Bi hài chuyện sinh viên làm “hình xăm giả”

“Chị xăm cho em hình con bọ cạp vào đây”, vừa nói cậu thiếu niên vừa kéo quần xuống tới nửa mông ngay trước mắt Phượng và những người hiếu kỳ xung quanh.

Hình ảnh những cô gái trẻ ngồi trên tấm vải mưa bên cạnh tấm bìa đề nguệch ngoạc dòng chữ “Vẽ hình nghệ thuật, một tháng phai” ở quanh công viên Tao Đàn và công viên Lê Thị Riêng đã không còn xa lạ với người Sài Gòn từ nhiều tháng trở lại đây. Hầu hết những người “làm nghề” này đều là các bạn sinh viên, có chút hoa tay và thời gian rảnh rỗi vào buổi tối, thời điểm thư giãn của giới trẻ thành phố.

 

Trong những năm trở lại đây, khi các ngôi sao điện ảnh, danh thủ bóng đá thế giới không ngừng trình làng hình xăm trên cơ thể họ, giới trẻ ở các nước phương Đông, học theo thần tượng, đã dần mở lòng hơn với thú xăm mình. Ngày càng có nhiều đại diện tuổi teen ở Việt Nam không ngần ngại “khắc” lên da thịt những hình nghệ thuật để khẳng định cá tính. Số khác, dù rất muốn “bằng bạn, bằng bè” nhưng lại ngại định kiến của xã hội, gia đình. Chính vì thế, “vẽ hình nghệ thuật, một tháng phai” (thực chất là hình xăm giả, có thể rửa sạch sau 2 tuần), giá chỉ từ 10.000 đến 60.000 đồng, trở thành lựa chọn “tạm thời” để biểu hiện cái tôi của rất nhiều teen Sài thành.

 

Sự “thành công” nhanh chóng của thể loại hình xăm này khiến “vẽ hình nghệ thuật” trở thành một trong những nghề “parttime” khá bền đối với nhiều sinh viên đại học ở TPHCM, chứ không chỉ mang tính thời vụ như bán khẩu trang y tế, hay bán kính xem nhật thực… Tuy nhiên, bên cạnh sự đắt khách là khá nhiều tình huống dở mếu dở cười…
 
Bi hài chuyện sinh viên làm “hình xăm giả” - 1

Chiều theo "thượng đế", cần xăm ở đâu, sẽ được vẽ lên ở đó


 

Vẽ lên những chỗ… kỳ quặc

 

“Hầu hết khách hàng của tớ đều là học sinh trung học hoặc sinh viên, nên họ thường chỉ vẽ chỗ nào đó trên cơ thể mà có thể được che đi bằng quần áo, chỉ khi đi tắm biển, đá banh với bạn bè mới lộ ra”, Phượng, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, vừa vẽ cho vị khách đang vén áo xuống qua vai, vừa nói. “Những vị trí trên cơ thể hay được chọn nhất là bả vai, sau lưng lệch về bên phải, trên thắt lưng hoặc cổ tay…”.

 

Tuy nhiên, bản thân Phượng cũng rất nhiều lần nhận được những lời đề nghị xăm vào chỗ “không giống ai”, khiến cô thực sự bối rối.

 

“Một lần, có cậu thiếu niên đi cùng đám bạn đổ bộ vào chỗ tớ rồi oang oang nói: “Chị xăm cho em hình còn bọ cạp vào đây”, tay cậu ta vén tụt quần phía sau xuống dưới nửa mông. Người hiếu kỳ xung quanh cười toáng lên”, Phượng kể. “Lần đó mình với cô bạn ngượng đỏ mặt và từ chối”.

 

Không “hiền” như Phượng, Nguyên, nam sinh viên Kiến trúc, “chấp tuốt”, cả những lời đề nghị khó khăn để chiều khách. Cùng cô bạn thân, Nguyên lê la hầu hết các điểm vui chơi của giới trẻ vào buổi tối để vẽ hình. “Có nhiều bạn nữ “sung” lắm. Có một lần trước cửa công viên Lê Thị Riêng trên đường CMT8, một cặp uyên ương vào vẽ hình, cô gái mặc áo hai dây bày tỏ nguyện vọng vẽ một hình hoa cách điệu nhỏ xíu trên ngực trái. Mình vừa vẽ vừa run vì cảm giác lúc nào cậu bạn trai cô ta cũng nhìn mình chằm chằm trong khi làm việc”, cậu nói.

 

Nguyên kể phần lớn khách hàng nữ hay chọn hình cách điệu như hoa, bướm, dòng chữ… để vẽ vào phần phía trên của lưng, trên cổ, hoặc phần gần cuối cột sống. Những hình nhỏ hơn thì được xăm vào cổ chân. Cá biệt có những người đòi hình xăm phải nằm dưới rốn, trải dài từ hông trái sang bên phải, hoặc thành hình viền đăng ten ngay trên đùi non trước khi đi tắm biển…

 

“Vì chỗ làm việc của mình là vỉa hè, nên không thể yêu cầu khách nằm ra để mình thoải mái tô vẽ được”, Nguyên than. “Do đó, khi phải xăm vào bụng và lưng của họ, mình thường phải quỳ, còn họ thì vén áo lên, hoặc lấy ngón cái cố kéo quần xuống. Cái tư thế khó coi đó khiến nhiều người nhìn lắm. Giờ mình quen rồi chứ hồi đầu thấy kỳ kỳ”.

 

Cấm trẻ em dưới 18 tuổi

 

“Những ngày đầu, cứ có khách là vui rồi, chứ tớ quan tâm gì đến tuổi tác của họ đâu”, Phượng cười. “Hồi đầu năm, tớ mới xách đồ ra vỉa hè, mỗi tối khi ấy mà có được 3,4 người chịu vẽ là vui lắm rồi. Mà hầu hết khách đều là bạn bè hoặc người quen giới thiệu”.

 

Tuy nhiên, có một “sự cố” khiến Phượng cũng như các đồng nghiệp xung quanh phải cẩn thận hơn nhiều khi “tác nghiệp”. “Chạng vạng tối đó, có thằng nhỏ tầm 14-15 tuổi vào đòi vẽ hình “sói lửa” lên vai. Mọi người có mặt ở đấy đều cười rộ lên thích thú, thằng nhóc cũng cười theo. Tớ vẽ cho nó thậm chí còn không lấy tiền”.

 

Hơn một tiếng sau, bố mẹ cậu bé sềnh sệch lôi con đến trước mặt Phượng, quát: “Cô có biết tội dụ dỗ trẻ em là thế nào không? Con tôi đâu phải là cái loại du côn, lưu manh, đầu đường xó chợ gì đâu mà cô xăm lên người nó thế này”. Nhìn ông bố mặt mũi gay gắt vì tức giận không ngừng mắng mỏ, Phượng tái mét mặt thanh minh mà không làm ông nguôi giận. Sau một hồi to tiếng, khiến người đi đường bu kín lại, 2 vị phụ huynh mới tức giận bỏ đi cùng đứa con “lỡ dại”.

 

“Đôi khi mình vẫn vẽ cho những khách hàng trẻ, nhưng phải nhìn xem họ có “ngầu” không đã, chứ mình cũng không dám vẽ cho những em còn ít tuổi, vì hậu quả rắc rối lắm”, anh bạn Nguyên tâm sự. “Định kiến của người lớn về hình xăm, dù chỉ là hình xăm giả, vẫn tiêu cực lắm. Nhiều người cứ mặc định chỉ có những tay xã hội đen mới xăm mình, đàn ông xăm mình là lưu manh, phụ nữ xăm mình là gái gọi, chứ người lương thiện không ai làm thế cả. Điều đó là rào cản khá lớn của “cái nghề” này”.
 
Bi hài chuyện sinh viên làm “hình xăm giả” - 2

Khách hàng phần nhiều là nữ.

 

Lạc chân vào chốn hiểm nguy

 

Một số người bạn của Hạnh do “phục” tài nghệ “vẽ hình nghệ thuật” của cô đã rao hộ trên vài trang web với nội dung “phục vụ tại nhà”. Ban đầu, có thêm khách yêu cầu qua điện thoại, giá trả thường cao hơn, Hạnh cũng vui lắm. Nhưng chẳng ngờ, chính cái quảng cáo ấy đã gây cho Hạnh rất nhiều phiền toái khiến cô không dám phục vụ khách hàng tại nhà họ nữa.

 

Một lần, cuộc điện thoại đưa Hạnh đến một căn phòng trọ nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ. Mở cửa đón Hạnh là một người phụ nữ khoảng 30 tuổi khá đon đả nên Hạnh yên tâm dắt xe vào. Vào đến trong nhà, Hạnh mới hoảng hồn khi thấy 2 cô gái ăn mặc thiếu vải đang trát phấn lên mặt, một cô khác đang giác hơi cho người đàn ông xăm trổ đầy mình. Mùi thuốc lá nồng nặc lẫn nước hoa càng làm cho cô sinh viên trẻ nôn nao. Khách của Hạnh hôm đó yêu cầu xăm hình hoa hồng bên phía trước hông. Họ cũng chẳng ngại khi vén quần nằm xuống để Hạnh tô màu.

 

“Họ chẳng làm gì mình cả, tiền cũng thanh toán sòng phẳng”, Hạnh thuật lại. “Nhưng cái ánh mắt gã đàn ông đó nhìn mình khi ra về làm mình đến giờ nghĩ lại vẫn còn gai người. Giờ thì có cho thêm tiền mình cũng không dám đến tận nhà khách hàng để vẽ nữa. Cứ ra công viên vẽ cho an toàn”.

 

Không đến nỗi tá hỏa như Hạnh, Phượng duy nhất có một lần lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” là khi nhận được lời đề nghị của cậu ấm. “Do người quen giới thiệu, nên tớ mới đến đó. Khách là một học sinh lớp 11 muốn vẽ hình rồng để “thử phản ứng của ba má trước khi xăm thật”. Khi tớ bảo cởi áo ra để vẽ thì nó lột nguyên cả bộ, trừ mỗi cái quần chip, rồi nằm lên sofa. May mà lúc ấy tớ tỏ vẻ rắn, bắt nó mặc lại quần và ngồi dậy… chứ nghĩ dại, người nó to như vận động viên thể thao ấy mà có làm gì thì tớ cũng khó mà thoát nổi”. Kể từ đó, đi vẽ ở đâu, Hạnh cũng rủ bạn trai theo cùng.

 

Theo Zing