“Binh pháp” sinh viên thời tăng giá

Giá cả mỗi ngày một tăng vùn vụt khiến tầng lớp "vô sản" sinh viên điêu đứng. Đối phó với hiện tượng này, nhiều sinh viên nghèo đã có "đối sách" rất... sinh viên. Một trong số đó là giảm chi.

Chóng mặt vì tăng giá

"Rau hôm nay lên đến 1.500đ/mớ rồi tụi mày ạ", cái tin ấy lan đi thật nhanh trong khu xóm trọ ngõ 71 "làng SV" Phùng Khoang (xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội). Ngay lập tức mấy đứa bên cạnh cũng hưởng ứng ào ào: thịt ba chỉ phải mua tới 2.700đ/lạng, cá rô phi bé tí mà đã mất đứt đi 8.000đ cho nửa ký.

Giá cả tăng đã nằm trong dự liệu của không ít ông bố bà mẹ khi đưa con nhập trường. Thế nhưng, giá tăng "ngoài sức tưởng tượng" như thế này đã khiến không ít phụ huynh hoa mắt chóng mặt.

Mức sống ở thành phố vốn đã cao, nay "cộng hưởng" với đợt tăng giá mới khiến cho những đồng tiền lẻ trong túi SV vốn đã còm cõi nay càng còm cõi hơn.

Giá sách, mắc áo, chậu nhựa, bàn học, đèn bàn... là hành trang rất cần thiết của một tân SV không thể dưới 500 ngàn đồng. Đó là chưa kể tiền nhà, học phí. Thực phẩm tăng giá, đắt cũng phải mua, những SV nghèo chỉ còn biết bấm bụng cắn răng mua sắm những thứ thiết yếu.

Tạm "bỏ qua" chuyện ăn, đến sách vở, câu chuyện của Nguyễn Sơn Văn, SV Báo chí năm thứ hai Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: "Đau nhất là đến sách cũ cũng tăng giá. Giờ phải hơn 100 ngàn mới mua được có 7 quyển sách, trong khi vẫn đầu sách tham khảo ấy, hồi tháng 6 mình hỏi có thể mua được hơn chục cuốn".

Giảm chi - "Bí kíp" leo thang cùng giá

Cuộc chạy đua với giá cả tăng vài lần trước đây đã đào luyện SV trở thành những vận động viên chuyên nghiệp trong cuộc leo cùng giá. Nhập học chưa được 1 tuần, Hương và Lan (SV ĐH Ngoại ngữ) đành bỏ chỗ trọ khá tốt ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc với diện tích 22m2 để chuyển vào căn phòng 15m2 ở làng Phùng Khoang cùng 2 người bạn khác.

Lý do của việc chuyển nhà chỉ vì bà chủ không cho đón thêm bạn đến ở và phải mất thêm 30.000đ tiền gửi xe. Vào ở chật một chút nhưng mỗi đứa chỉ mất có 95 ngàn đồng/tháng.

Nhà đã tạm xong, đến vấn đề... điện. Mức giá 1.800đ/KWh luôn là cái bóng ám ảnh. 4 đứa có 3 cái quạt điện thì phải cất đi 2, để một cái cho quay đi quay lại. Đèn học trước kia mỗi đứa một đèn bàn thì nay đành lắp bóng đèn neon siêu tiết kiệm, dẫu biết sẽ ảnh hưởng xấu đến thị lực.

Trời nóng, 4 mạng trong căn phòng nhỏ chỉ mong câu hát: "Nghe đâu đây mùa đông đang quay về" bởi trời lạnh sẽ khỏi phải dùng quạt, tránh đi một phần những số điện hiện lên trên sổ của bà chủ nhà đang cầm quạt đập phành phạch mỗi khi thu tiền.

Chuyện ăn cũng cần phải có đối sách. Cả 4 đứa trong phòng đều cùng quê Chương Mỹ, Hà Tây đã đề ra một "binh pháp" để đối phó với giá. Mỗi tuần một đứa về nhà, 11 km đạp xe là chuyện nhỏ, vừa đảm bảo giữ vòng eo siêu mẫu vừa tiết kiệm được một "cơ số đạn dược" cho chiếc ví tiền chưa lúc nào đầy.

Trưởng phòng Nguyễn Thị Thảo phát biểu trong cuộc họp phòng lúc cuối tuần: "Tuần này cái Lan mang rau, ruốc, muối vừng, gạo. Tuần sau đến cái Hương, tuần sau nữa đến cái Vân... Nhớ bảo bố đóng giùm vài cái ghế gỗ để đỡ phải mua ghế nhựa. Chiếc ghế con con cũng 7.000 đ/chiếc đấy, cố mà mang".

Chiều chủ nhật, khi chiếc xe đạp mini dừng bánh là cả bọn lại hể hả, mặt ai cũng hớn hở vì lương thực dự trữ cho một tuần đã hòm hòm, chỉ cần mua một chút thịt là đủ.

Với một loạt những giải pháp tích hợp của SV, cơn bão tăng giá có giật "trên cấp 12" thì những SV xóm trọ vẫn có thể ấm bụng ngồi vào bàn sẵn sàng cho một năm học mới.

Theo Thanh Niên