi quá lâu cũng khiến Hà hơi mệt.
Trong suốt 9 tháng qua, song song với việc đảm bảo bài vở trên lớp, Viết Hà duy trì cường độ đọc sách như bình thường, khoảng 30 phút mỗi ngày. Hà chia sẻ: "Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi đòi hỏi kiến thức rất rộng, cần phải tích hợp hiểu biết trên nhiều lĩnh vực. Em cho rằng những kiến thức đó rất có ích cho công việc và cuộc sống của mỗi người. Vì vậy, dù có dự thi cuộc thi này hay không thì em vẫn cố gắng tích luỹ kiến thức đa dạng mỗi ngày".
Kho kiến thức khổng lồ mà Viết Hà thường mày mò từ 3 đến 4 tiếng mỗi ngày chính là internet. Cứ học bài xong là Hà bật máy tính lướt web đọc báo, học tiếng Anh, tìm kiếm thông tin và tư liệu.
Khi online, Hà có một nickname bằng tiếng Anh khá đặc biệt, dịch nghĩa tiếng Việt là "sống vì Việt Nam". Giải thích cho nickname độc đáo này, Hà tâm sự: "Mỗi người đều có một lý tưởng, và lý tưởng của em chính là được cống hiến thật nhiều cho đất nước của mình".
Cũng chính vì thế mà Hà mơ ước trở thành kỹ sư điện tử viễn thông để "đưa ngành điện tử viễn thông VN sánh ngang với các nước trên thế giới".
Đến Hà Nội vào lúc 22 giờ đêm 29/3, Việt Hà đã lên kế hoạch 2 ngày tới sẽ đi lòng vòng xung quanh Hà Nội để tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá và cuộc sống của mảnh đất này. Hà bảo: "Bây giờ là lúc nghỉ ngơi, cho đầu óc thư giãn, thoải mái để có tinh thần tốt nhất bước vào trận chung kết".
Đánh giá về các "đối thủ" trong trận chung kết sắp tới, Hà nhận xét: "Là cô gái duy nhất, nhưng bạn Thu Hà lại bình tĩnh hơn cả 3 bạn trai còn lại. Việt Phú và Đức Giang thì rất "lanh", thông minh, sắc sảo. Em nghĩ cơ hội chia đều cho cả 4 chúng em".
Trần Thị Thu Hà: Mỗi ngày trả lời 200 câu hỏi trắc nghiệm trong 2 năm
Là nữ thí sinh duy nhất vào trận chung kết nhưng cũng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là cô gái nhỏ nhắn Trần Thị Thu Hà. Với kỷ lục lập hat-trick, 3 lần liên tiếp giải được từ chìa khoá trong 3 buổi thi tuần, tháng và quý, Thu Hà khiến tất cả những "đối thủ" còn lại đều rất dè chừng.
Đặc biệt trong cuộc thi quý, vừa giành 10 điểm cho từ hàng ngang đầu tiên, chưa để các bạn chơi kịp định hình ô chữ, Hà đã nhanh tay bấm chuông và tự tin trả lời từ chìa khoá.
Hà tâm sự: "Đó cũng là một may mắn thôi. Em thích đọc sách về các danh nhân. Khi thấy từ hàng ngang đầu tiên là "Gan", em nhớ lại một cuốn sách viết về các giáo sư Việt Nam và đoán ngay ra từ hàng dọc là bác sỹ Tôn Thất Tùng".
Chia sẻ bí quyết tìm từ chìa khoá, Hà cho biết: "Trước mỗi từ hàng ngang, em đều khoanh vùng và liên tưởng những khả năng có thể xảy ra rồi chọn đáp án có nhiều khả năng nhất. Dùng phương pháp loại trừ sẽ nhanh chóng tìm ra từ hàng dọc. Điều quan trọng là phải thật tập trung vào câu hỏi".
Từ khi mới học lớp 7, lớp 8, Hà đã chăm chú theo dõi tất cả các buổi thi Đường lên đỉnh Olympia vào sáng chủ nhật hàng tuần và còn rủ anh trai ngồi trước tivi thi đấu "tay bo".
Hàng năm, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Nghệ An) nơi Thu Hà đang theo học đều tổ chức một cuộc thi mang tên "Tài trí học đường" mô phỏng theo "Đường lên đỉnh Olympia". Ngay từ năm học lớp 10, Thu Hà đã xuất sắc vượt qua nhiều vòng thi để lọt vào vòng chung kết "Tài trí học đường" và "qua mặt" cả các anh chị lớp 11, 12 để giành chiến thắng trong trận chung kết. Các thầy, cô giáo trong trường đều vô cùng bất ngờ trước vốn kiến thức và bản lĩnh của cô học trò lớp 10.
Nhìn thấy khả năng của Hà, biết đây là "hạt giống" quý cần được chăm sóc, nhà trường đã lên kế hoạch bồi dưỡng để Hà đi thi "Đường lên đỉnh Olympia".
Hàng ngày, mỗi bạn trong lớp được phân công chuẩn bị 5 câu hỏi dạng trắc nghiệm về mọi lĩnh vực đến cho Hà trả lời. Cả lớp Hà có tới 45 HS, tức là mỗi ngày Hà phải trả lời tới hơn 200 câu hỏi. Nếu trả lời sai thì hôm đó phải về tìm tài liệu và hôm sau đến trả lời lại. Cứ như thế ròng rã gần 2 năm, kho kiến thức của Hà hiện nay đã rất phong phú.
Thầy Phan Văn Thành, giáo viên môn Văn của Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn cho biết: "Thu Hà có trí nhớ rất tốt, hầu như những kiến thức đã đọc, đã học, Hà đều không quên. Bên cạnh đó, bản lĩnh và sự tự tin cũng là ưu thế của Hà".
Trần Việt Phú: Sẽ là Lê Vũ Hoàng thứ 2?
Xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh đến từ các trường THPT danh tiếng như Lam Sơn (Thanh Hóa), Thái Phiên (Hải Phòng), Amsterdam (Hà Nội), cậu học trò đến từ vùng quê nghèo Kim Sơn (Ninh Bình) Trần Việt Phú đã trở thành thí sinh thứ ba giành quyền vào thi trận chung kết.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ làm ruộng, các anh chị làm ăn sinh sống ở miền Nam nhưng Việt Phú đã vượt lên khó khăn, giành kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Từ lớp 1 đến lớp 11, Phú liên tục đạt danh hiệu HS giỏi và HS tiên tiến.
Đối với Phú, yếu tố quyết định để giành chiến thắng trong "Đường lên đỉnh Olympia" không phải là bản lĩnh hay sự nhanh nhạy mà chính là kiến thức. Vì thế, Phú luôn miệt mài đọc sách để làm giàu vốn kiến thức của mình.
Trong nhiều tháng liền, kể từ khi Phú giành chiến thắng tại cuộc thi quý thứ ba, các thầy, cô giáo ở Trường THPT Kim Sơn B nơi Phú đang theo học đều dành mỗi tuần 2 buổi để bổ túc kiến thức cho Phú. Những phần kiến thức được cho là dễ xuất hiện trong "Đường lên đỉnh Olympia" đều được các giáo viên trong trường sắp xếp, tổng hợp và bồi dưỡng cho Phú.
Đến trận chung kết với hành trang là kiến thức vững vàng và tinh thần vượt khó học hỏi từ đương kim vô địch Lê Vũ Hoàng, cậu học trò Trần Việt Phú hứa hẹn sẽ đem lại những điều bất ngờ với cả "đối thủ" và khán giả. Phú tâm sự: "Em rất mong muốn được lặp lại thành tích của anh Hoàng, nhưng đôi khi chiến thắng còn phải nhờ đến may mắn".
Nguyễn Đức Giang: Không còn là "chuyên gia" giành giải... bét
Là thí sinh cuối cùng ghi tên mình vào trận chung kết, Nguyễn Đức Giang cho rằng thời gian chuẩn bị ít hơn cũng có khi không phải là bất lợi mà lại là ưu thế vì mình có thể sẽ là một "ẩn số" đối với những bạn thi trước. Các bạn có lẽ hơi bất ngờ và chưa kịp tìm ra phương án "đối phó".
Luôn dẫn đầu lớp trong những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hoá nhưng Giang lại đặc biệt say mê đọc sách văn học và lịch sử. Hồi còn bé, nhà không có điều kiện mua sách nên cứ vớ được cuốn nào là Giang lại đọc ngấu nghiến. Cảm phục trước tấm lòng mê sách của Giang, nhiều bạn bè, người quen thường cho Giang mượn sách rồi "giả vờ" quên không đòi lại. Sau nhiều năm tích góp, tủ sách ở nhà Giang đã lên tới 300 cuốn.
Đã từng "chạm trán" nhau tại cuộc thi tuần, Lê Viết Hà đánh giá Đức Giang là "đối thủ" rất "lanh", rất thông minh còn Giang lại cho rằng mình quá cẩu thả. Vì tính cẩu thả này mà trong mọi cuộc thi, Giang đều chỉ giành giải khuyến khích. Bất ngờ, năm lớp 12, Giang lại được giải nhất cuộc thi Giải toán bằng máy tính.
Ở Trường THPT Nhị Chiểu cũng tổ chức một cuộc thi tương tự "Đường lên đỉnh Olympia" mang tên "Tài trí trẻ" hàng năm nhưng trái với Thu Hà "đánh đâu thắng đấy", lần nào thi, đội của Giang cũng chỉ giành giải... bét. Vì thế, việc Giang được lọt vào trận chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" cũng là một bất ngờ.
Giành chiến thắng ngoạn mục nhờ chiến thuật hợp lý, Giang bật mí rằng, muốn chiến thắng trong bất cứ cuộc thi nào cũng phải có chiến thuật, nhất là những cuộc đấu trí.
Trong "Đường lên đỉnh Olympia" Giang "ngán" nhất là các câu hỏi IQ nhưng đa số đều trả lời được hết. Hàng tuần Giang đều theo dõi cuộc thi qua truyền hình và thường trả lời được 70% đến 80% số câu hỏi. Vì thế, Giang rất tự tin bước vào "trận chiến" quyết định sắp tới.
Theo Lan Hương
Vietnamnet