Biến phế liệu thành đồ hand-made

Từ những thứ phế liệu tưởng chừng không còn giá trị sử dụng, như: Que kem, gỗ vụn, chai lọ, bóng đèn vỡ… Nguyễn Quang Huy (trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã “ hô biến” chúng thành những sản phẩm hand-made tinh xảo, đem lại lợi ích.

Lập nghiệp từ … rác

“Mình bắt đầu làm những món đồ chơi từ bé, thường là xin đồ chơi hỏng về sửa hoặc chế lại thành thứ mình nghĩ ra. Lớn hơn chút thì tập làm những chiếc vòng hand-made, vòng tết dây và cung Hoàng đạo.

Đến cuối năm thứ nhất đại học, nhà trường tổ chức hội trại và yêu cầu mỗi lớp phải có sản phẩm để bán, mình đã làm vài sản phẩm từ que kem, như người gỗ, máy bay… Vì mọi người khá thích thú nên sau dịp đó, mình đã làm thêm và bắt đầu mở rộng dịch vụ”, Quang Huy cho biết.

Quang Huy tỉ mỉ lắp ghép từng chi tiết cho sản phẩm.

Quang Huy tỉ mỉ lắp ghép từng chi tiết cho sản phẩm.

 

Với Quang Huy, để tạo ra một sản phẩm hand-made từ phế liệu không khó, cái chính là tìm được thứ gợi cho cậu cảm hứng. Sở thích của Huy là kiếm phế liệu về, rồi nhìn vào đống đồ bỏ đi đó để tìm ý tưởng. Cậu không có thói quen nghĩ trước là sẽ làm cái gì từ cái gì.

Vậy nên những thứ Huy mang về nhà ngày một nhiều và sản phẩm của cậu cũng vì thế mà thêm đa dạng. Một mẩu gỗ thừa, một vài que kem, chiếc bóng đèn cũ… đều được Huy biến thành những thứ có ích. Các hàng thu mua sắt vụn, những hàng bán đồ cũ ban đêm dọc đường La Thành hay những con phố có dịp Huy lang thang qua… đều là những nguồn cung cấp “rác” và ý tưởng cho anh chàng khéo tay.

Hiện tại, Quang Huy đã có riêng cho mình một xưởng hand-made nhỏ tại nhà và “fanpage” riêng để quảng bá và nhận đơn đặt hàng. Cậu cũng thường xuyên có những quầy giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ nghệ thuật dành cho giới trẻ, như: Vintaghe art, HHT’s Garage Sale, Hanoi Urban Flea Market…

Mẫu sản phẩm hand-made độc đáo mà Quang Huy – thuyền buồm Hạ Long trong bóng đèn.

Mẫu sản phẩm hand-made độc đáo mà Quang Huy – thuyền buồm Hạ Long trong bóng đèn.

 

Tỉ mỉ và độc đáo

Huy luôn cố gắng để mỗi sản phẩm làm ra có sự riêng biệt, mới lạ, ví dụ như những chiếc thuyền trong chai hay bóng đèn, những chiếc máy bay B52 hay tàu Ngọc Trai Đen, tàu Titanic làm từ que kem…

“Trước đây, để hoàn thiện một sản phẩm thuyền buồm trong chai hay bóng đèn, mình mất khá nhiều thời gian, thường là một ngày mới xong. Nhưng giờ quen tay rồi thì chỉ mất khoảng 5 – 10 phút. Công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn. Bởi bạn sẽ phải cho từng chi tiết nhỏ vào chai hay bóng đèn, rồi dùng nhíp gắp và gắn kết từng bộ phận với nhau.

Từng có nhiều bạn gọi điện mong muốn học nghề nhưng hầu như không kiên nhẫn ngồi ghép được và bỏ cuộc”, Quang Huy chia sẻ.

Bộ đồ nghề mà Huy sử dụng rất đơn giản. Từ những chiếc nan hoa xe đạp, nhíp, compa, dao dọc giấy… Huy đã khéo léo sử dụng để ghép nên vô số những chiếc thuyền trong chai. Tuy nhiên, đây là một công việc vất vả.

“Nhiều khi phải một mình “chiến đấu” suốt mấy ngày để có đủ hàng tham gia hội chợ, đến ngày lại dậy sớm chở đi và bày hàng bán đến tối mới được về. Hay những khi khách đặt nhiều hàng, lên đến 100 bóng đèn thành phẩm, mà chỉ có 5 – 6 ngày để hoàn thành, vậy là cứ phải ngồi liên tục”, Huy kể.

Mong muốn của Quang Huy hiện nay có thể quảng bá rộng hơn những sản phẩm của mình, đặc biệt là mẫu thuyền buồm Hạ Long trong bóng đèn. “Dẫu đây chỉ là một sản phẩm rất nhỏ nhưng mình tin, nó sẽ gây ấn tượng với du khách nước ngoài”.

Theo Tâm Trang

Sinh viên Việt Nam