Bi hài chuyện sinh viên ốm

(Dân trí) - “Thuốc đau bụng mà đắt thế này ạ cô? Bớt cháu vài nghìn được không ạ?”. Ngay tại một hiệu thuốc trước trường ĐH Thương mại, một nữ sinh lí nhí. Đúng là chỉ có sinh viên đi mua thuốc mà mặc cả như mua mớ rau, lạng thịt.

Bệnh ắt tự khỏi

Với tiền trợ cấp trung bình cho việc ăn uống chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng trong lúc giá cả đắt đỏ, nhiều sinh viên đang phải “thắt lưng buộc bụng” để sống.

Suất cơm vài nghìn đồng gần không thể đủ chất dinh dưỡng để sinh viên học tập và sinh hoạt. Việc ăn nghìn xôi, chiếc bánh mỳ cho bữa sáng cũng trở nên xa xỉ với sinh viên xa nhà. Đó là còn chưa kể đến những điều kiện sinh hoạt khác. Như thế chuyện sinh viên hay ốm đau cũng là điều dễ hiểu.

Sinh viên lại sống trong môi trường tập thể, khi một người bị ốm dễ kéo theo nhiều người khác lây bệnh. Sinh viên phát bệnh đã dễ nhưng việc chữa bệnh còn... đơn giản hơn nhiều lần.

Khi ốm vặt như ho, cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu... nhiều sinh viên chọn cách để thế rồi bệnh ắt phải khỏi. Mua thuốc để uống đối với họ có vẻ là chuyện xa vời.

Lan Anh, Đại học Luật hồn nhiên: “Thuốc a, không có đâu! Sinh viên ốm vặt là chuyện này thường mà ốm lại mua thuốc thì có mà “chết” tiền. Ăn còn chẳng đủ nữa là chữa bệnh”.

Đó là với những SV không đóng tiền bảo hiếm Y tế, còn với sinh viên có thẻ thì... lại lười đi lại, sợ phiền phức nên thà để bệnh thế còn hơn.

Mạnh Quân, ĐH M cho biết: “Phòng trọ tớ 4 người đều đóng bảo hiểm y tế nhưng chẳng dùng đến bao giờ. Đi lại cũng xa, hơn nữa đến khám cũng đâu dễ dàng gì. Ốm sơ sơ biết đâu lại chẳng bị mắng: “Thế này mà cũng đi xin thuốc” thì ngại chết. Khi ốm tốt nhất là đừng nghĩ đến, vài hôm, lâu lắm thì vài tuần rồi cũng phải khỏi”.

Đến những chuyện cười ra nước mắt

Ốm không phải cứ để là khỏi, nên việc sinh viên tiết kiệm khoản tiền thuốc thang, khám bệnh lúc ốm đau có khi gây những chuyện cười ra nước mắt.

Lên cơn đau dạ dạy vào giữa đêm, vật vã mãi Huyền, sinh viên ĐH Sư phạm mới cho bạn bè trong xóm trọ đưa đi viện. Dù đau, nhưng trên đường đi, Huyền vẫn cố thì thào: “Vào viện nào rẻ rẻ thôi”.

Đến lúc này cả nhóm mới giật mình nghĩ đến tiền… Mấy người góp lại được đúng 95.000 đồng. Đưa Huyền vào viện, một cô bạn không quên nhắc bác sĩ: “Bác khám cho bạn cháu nhưng chỉ khám trong vòng 95.000 thôi” làm bác sĩ và các cô y tá cũng phải bật cười… xót xa cho mấy em sinh viên.

Sinh viên ốm đau, dính đến thuốc thang là “thâm hụt” ngay những khoản tiền chi tiêu trong ngày. Thế nên kể cả đi mua thuốc sinh viên cũng không quên mặc cả…

“Thuốc đau bụng mà đắt thế này ạ cô? Bớt cháu vài nghìn được không ạ?” - Ngay tại một hiệu thuốc trước trường ĐH Thương mại, một nữ sinh lí nhí.

Cô dược sĩ bán thuốc tại đây cũng phải ngậm ngùi: “Chẳng ai khổ như mấy đứa sinh viên. Đi mua thuốc mà như mua mớ rau, lạng thịt cứ mặc cả lên xuống rồi mới chịu mua”.

Để mặc bệnh tự khỏi có lúc ảnh hưởng đến tính mạng của sinh viên. H, sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội sống trong ký túc xá Mễ Trì đến giờ nghĩ lại lần “ốm vặt” của mình hôm đầu năm mà vẫn chưa hết sợ.

Lần đó, H có triệu chứng bị ốm. Tưởng cũng như mọi lần, H cũng mặc kệ đến đâu thì đến. Mấy ngày đầu chỉ mới đau đầu, ngạt mũi nhưng vài hôm sau H lên cơn sốt, rồi lại lạnh.

H vẫn cố thêm, cho đến ngày thứ 6, H nôn mửa, mặt mũi chân tay sưng phù… Cả phòng lúc này mới hốt hoảng đưa H đến phòng y tế của ký túc. Nhìn H, nhân viên y tế tại đây phải lập tức viết giấy giới thiệu đưa H vào viện. H bị viêm bể thận cấp, nếu chậm thêm chút nữa chắc chắn cậu đã không qua khỏi.

Qua một lần suýt chết, H chừa: “Khổ mấy thì khổ giờ cũng không dám đùa với bệnh nữa. Nhất là sinh viên đã mua bảo hiểm y tế thì nên tận dụng để bảo đảm sức khỏe của mình”.

Hoài Nam