Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt

Hồng Minh

(Dân trí) - Từ niềm say mê từ nhỏ với tác phẩm Truyện Kiều, Phạm Đức Hạnh đã tái hiện những phân đoạn chính trong cuộc đời Thúy Kiều thành tranh đồ họa, với chất liệu chính là công nghệ mô phỏng màu nước.

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 1

Là một người con của quê hương Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du nên Đức Hạnh ấp ủ dự án thực hiện bộ tranh minh họa Truyện Kiều bằng các thiết kế đồ họa hiện đại, với mong muốn mang tác phẩm truyện thơ kinh điển này đến gần hơn với công chúng.

Họa sĩ trẻ Phạm Đức Hạnh (sinh năm 1997) là tân cử nhân khoa Thiết kế đồ họa, trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Chia sẻ về niềm đam mê của mình, 9x Hà Tĩnh cho biết: “Mình là một người con của quê hương Hà Tĩnh, quê của Đại thi hào Nguyễn Du nên mong muốn các thế hệ trẻ hiện đại tiếp cận với Truyện Kiều một cách mới mẻ nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá Việt Nam và các hoạ tiết hoa văn thời Hậu Lê - Tây Sơn.

Qua đọc các đoạn thơ, và các nút thắt thay đổi cuộc đời nhân vật chính Thúy Kiều, mình chọn ra 12 cảnh chính để vẽ cho đồ án tốt nghiệp. Phong cách vẽ của mình là màu nước kết hợp hoa văn hoạ tiết lịch sử, theo lối trang trí khơi gợi cho người xem nhiều hướng suy nghĩ mở, cảm thơ.

Màu sắc cũng được tiết chế hợp với chất minh hoạ cho thơ và cũng mang màu sắc cổ xưa”. 

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 2

Phác họa các nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều. 

Khi được hỏi về lựa chọn ngành đồ họa, Hạnh cho biết: “Mình đam mê hội họa, thiết kế từ nhỏ, còn bắt đầu tìm hiểu và lựa chọn theo ngành đồ họa là từ lớp 10.

Mình bắt đầu định hướng và xin phép mẹ được học vẽ ôn thi và thi đại học từ những năm cấp 3. Phong cách mình lựa chọn cho những sáng tác của cá nhân là trẻ trung, phá cách, khác biệt với màu sắc hiện đại”.

Hạnh bắt đầu nghiên cứu sâu Truyện Kiều và lên kế hoạch thực hiện đề tài này cho đồ án tốt nghiệp từ khoảng cuối năm 2019.

“Mình đã thay đổi rất nhiều lần, từ tháng 11 năm ngoái. Từ việc phác họa nhân vật, vẽ một tập tranh minh họa nhưng lại không ưng, nên mình thay đổi phong các hoàn toàn, và chỉnh sửa, vẽ mới vẽ lại,sáng tạo bộ nhân vật mới... để đến tháng 6/2020, mình mới có được kết quả cuối cùng.

Đồ án của mình cũng được nhận nhiều góp ý và xây dựng từ giáo viên hướng dẫn Bùi Minh Hải, và qua các lần duyệt khoa, duyệt trường có góp ý của hội đồng. Mình rất vui khi đồ án đạt điểm số 8,6.” 

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 3

Minh họa bìa sách với hình ảnh Thúy Kiều cùng nét đượm buồn đặc trưng

12 nút thắt mà Đức Hạnh lựa chọn để thực hiện tác phẩm vẽ minh họa là: giới thiệu hai chị em Thúy Vân – Thúy Kiều, Kiều thăm mộ Đạm Tiên, Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kiều rơi vào tay Mã giám sinh và Tú bà, Kiều mắc lừa Sở Khanh, Kiều gặp Thúc Sinh, Kiều và Hoạn thư, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo ân trả oán, Kiều tự vẫn, Kim Trọng đi tìm Kiều và Đoàn tụ.

“Với những nút thắt cuộc đời Kiều, việc vẽ minh họa sẽ mang lại cảm giác chân thực hơn, thú vị hơn đối với người đọc, gợi cho người đọc thêm nhiều suy nghĩ, và thấm nhuần vào thơ Nguyễn Du về số phận của một Thuý Kiều – tài hoa bạc mệnh”, 9x cho biết.

Để hoàn thành tác phẩm, Đức Hạnh đã dành thời gian nghiên cứu các yếu tố lịch sử thời Hậu Lê – Tây Sơn như kiến trúc, hoa văn họa tiết, trang phục, cách búi tóc, tính cách, cá tính, dáng hình và chân dung các nhân vật.

Tân cử nhân 9X cho biết sử dụng kỹ thuật mô phỏng màu nước với những thuộc tính của màu là trong suốt và nhẹ nhàng, có khả năng thể hiện được chi tiết nhân vật, tạo ra được những vết loang và độ chuyển êm khiến khung cảnh trở nên mềm mại.

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 4

Giới thiệu nhan sắc chị em Thúy Vân – Thúy Kiều

Khi đăng tải bộ tranh, Đức Hạnh rất bất ngờ khi những tác phẩm của mình được đông đảo cư dân mạng nói chung và những người trong lĩnh vực mỹ thuật, thiết kế nói riêng hưởng ứng và dành nhiều lời khen ngợi.

Sự mềm mại, lãng mạn của một kiệt tác truyện thơ kinh điển được kết hợp với những mảng màu tươi sáng, hiện đại một cách nhuần nhuyễn, khiến những bức vẽ trở nên gần gũi và dễ dàng in sâu vào tâm trí người xem.

“Mình nhận thấy việc kết hợp nét vẽ cổ điển với màu sắc hiện đại sẽ tạo nên sự “thơ” lãng mạn, nhưng bên cạnh đó vẫn không mất đi tính lịch sử, truyền thống của tác phẩm.

Điều đó tạo nên một “Truyện Kiều” dưới một góc nhìn hoàn toàn khác, dẫn dắt người đọc đến với Truyện Kiều y như trong suy nghĩ của Nguyễn Du muốn truyền đạt đến bạn đọc”, 9x chia sẻ.

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 5

Mô phỏng cảnh tết Thanh Minh, hai chị em đi tảo mộ ngày xuân

Tâm sự về sự khắc nghiệt của nghề thiết kế, 9x bộc bạch: “Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thẩm mĩ của con người cũng tăng lên. Mình tin rằng nghề nào cũng có sự vất vả, thử thách của nó.

Nhưng chính những khó khăn trong ngành thiết kế lại là cơ hội để những designer thực sự tâm huyết và kiên trì có thể phát triển. 

Bởi vậy, mình chỉ biết cố gắng hết mình và dành tất cả sự chăm chút trong từng tác phẩm. Công chúng, khách hàng sẽ là những “trọng tài” công tâm nhất, quyết định ai là người xứng đáng trụ lại với nghề.”

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 6

Hình ảnh Thúy Kiều – Kim Trọng trao nhau lời thề ước

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 7

Bối cảnh Kiều bị bắt vào lầu xanh

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 8

Hình ảnh Thúy Kiều trầm mình xuống sông tự tử được tác giả mô phỏng kĩ lưỡng với hình ảnh sóng nước, gương mặt bất lực của nhân vật chính.

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 9

Khung cảnh “Kiều ở lầu Ngưng Bích khóa xuân” với ánh tà dương buồn bã

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 10

Chân dung Thúc Sinh – một trong những người có ảnh hưởng đến cuộc đời Thúy Kiều

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 11

Nhân vật Hoạn Thư được khắc họa với gương mặt sắc sảo, đanh đá

Bộ tranh minh họa truyện Kiều của nữ sinh Hà Tĩnh gây sốt - 12

Hình ảnh Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, được lồng ghép khéo léo với hình ảnh đôi bàn tay của vãi Giác Duyên nâng đỡ, cứu vớt cuộc đời Kiều.