Bi hài chuyện trả quà, đốt áo đôi sau chia tay

Xử lý quà cáp, kỷ vật sau khi chia tay cũng khiến không ít cặp đôi đau đầu.

Không riêng những người kém may mắn trong hôn nhân mới phải chật vật nghĩ cách xử lý ảnh cưới và đống kỷ vật mà ngay cả những cặp đôi đang yêu, chẳng may đổ vỡ tình cảm cũng phải loay hoay “thu dọn” đống quà cáp từng tặng nhau một cách gọn gàng để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai.


Quà cáp, kỷ vật là những thứ không thể thiếu trong một tình yêu (ảnh minh họa)

Quà cáp, kỷ vật là những thứ không thể thiếu trong một tình yêu (ảnh minh họa)

Chia tay đòi… trả quà

Giới trẻ Việt không ít lần xôn xao trước những câu chuyện chia tay đòi quà của các cặp đôi chẳng may đổ vỡ tình yêu. Thậm chí, còn xuất hiện cả một trào lưu cover ca khúc “Anh không đòi quà” để nói về vấn đề vốn được cho là nhạy cảm này.

Thế nhưng, không chỉ các cô gái mới gặp phiền toái khi bị người yêu đòi quà mà ngay cả các chàng trai cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi bị bạn gái trả quà hậu chia tay.

Tặng quà bạn gái nhân dịp lễ, ngày kỷ niệm là cách thể hiện sự yêu thương, quan tâm, ga lăng của các chàng trai, Dương Lâm (Ninh Bình) cũng không đi ngược lại việc làm được coi như quy luật đó. Thế nhưng, chính vì sự ga lăng, tâm lý này mà Lâm vướng phải lắm nỗi bực mình khi chẳng may không giữ được tình yêu.

Vì không thể dung hòa tính cách, lại thêm sự ngăn cản từ phía gia đình nên sau 2 năm gắn bó, chàng trai Ninh Bình quyết định nói lời chia tay cô người yêu kém 5 tuổi. Nhưng, tình cảm vốn chẳng phải là thứ dễ dứt bỏ, sau khi “đường ai nấy đi”, Lâm không ít lần bị bạn gái làm phiền bởi những tin nhắn, cuộc gọi nhắc lại chuyện cũ rồi trách móc, đay nghiến.


Dương Lâm rất vui vẻ khi được tặng quà người yêu. Tuy nhiên, khi chia tay, những món quà đó lại khiến anh phải phiền lòng (ảnh minh họa)

Dương Lâm rất vui vẻ khi được tặng quà người yêu. Tuy nhiên, khi chia tay, những món quà đó lại khiến anh phải phiền lòng (ảnh minh họa)

Riêng những món quà đã tặng nhau, người yêu cũ của Lâm cứ thi thoảng lại nhắn tin hỏi nên xử lý thế nào, vứt bỏ hay giữ lại… Kèm theo đó luôn là những câu nói lâm li bi đát khiến anh chẳng thể yên lòng.

Đã nhận rồi thì là của mình, chia tay giữ hay bỏ cũng do mình toàn quyền quyết định, còn hỏi lại người yêu cũ làm gì nữa? Không chỉ thế, thỉnh thoảng cô ấy lại rào trước, sẽ gửi trả món quà này, món quà kia vì mỗi khi nhìn thấy chúng lại đau lòng.

Lúc đầu, tôi còn tưởng cô ấy không bình tĩnh nên mới nói vậy, ai ngờ làm thật. Có hôm, sáng ra thấy con gấu bông lù lù trước cửa, kèm theo tấm thiệp hẹn lần sau trả quà ở địa điểm khác, tôi giật mình. Khủng bố tinh thần nhau kiểu này thật quá mệt mỏi”, Lâm chia sẻ.

Sau mối tình này, Dương Lâm bị ám ảnh bởi những món quà. Khi yêu, anh chỉ nghĩ đó là cách thể hiện sự yêu thương, nào ngờ, khi chia tay rồi chúng lại biến thành thứ “vũ khí” dùng để đay nghiến tinh thần nhau.

Thất tình… đốt bỏ áo đôi

Con gái thường là người phải trăn trở nhiều hơn về việc xử lý quà cáp, kỷ vật sau khi chia tay. Không phải bởi họ thường là người được nhận quà nhiều hơn mà bởi, họ là những người vốn được cho là nặng tình hơn trong chuyện tình cảm.


Các cô gái luôn là người phải trăn trở nhiều hơn trong việc xử lý kỷ vật sau khi chia tay (ảnh minh họa)

Các cô gái luôn là người phải trăn trở nhiều hơn trong việc xử lý kỷ vật sau khi chia tay (ảnh minh họa)

Thùy Dung (Thanh Hóa) trong 3 năm gắn bó với mối tình đầu cũng nhận được không ít quà cáp của người yêu. Giá trị của những món quà cứ tăng dần, ban đầu là đồ lưu niệm sau đó đến quần áo, son phấn rồi cả trang sức. Trong số đó, món quà ý nghĩa và giá trị nhất là chiếc nhẫn được lồng vào tay cô ngày Valentine.

Sau khi quyết định chia tay vì khoảng cách địa lý, Dung gói tất cả kỷ vật cất vào hòm khóa lại, chỉ duy chiếc nhẫn là còn loay hoay chưa biết xử lý ra sao. Dung chia sẻ, với cô, chiếc nhẫn không đơn thuần chỉ là món quà Valentine mà nó còn đánh dấu cột mốc mới trong tình cảm của hai người. Giờ chỉ vì khoảng cách xa xôi mà buộc phải chia tay, cô không lỡ vứt bỏ nó nhưng nếu giữ lại thì lại lưu luyến, vấn vương tình cũ.

Chiếc nhẫn đó cũng có giá trị lớn, ít nhất là với mình nên đôi khi cũng muốn gửi trả anh ấy nhưng nghĩ, chia tay rồi lại đi trả quà chẳng hay ho gì nên thôi. Mình từng nghe mọi người nói, yêu nhau mà tặng nhẫn đen đủi lắm, lúc đó không tin giờ thì thấy thế thật (cười)”, Dung chia sẻ.

Bị người yêu phản bội, Giang Huệ (hiện đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội) khá sốc và đau khổ. Cô từng muốn ném bỏ tất những kỷ vật cũ liên quan đến người yêu đặc biệt là các thứ đồ đôi.

Huệ cho hay, vì cả hai bằng tuổi nhau nên trong lúc yêu nhau họ rất “sính” đồ đôi: áo đôi, mũ bảo hiểm đôi, dép đôi… đủ cả. Khi chia tay rồi, tất cả những thứ đó trở thành cái “gai” trong mắt mà lúc nào cô cũng muốn “nhổ bỏ”.

Mình từng đem đốt một chiếc áo đôi và định sẽ đốt nốt cả những thứ còn lại nhưng bạn bè ngăn cản. Họ bảo đốt đồ như thế rất đen đủi. Rồi mình thấy cũng không cần thiết phải làm thế, tình cảm cạn rồi thì mấy thứ quà cáp này có giá trị gì đâu. Mình đem bỏ tất cả vào thùng rác, cho quá khứ qua đi, ai chẳng phải hướng đến những điều mới”, Huệ chia sẻ.

Quà cáp, kỷ vật là những thứ không thể thiếu trong một tình yêu. Nó vừa là cách thể hiện sự yêu thương vừa là nơi lưu giữ kỷ niệm đáng nhớ giữa hai người. Tuy vậy, khi chia tay, nếu không bình tĩnh và khéo léo xử lý nó rất dễ trở thành thứ ngăn trở mỗi người hướng đến cuộc sống mới.

Theo Hạ Nhiên

Dân Việt