Bi kịch “nhầm” trường

T.V là sinh viên khoa Báo chí, khi bạn bè năng động vui vẻ viết bài và đón nhận những bài báo được đăng thì cô ngày một gầy gò xanh xao, khuôn mặt mất hẳn vẻ vô tư tươi tắn vốn có.

Nỗi buồn khó nói

Ba năm học mà chưa có một bài viết nào, càng cố gắng cô càng phát hiện ra một sự thật phũ phàng: Mình không có khả năng làm nghề báo.

U uất khi thấy sự nghiệp mờ mịt nhưng T.V không dám thổ lộ cùng ai, càng không dám tìm sự động viên từ phía gia đình vì nghề này chính cô lựa chọn bởi những suy nghĩ phiến diện, sở thích nhất thời khi thi đại học: Được đi nhiều và dễ nổi tiếng.

N.C là một trường hợp khác. Cậu vào Đại học Y do sự sắp đặt của bố mẹ vì cả hai đều là bác sĩ. Ra trường C không phải suy nghĩ, nghề nghiệp danh giá lại nhiều tiền. Ban đầu cũng hứng thú, nhưng chưa hết năm thứ nhất C đã thấy chán ngán. Cậu không chịu được cảnh nhếch nhác đau thương, hơn nữa hễ nhìn thấy máu mủ là tay chân bủn rủn không tự chủ được.

L.Q - Sinh viên kế toán Đại học dân lập Thăng Long vốn là dân khối C chính gốc, hoạt bát và thích sự năng động nhưng vì bị bố mẹ giáo huấn: “ Học kế toán mai sau ra nhàn nhã. Nhà mình lại có ông bác làm giám đốc một Cty lớn, chỉ cần cái bằng đại học là đâu vào đấy ngay.

Họ hàng còn mỗi mình con, không thi thì để phí chỗ ấy cho thiên hạ ngồi à?!”. Vậy là Q nhắm mắt chuyển sang khối D. Thi đỗ nhưng Q bảo: “Tôi luôn bị ám ảnh bởi những con số và phép tính. Nhiều khi đầu óc bù hết cả lên không thể tập trung được”.

T.V; N.C; L.Q chỉ là một  vài trong những số những điển hình mà tôi đã gặp. Thực tế còn có những sinh viên chọn nhầm trường với những lý do như: Thi trường này cho có bạn bè, vào trường kia cho gần người yêu, học đại học cho gia đình mở mày mở mặt chứ học nghề thì quê lắm...

Tìm lối thoát

Không phải dễ mà vào được đại học. Nhưng bước chân vào đại học tức là sinh viên đã đặt lên vai mình một trách nhiệm nặng nề không chỉ riêng với xã hội, gia đình mà ngay cả với chính bản thân mình nữa. Và khi trót... sa chân nhầm trường thì cái trách nhiệm ấy càng làm khổ sinh viên khiến một số người muốn vùng vẫy thoát khỏi hay chối bỏ không thương tiếc.

Bỏ học, thi trường khác hay tiếp tục học? Câu hỏi này chắc  sinh viên nào trong hoàn cảnh chọn nhầm trường cũng tự đặt ra  không phải một mà là nhiều lần cho mình.

Đa số họ cảm thấy lo lắng, hụt hẫng, đôi khi còn tuyệt vọng nữa. Rồi dần dần mỗi người, mỗi cách, tìm cách xoay xở. Như trường hợp của L.Q, biết mình không hợp với nghề kế toán, sẵn có năng khiếu  ăn nói và dáng người khá chuẩn, cô xác định rõ ràng hướng đi cho mình là học thêm ngoại ngữ để sau này xin vào làm  hướng dẫn viên du lịch -  nghề cô yêu thích từ bé.

Hiện nay Q chưa dám nói với bố mẹ, vẫn gắng học cho xong đại học, nhưng cô hy vọng dần dần mọi người sẽ hiểu. Một suy nghĩ tỉnh táo, một cách làm liều lĩnh đã cứu thoát Q, song thử hỏi đã mấy ai làm được như vậy?

Trường hợp của T.V thì dù có mệt mỏi về chuyện chọn nhầm trường nhưng do bản tính yếu đuối nên cô đành… “án binh bất động”. T.V tâm sự: “Không ít lần mình muốn bỏ học nhưng thương bố mẹ lại cố gắng tồn tại, cố gắng ra trường rồi tính tiếp.

Nhà mình nghèo lắm, lo cho mình ăn học đến đây là  đã kiệt sức rồi. Bây giờ bỏ dở cũng chết, thi lại trường khác càng không thể. Nếu có một điều ước mình chỉ ước chưa thi đại học để có thể lựa chọn lại...”. Thế rồi cô vẫn thường xuyên tự mắng nhiếc bản thân mình, tâm trạng lúc nào cũng rầu rĩ căng thẳng. Đôi khi cô phó mặc cho số phận.

Với N.C thì hoàn toàn khác. Là con một gia đình giàu có, lại được nuông chiều từ bé, khi chán ghét học tập, cậu lại quay ra bất mãn với cha mẹ. Sau những ngày, giờ bó buộc chán ngán cậu bỏ bê học hành,  thường xuyên  trốn học, thi lại và nợ môn liên tục. Ngày giờ của C gắn liền với các nhà hàng, vũ trường để “giải sầu”...

Những lúc tỉnh táo, C thở dài: “Chán lắm, ăn chơi cũng có sướng gì đâu. Trước kia mình thích hội họa, giá bố mẹ mình không ngăn cản thì bây giờ đâu có vất vưởng thế này!”.

Theo Giang Vương
Tiền Phong