Bị mụn trứng cá: Nên và không nên ăn gì?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ cảm thấy mất tự tin với gương mặt sần sùi vì mụn trứng cá. Sự thật thì chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của mụn trứng cá.

Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 50 triệu người gặp tình trạng mụn trứng cá. Mụn trứng cá thường bắt đầu ở tuổi dậy thì và đặc biệt phổ biến ở độ tuổi từ 12 đến 24.

Mụn trứng cá có thể khiến da bị nhờn và tổn thương. Các triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nặng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một người.

Ngoài việc sử dụng thuốc kê đơn thì thay đổi lối sống, thói quen ăn uống cũng có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa nổi mụn.

Nhiều người tin rằng chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc "nổi mụn". Một cuộc khảo sát tại Mỹ năm 2016 cho thấy 71% người tham gia cuộc khảo sát cho rằng thực phẩm chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ gây ra mụn trứng cá. Những người khác nghĩ rằng sô cô la, sữa và đồ uống có ga là tác nhân gây mụn.

Mụn trứng cá phát triển khi lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn do tế bào da chết, vi khuẩn hoặc cả hai. Sự tắc nghẽn này cũng xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều bã nhờn.

Ở tuổi dậy thì, cơ thể sản xuất nhiều hormone gọi là yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1). Một số nghiên cứu cho thấy IGF-1 có thể làm tăng sản xuất bã nhờn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mụn trứng cá.

Một số loại thực phẩm có thể làm tăng mức độ IGF-1. Tránh những thực phẩm này có thể giúp cải thiện các triệu chứng của mụn trứng cá và giúp ngăn ngừa nổi mụn.

Các thực phẩm cần tránh đó là các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và tải lượng đường huyết cao.

Theo nguyên tắc chung, thực phẩm đã qua chế biến có xu hướng có chỉ số đường huyết cao và tải lượng đường huyết cao hơn.

Vì thế khi bị mụn trứng cá, cắt giảm bánh mì, ngũ cốc có đường, bột yến mạch, mì ống, gạo trắng, bánh quy, bánh gạo, sữa, phô mai, kem và sữa chua và một số loại trái cây và rau củ quả, bao gồm dưa, dứa, bí ngô và khoai tây sẽ tốt hơn cho da của bạn.

Tuy nhiên, Học viện Da liễu của Mỹ gợi ý rằng tránh thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể hữu ích hơn là tránh các sản phẩm từ sữa. Ăn sô cô la cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mụn trứng cá.

Ngoài ra, có rất ít bằng chứng cho thấy thực phẩm nhiều dầu mỡ gây ra mụn trứng cá. Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức gây ra da dầu chứ không phải chất béo và dầu trong thực phẩm.

Bị mụn trứng cá: Nên và không nên ăn gì? - 1

Nhiều bạn trẻ khổ sở vì mụn trứng cá (Ảnh: Dazed).

Chế độ ăn giàu axit béo omega-3 có thể làm giảm viêm và cải thiện các triệu chứng của mụn trứng cá. Thực phẩm giàu axit béo omega-3 bao gồm: Cá, trứng hữu cơ, các sản phẩm từ đậu nành chẳng hạn như đậu phụ, rau cải bó xôi và cải xoăn, thịt bò (loại bò ăn cỏ), các loại hạt chẳng hạn như óc chó và hạnh nhân...

Một số bằng chứng cho thấy rằng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và chất xơ cũng có thể chống lại mụn trứng cá.

Chỉ thay đổi chế độ ăn uống sẽ không làm hết mụn trứng cá. Điều quan trọng, khi bị mụn trứng cá, bạn phải được điều trị đúng cách.

Các mẹo chung để chăm sóc làn da bị mụn trứng cá bao gồm:

* Rửa mặt kỹ càng và thường xuyên

* Gội đầu thường xuyên

* Sử dụng các sản phẩm và mỹ phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng, không chứa dầu

* Tránh gãi hoặc nặn mụn thường xuyên

* Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời

Mọi người cũng nên xem xét mối quan hệ giữa tình trạng căng thẳng và mụn trứng cá. Căng thẳng khiến cơ thể sản xuất nhiều hormone gọi là androgen, hormone này kích thích tuyến bã nhờn trên da. Sau đó, chúng tiết ra nhiều dầu hơn và điều này có thể gây ra mụn trứng cá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm