Bờ Hồ 6 giờ sáng

Ra Bờ Hồ 6 giờ sáng là khá muộn. Tuy vậy muộn còn hơn không, vì nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều thứ mà bờ khác hồ khác khó có.

Sống động, bình yên

Ngày nào cũng đi làm qua Bờ Hồ nhưng tôi mỗi năm chỉ lảng vảng nơi này đôi lần. Không có lý do chính đáng thì kiên quyết không ra. Đời là thế, nói mê sông hồ chỉ mê để đấy.

Hôm nay mò ra đây bởi nghiêm túc thực hành khóa học về ảnh báo chí hiện đại cơ quan tổ chức. Mọi người bảo nhau nên đi bộ hoặc taxi nhưng tôi thử xem có đúng là giờ đó thì xe máy vô duyên.


Bờ Hồ yên bình và ám ảnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bờ Hồ yên bình và ám ảnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thấy một đám đánh cầu lông dưới chân chiếc đồng hồ đếm ngược ngày nào, giờ dùng để chạy hình ảnh động quảng bá du lịch Hà Nội, tôi quẳng xe đấy tiện hỏi có ai trông thì gửi. Mấy đàn ông tươi tỉnh “Cứ vứt đấy đi đi không mất đâu”.

Quả nhiên hơn tiếng sau quay lại, trời mưa to, đám cầu lông đã giải tán không còn một mống nhưng chiếc xe vẫn bơ vơ chỗ cũ, dầm trong mưa trông hết sức đơn côi. Xong một phép thử. “Nhanh như kẻ cắp chợ Đồng Xuân”- câu này luôn thời sự còn Bờ Hồ chưa có thành ngữ tương ứng và cũng không ai nỡ dẹp món tài sản còm của mình vào chỗ hợp lý hơn.

Cứ tưởng sáng nay ra đây sẽ chỉ gặp đồng nghiệp thao tác, hóa ra đụng mỗi một người nhà, còn thì đâu ra lắm tay săn ảnh thế! Chốc lại hiện ra một tốp đồ nội đồ ngoại trầm tư đứng ngắm bấm. Có mỗi thảm hoa lộc vừng rụng đỏ ối mặt hồ mà đứng cả giờ đồng hồ nhìn trân trối, bấm lấy bấm để. “Một ngày như mọi ngày”, có lẽ vậy, bởi Hồ Gươm lúc nào chả là chủ đề được ưu ái.

Ông chủ hiệu may veston nổi tiếng Bảo Hưng nói trong đám cưới con Nguyễn Huy Thiệp: “Người Hà Nội không ai nói chán lên Bờ Hồ. Chán gì thì chán chứ không chán Bờ Hồ”. Ngày nào Nguyễn Huy Thiệp chả ngồi tán gẫu với bạn già Nguyễn Bảo Sinh ở cà phê Nhân phố Hàng Hành cách Bờ Hồ vài bước chân, có biết chán là gì đâu.

Ngày xưa ai chụp ảnh kiểu ma-ri sến sẽ bị trêu là phong cách Bờ Hồ, phong cách đền Ngọc Sơn. Giờ không còn khái niệm đấy nhưng phong cách phục vụ ở cà phê Thủy Tạ (Thủy Tọa) thì vẫn kiểu mậu dịch y như hồi xưa, khó ban cho khách nụ cười, đồ uống ít lựa chọn.

Đoạn đối diện phố Bảo Khánh cũng không hiểu từ bao giờ, dựng cái xà đơn nom như một khung hình lớn, trong hình hiện lên cảnh quan quá đẹp. Dưỡng sinh, múa quạt, chạy bộ xong thích thì đu vài nhát. Các nam “thợ dìu” (chữ của Tô Hoài) dìu nhau tập nhảy trông hóm hơn cặp nam nữ. Bờ Hồ có nhảy đầm lâu chưa nhỉ.


Một vẻ đẹp của Bờ Hồ 6 giờ sáng. Ảnh: DPV.

Một vẻ đẹp của Bờ Hồ 6 giờ sáng. Ảnh: DPV.

Một diễn viên đi vào khu vực Tháp Bút nơi cảnh khấn vái thành kính đang diễn ra. Nếu là chị, tôi sẽ chọn bộ đồ tập đỡ xoàng hơn. Chẳng gì cũng nghệ sĩ, và Bờ Hồ đâu phải góc sân khoảng trời nhà mình.

Nói chung ăn mặc ven hồ hồn nhiên đến lạ (ra đây sáng sớm để thể dục chứ đâu phải đi rước đèn, hẳn bà con nghĩ thế). Đàn ông đánh trần, vận mỗi quần cộc đi lại nhong nhong. Các chị váy áo hơi lung tung xòe, màu sắc đa phần kém thẩm mỹ. Tự nhiên và tự tin như người Hà Nội nhưng một khi ra đường thì chỉn chu đâu thừa.

Đi qua Nhà hát Múa rối Thăng Long, luôn có cảm giác cơ quan này chắc “ấm” lắm đây bởi lát lại thấy xe ca dừng đỗ thả xuống một mẻ du khách. Giờ sớm thì chưa ai vào nhà hát nhưng luôn có cảnh anh chị Tây đầm nào đó đứng ven hồ hoặc lân cận, phố cổ cầm tấm bản đồ trên tay soi ngược soi xuôi, ngó nghiêng phố xá. Trên chặng khám phá du lịch của mình, họ góp phần làm cho thành phố này có một vẻ đẹp đáng yêu và không thể trộn lẫn.

Những mảnh đời

Trường, 32 tuổi chưa vợ, liệt chân và khoèo tay nhưng nét mặt thanh tú, hàng sáng ngồi xe lăn bán báo dạo Bờ Hồ. Anh cho biết quê ở Hà Tây, ra nội thành thuê căn phòng nhỏ bán báo mưu sinh. Ngón tay cong queo thoăn thoắt kẹp ghim vào sống lưng tờ báo, Trường tươi tắn: “Thông cảm em vừa nói chuyện với chị vừa ăn kẹo cao su” và thông tin “Mọi người kêu báo chí bây giờ viết giống nhau ít có cái hay”.

Một cặp trẻ trung tiến lại mua báo, mua xong cô gái “Chúc anh hôm nay bán được thật nhiều báo nhé”. Tôi cũng nhón tờ Mua & Bánđể cảm ơn Trường chịu chuyện.

Năm 2002 đi Mỹ lần đầu mới biết con sông Potomac nổi tiếng trong sách địa và bài hát Phạm Tuyên một thời - Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, hóa ra trên bờ đầy “bom bi”, không cẩn thận toi ngay.

Mà giữa thủ đô đấy. Bờ Hồ nay sạch phết. Có phải một phần do đội ngũ này không: Một thanh niên trông sáng trưng đi tới đi lui cầm cái que gắp rác cho vào túi, lặng lẽ. Hai cô gái men bờ hồ vừa vớt rác mặt hồ bằng cái vợt vừa cười giòn tan trong nắng sớm. Một trong hai cho biết cứ rảnh là ra đây nhặt rác chứ không cứ thứ bảy, chủ nhật. Hơn tiếng đồng hồ mà gặp đến 5, 6 tình nguyện viên, đi lẻ là chính, âm thầm thu thu dọn dọn.

Chiếc xe đạp lướt qua với mẹt bánh đa kê và lời mời “Ăn cho nhau chiếc bánh nào”. Ngôn ngữ Hà Nội đấy. “Ăn cho nhau” có lẽ vì chị ta áng tuổi chúng tôi ngang nhau. Thì món khoái khẩu của tôi đây, sáng nay đã cố tình nhịn để có một cú điểm tâm Bờ Hồ.

Lại cũng hiếm hoi, tôi và Quỳnh- bạn gái, chọn ghế đá đoạn gần ngân hàng ANZ buôn chuyện. Dựa lưng vào ghế là bà cụ chủ nhân đám kẹo, nước. Bạn hỏi: Bà ơi năm nay bà được bao tuổi rồi ạ? “Đừng hỏi tuổi”. Trông bà phải trên 80, mà còn ghét bọn hỏi tuổi nữa là trung niên!

Một thiếu nữ đưa tờ 20.000 đồng xong chả nhận chai nước hay viên kẹo nào. Chiếc xe máy đỗ xịch rồi có cô gái tiến lại “Bà ơi cháu là... Cháu biếu bà ít tiền ăn quà nhé, dạo này cháu có việc buồn nên lâu không gặp bà”.

Hẳn cô là người quen. Bà già thản nhiên nhét mấy trăm nghìn vào túi không cám ơn một câu, không có dấu hiệu nhớ ra cô. Tuổi ấy có gì để phải nhớ nhiều? Món gì bà cũng hô 10 nghìn, chai nước đáng 5 nghìn cũng thế.

Những người dừng lại chìa tiền, không hề ít nhé, có vẻ không hẳn để có chai nước trông đáng ngờ. Bạn nói nhỏ với tôi “Bà ăn đủ đấy nhỉ, khôn phết”. Một đôi người nước ngoài ngang qua dừng lại nhìn bà và mớ đồ hàng. Bạn tôi dịch hộ, nhận giúp vài tờ tiền họ đưa để có chai nước, và nói tiếng Anh chào mừng họ đến Việt Nam!

Một Hà Nội thu nhỏ

Tiến Thanh, bạn đồng môn khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp, tổng biên tập khoảng hơn chục tờ báo chứ mấy (nghe đồn thế) có lần bảo “Này không phải vô cớ người ta lấy Bờ Hồ làm tâm rồi quay com pa tính bán kính đâu cậu ạ. Tôi có dạo sửa nhà phải đi thuê ở Hàng Vôi, sáng sáng đi một vòng Bờ Hồ thấy nhiều thứ không đâu có”.


“Chúc anh hôm nay bán được nhiều báo nhé”. Ảnh: DPV.

“Chúc anh hôm nay bán được nhiều báo nhé”. Ảnh: DPV.

Không đâu có, trước hết là cái không khí thanh tịnh mát lành bất ngờ khi mà nó tọa lạc nơi phố xá náo nhiệt thế. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm là một hiện thực nên thơ chứ không phải câu thơ lãng mạn cách mạng. NSƯT Thu Hà hồi mở Minh Minh Ibox, quán xá thuê của Intimex ở đoạn giữa Bốn Mùa- Phú Gia, tự hào “Hàng ngày được ngắm cái hòn non bộ đẹp nhất nước” (Tháp Rùa).

Nơi đây, có sự thản nhiên, già nua kiểu bà cụ “10 nghìn” hay phong cách Thủy Tạ. Có sự chân tình, tử tế tự thân khác. Sự sang giàu đếm được của những cửa hiệu ngự ở phố Lê Thái Tổ-“Champs-Élysees Việt Nam” (một sự ví von quá đáng), của xe hơi tiền tỉ loang loáng chạy cắt mặt Trường- anh thanh niên bán báo khuyết tật.

Câu lạc bộ Trung tâm Phương pháp giản dị ngày xưa giờ chia thành hai địa chỉ đắt giá (ngoài một chỗ nhỏ nhỏ gọi là Không gian văn hóa Việt): Cà phê Lục Thủy (tên quá hay, quá khôn- Lục Thủy là tên khác của Hồ Gươm) và Vietnam Designer House- cửa hàng thời trang cao cấp của người Sài Gòn- Minh Hạnh cùng đàn em thiết kế, nghe nói tiền thuê nhà trả cho Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam gần hai trăm triệu một tháng.

Lên Bờ Hồ một buổi thấy thư giãn không ngờ, lên nhiều buổi không biết thế nào. Cái mảnh Hà Nội con con này, bình thường thì không ai để ý đâu nhưng xa rồi mới nhớ, chắc thế. Hà Nội là thế đấy, làm người ta cáu làm người ta phiền, nhưng vẫn phải nói đến quan tâm đến.

Bởi người ta đã quen có nó không thể nào dứt ra.

Theo Dương Phương Vinh

Tấm gương