Bỏ học để khởi nghiệp - Có nên “đốt cháy giai đoạn” tới thành công?

(Dân trí) - Việc khởi nghiệp luôn đem đến nhiều cảm hứng cho bạn trẻ. Để hiểu thêm về câu chuyện của những người trẻ khởi nghiệp, hãy cùng đến với góc nhìn của Quách Đức Anh, một người có nhiều trải nghiệm trong vấn đề này.

 

Thông tin nhân vật

 

Họ và tên: Quách Đức Anh

 

Ngày sinh: 27/02/1989

 

Quá trình học tập:

 

- Tốt nghiệp khoa Pháp luật Quốc tế - ĐH Luật Hà Nội (2011)

- Học tập và nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Pháp luật Nhật Bản JLC, hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội và Đại học Tổng hợp Nagoya - Nhật Bản (2007 - 2010).

- Tốt nghiệp trường Văn hóa và Ngôn ngữ Jisshugakkan - Tokyo (2012)

- Nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản ở Tokyo (2011-2013)

 

Một số hoạt động và thành tích:

 

- Giải nhất cuộc thi Thuyết trình bằng tiếng Nhật dành cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (2012).

- Giải 3 cuộc thi hùng biện toàn trường ĐH Luật (2011).

- Sáng lập CLB Ý chí Việt.

- Tác giả của cuốn sách “Chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ”. (2012)

- Ủy viên ban chấp hành Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (2012)

 

Trước việc giới trẻ rào rào mở công ty, trung tâm ngoại ngữ, bán hàng qua mạng... Đức Anh nhìn nhận như thế nào?

 

Tôi cho rằng trong tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay, đặc biệt là khi tỷ lệ thất nghiệp của các bạn sinh viên tốt nghiệp năm 2012 vừa rồi lên tới 62%, thì việc một số bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp như vậy là rất tốt.

 

Chúng ta đang chứng kiến ở đây một làn sóng mạnh mẽ của các bạn trẻ mong muốn làm chủ cuộc đời mình. Thay vì ngồi chờ đợi những điều chỉnh từ nhà nước hay những cải tổ nhân sự của doanh nghiệp, tự khởi nghiệp - tự tạo ra cơ hội và mở ra con đường cho mình là một lựa chọn dũng cảm và thể hiện rất rõ tinh thần mạnh mẽ của tuổi trẻ.

 

Mặc dù khởi nghiệp là một con đường rất khó khăn, nhưng nếu các bạn khởi nghiệp thành công thì không chỉ đem lại giá trị cho bản thân và xã hội, mà còn đem lại cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ khác.
 
Bỏ học để khởi nghiệp - Có nên “đốt cháy giai đoạn” tới thành công?
Đức Anh khẳng định việc khởi nghiệp của bạn trẻ hiện nay rất dễ dàng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế ảm đạm.

 

Theo bạn, giới trẻ khởi nghiệp thường gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

 

Thuận lợi là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ, hiện nay với sự giúp sức của internet, các trang mạng xã hội như facebook, các công cụ tìm kiếm như google, các bạn trẻ chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối mạng internet là hoàn toàn có thể khởi nghiệp được. Ví dụ mở cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm tại nhà chẳng hạn.

 

Tuy nhiên vào thời điểm kinh tế thế giới và Việt Nam đang khó khăn thế này thì việc khởi nghiệp thật sự rất khó. Mọi người đều thắt chặt chi tiêu, nên những dịch vụ mới sẽ ít có cơ hội được thị trường đón nhận.

 

Đặc biệt nếu khởi nghiệp thất bại thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn. Sự thực 10 người khởi nghiệp thì chỉ có 1 người thành công. Có những người sau khi thất bại, không những không hoàn được vốn mà còn nợ nần bạn bè, tôi có một vài người bạn đã phải bỏ đi biệt xứ vì nợ lên tới vài trăm triệu, không thể trả nổi.

 

Thất bại không chỉ là mất tiền, bạn sẽ còn đánh mất uy tín, lần sau sẽ không có ai dám cho bạn vay tiền hay hợp tác với bạn nữa. Và bạn cũng sẽ khó để có động lực dám làm lại sau khi đã gặp thất bại lớn.

 

Đức Anh suy nghĩ thế nào về việc hiện tại có không ít bạn trẻ bỏ học để kinh doanh?

 

Theo tôi, việc bỏ học để kinh doanh là một lựa chọn khá rủi ro. Trong số những người bạn khởi nghiệp thành công mà tôi biết thì đa phần là những người học rất giỏi. Hầu hết mọi người đều có học lực ở mức xuất sắc, một số từng đi du học theo những học bổng lớn như Fulbright của Mỹ, MEXT của Nhật...

 

Đó toàn là những con người có đầu óc nhạy bén và khả năng tuy duy cực tốt. Có một vài người chưa lấy bằng tốt nghiệp đại học đơn giản là họ bị nợ 1 vài môn, chứ không phải là họ bỏ học. Việc nợ môn thường là do họ nghỉ học quá số buổi cho phép, hoặc không thích học...

 
Bỏ học để khởi nghiệp - Có nên “đốt cháy giai đoạn” tới thành công?

"Kinh doanh cũng giống như chiến trận, không quan trọng ai là người rút gươm ra đầu tiên, quan trọng ai là người tra gươm vào vỏ cuối cùng".
 

Bỏ học để kinh doanh liệu có phải là cách để có thành công sớm?

 

Các bạn trẻ thường hiểu sai ở chỗ này, không phải vì bỏ học mà họ kinh doanh thành công. Họ thành công bởi vì có tài năng, tố chất, đầu óc, trực giác, kỹ năng... Nếu không có những thứ đó mà lao vào kinh doanh thì chỉ có thất bại, bỏ học thì càng thất bại thảm hại hơn vì sau đó bạn sẽ không có cả tấm bằng đại học trong tay.

 

Khởi nghiệp - hay xây dựng sự nghiệp là một hành trình dài, không phải cứ làm ngay là tốt. Có nhiều thứ phải cần nhiều thời gian tích lũy và đúng thời điểm mới khởi sự được. Tôi biết những người bạn sau khi đi làm 3 - 5 năm mới tách ra mở công ty, và trong số đó có những công ty đạt doanh số hàng chục triệu USD/năm. Vì khi đó họ đã ở một tầm tư duy khác, có những mối quan hệ lớn... và có thể làm được những việc lớn hơn một cậu sinh viên rất nhiều.

 

Khởi nghiệp sớm hay muộn không phải là yếu tố quyết định. Một người thầy từng dạy tôi: "Kinh doanh cũng giống như chiến trận, không quan trọng ai là người rút gươm ra đầu tiên, quan trọng ai là người tra gươm vào vỏ cuối cùng".

 

Vậy học đại học là thực sự cần thiết, quan trọng đối với việc khởi nghiệp không?
 

Khi khởi nghiệp thì bạn sẽ cần am hiểu ít nhất là 2 thứ: một là về lĩnh vực bạn làm, hai là về kinh doanh, quản lý.

 

Ví dụ như tôi mở trung tâm tiếng Nhật, ngoài việc thành thạo về quảng bá, truyền thông, quản lý... còn phải rất am hiểu về tiếng Nhật và phương pháp giáo dục, như vậy mới có thể bảo đảm chất lượng lớp học. Nếu chỉ đơn thuần là quảng bá thật rầm rộ, chỉ 3 tháng sau người học sẽ bỏ đi hết vì họ hiểu rằng lớp học chẳng có gì thú vị ngoài những lời quảng cáo và hứa hẹn.

 

Thực tế 2 mảng kiến thức này bạn có thể hấp thu ở trên trường Đại học, hoặc tự tìm đọc trong sách vở, hoặc thu nhận từ trường đời. Nếu trường học có thể giúp bạn có được những kiến thức cần thiết cho sự nghiệp tương lai thì việc học ở trường là rất quan trọng.

 

Còn nếu học ở trường chưa đủ thì bạn cần phải chủ động tìm hiểu và học hỏi thêm từ bên ngoài. Bạn học ở đâu không quan trọng, nhưng tôi có thể khẳng định nếu bạn không học, không có kiến thức, thì làm gì cũng khó mà thành công.

 

Cảm ơn Đức Anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

 

Hoàng Dung