Biết đâu một ngày, Bắc Cực chờ ta!

Tớ đã bỏ lỡ một cơ hội có một trong đời để tới Bắc Cực nhưng 11 ngày tập luyện “sinh tồn” ở Thụy Sĩ đã cho Hoàng Đức Minh những trải nghiệm và kỹ năng sống sót giữa thiên nhiên mà không mấy ai có được trong đời.

Thám hiểm thế giới, không thử sao biết ?

 

Mê mẩn kênh Discovery và luôn ước mơ có những chuyến hành trình khám phá thế giới từ nhỏ. Học Chuyên Ngữ nhưng lại làm bạn bè ở trường ngạc nhiên khi mày mò tìm hiểu về … biến đổi khí hậu. Năm 18 tuổi, nhờ thành tích và bài luận xuất sắc, Đức Minh đã “rinh” một suất thực tập tại trung tâm nghiên cứu thiên tai Thái Bình Dương ở Hawaii, Mỹ.

 

"...Tốt nghiệp THPT, vào đại học nhưng tình yêu dành cho những chuyến chu du của tớ thì dường như là vô hạn. Khi biết chương trình “Nhà thám hiểm trẻ” (PANGAEA-YEP) của nhà thám hiểm kì tài Mike Horn đang tuyển thành viên để tới Bắc Cực.

 

Không cần suy nghĩ nhiều, tớ đăng ký ngay và hi vọng bộ hồ sơ đủ thuyết phục. Và một năm sau, may mắn tớ là một trong 16 thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới bay tới Chateau-d’Oex, Thụy Sĩ  để học “sinh tồn” .

 

Từ đây, Mike Horn sau đó sẽ tìm ra 8 bạn trẻ đủ khả năng tới Bắc Cực xa xôi và khắc nghiệt trong vòng 20 ngày. Với nhiệm vụ nghiên cứu về nước, mẫu tuyết, sức gió và hướng gió tại đây cho đại học Munich, Đức.
 
Minh leo thoăn thoắt với những sợi dây nối dài, cùng chiếc cuốc.
Minh leo thoăn thoắt với những sợi dây nối dài, cùng chiếc cuốc.

 

Những bài học dành riêng cho … Bắc Cực

 

Nếu bạn thường xem những bộ phim chinh phục Bắc Cực, bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi sự khắc nghiệt và biết phải làm gì để sống sót ở nơi này. Những bài học đầu tiên ở trung tâm đào tạo tại Thụy Sĩ đã khẳng định không thể nhờ cậy bản năng mà phải thuần thục những bài học kỹ năng để sống sót.

 

Thứ quan trọng hàng đầu là biết cách cứu hộ. Học băng bó, cố định xương, mình còn phải học cách tạo cáng cứu thương từ những … chiếc ba lô khung thép. Học cách cứu đồng đội của mình bị sụt hố tuyết, khi tuyết ở Bắc Cực xốp như bông tạo thành nhiều hố bẫy khó đoán định.

 

Hay khi gặp tuyết lở, cần nhanh chóng đào hố ẩn nấp và nằm gập người sẽ tăng cơ hội sống sót. He-Mao Hsu, cậu bạn Trung Quốc và tớ đã được hỏi làm gì khi bị kẹt trong một hẻm núi?

 

Bọn tớ đều muốn nhanh chóng tìm lối thoát nhưng bài học lại là giữ bình tĩnh đánh giá tình hình. Khi tâm lý ổn định cần bỏ bớt những đồ dùng không cần thiết, chỉ giữ lại nước uống và dao rồi mới tìm lối ra. Mọi bài học đều có tư duy sống sót khác hẳn những gì mình từng nghĩ.

 

Một kĩ năng không thể thiếu nữa là leo núi, điều này thì teen châu Á thua xa so với bạn bè từ Thụy Sĩ, Nga, Canada hay Mỹ. Họ leo thoăn thoắt với những sợi dây nối dài, cùng những chiếc cuốc. Rõ ràng leo lên được một đỉnh núi là điều không dễ dàng khi lại một lần nữa sự lạnh lẽo của núi tuyết, và hai cánh tay mỏi rã rời thử thách bạn.

 

Và không thể thiếu là học dựng lều, nấu ăn trong giá lạnh, cách sử dụng bản đồ, thiết bị định vị, la bàn, học cách quay phim, chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết. Nâng cao thể lực bằng các bài đi bộ đường dài, học cách vượt núi đá. Và bài học … đeo kính 24/24, kể cả khi ngủ để tránh bị bỏng giác mạc với ánh mặt trời Bắc Cực.

 

Thám hiểm tới nơi này, không phải là một cuộc dạo chơi cho những người máu phiêu lưu, nó là thử thách sống còn cho những người thực sự dũng cảm.

 
Thử thách cuối cùng
 

Thử thách cuối cùng

 

16 thành viên tại Thụy Sĩ, từ 15 – 20 tuổi, số lượng nam nữ như nhau nhưng độ tuổi hay giới tính không giúp bạn một mình tới được Bắc Cực. Điểm mạnh riêng của mỗi người sẽ hỗ trợ nhóm mạnh hơn.

 

Nhà thám hiểu Mike Horn đã đề ra thử thách cuối cùng là cuộc hành quân xuyên đêm, đi bộ lên đỉnh núi để tìm ra 8 thành viên xuất sắc. Không dễ dàng chút nào, bởi cả đoàn chỉ được dùng bản đồ giấy mà không dùng các thiết bị định vị hiện đại khác.

 

Trong bóng tối và gió tuyết mờ mịt, tớ rõ ràng cảm thấy độ sáng của các bóng đèn chuyên dụng (headlamp) có vẻ không thấm tháp gì. Đặc biệt, đi trên tuyết, bạn phải giữ vững vàng cơ thể của mình, tránh nói chuyện vì sẽ rất dễ ngã.

 

Đồ đạc chuyên dụng cho một nhà thám hiểm rơi vào khoảng 30-40 kg. Nhiệm vụ của đội mình cũng tương tự thế, khi phải mang theo mỗi người một chiếc lốp xe nặng tầm 25 kg coi như để “thử”. Người lăn, người vác, cái lốp ì ạch nhích lên được từng chút một. Nhưng cuối cùng, cả nhóm cũng lên được đỉnh núi. Thắng thua lúc này không quan trọng nữa, mà bài học lớn nhất cho dân thám hiểm đó là: không bao giờ bỏ cuộc..."

 

Minh và những người bạn tại trung tâm huấn luyện
Minh và những người bạn tại trung tâm huấn luyện

 

16 người tham gia đào tạo, 8 thành viên : 4 nam, 4 nữ được chọn hành trình. Nhỏ tuổi nhất là Rick, đến từ New Zealand mới 17 tuổi. He-Mao Hsu là thành viên châu Á duy nhất được chọn. Chuyến hành trình xuất phát từ Canada ngày 27/4 đã chạm tới đích tại điểm Nunuati ngày 18/5 và chỉ có 2 trong số 8 thành viên tới nơi, đủ để thấy sự khó khăn và khắc nghiệt của chuyến đi này.

 

Cho dù chưa có cơ hội để tới cực Bắc của địa cầu nhưng cơ hội này đã cho tớ những trải nghiệm không dễ ai có được. Với Minh đó mới chỉ là sự khởi đầu, lại xách ba lô cho những hành trình rất dài và rất mới, biết đâu một ngày, Bắc Cực sẽ chờ ta!

 

Theo Hoa học trò