“Bếp núc” của những tấm ảnh “chế”
Thay cho những dòng chữ bình luận trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đang hào hứng với hàng loạt fanpage ảnh “chế” đầy hài hước.
“Thực đơn” cười
Sự ra đời của hàng loạt fanpage chuyên “chế” ảnh đã tạo thành một trào lưu trong cộng đồng mạng. Đa phần các trang này “chế” ảnh của các nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí, nhân vật hoạt hình hay các thần tượng âm nhạc nước ngoài.
Mỗi trang hướng đến nhóm đối tượng riêng. Hội những người thích ảnh “chế” EXO, với hơn 100.000 lượt “like” tập hợp những hình ảnh của nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc. Đối tượng của trang này là fan “ruột” của nhóm. Hội “chế” ảnh Running Man có hơn 25.000 like là nơi tổng hợp các hình ảnh, câu thoại hài hước của chương trình truyền hình ăn khách Hàn Quốc Running Man.
Hoàng Hoanh (trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, sáng lập Hội những người thích “chế” ảnh EXO) chia sẻ: “Tụi mình là tập hợp của một nhóm fan EXO. Xu hướng “chế” ảnh thần tượng giai đoạn 2012 trở lại chủ yếu là ở trên Zing Me, ảnh được đăng trên tường cá nhân của mỗi người.
Sau này, khi các “fanpage” trên Facebook ngày càng được lập nhiều, tụi mình lập thành một nhóm và chuyển sang hẳn hoạt động trên Facebook. Hiện tại, nhóm còn lập thêm một tài khoản trên Instagram. Hầu hết ảnh “chế” của tụi mình đều sử dụng hình ảnh của thần tượng mà chưa xin phép.
Dù biết là không đúng nhưng việc xin phép rắc rối và mất nhiều thời gian. Hơn nữa, tụi mình chỉ làm với mục đích đem lại tiếng cười cho mọi người, không sử dụng những hình ảnh đó để trao đổi, buôn bán, kiếm tiền vì lợi ích riêng”.
T.B collection có hơn 1 triệu follow chuyên “chế” ảnh của các nhân vật hoạt hình, thường là các công chúa trong phim của hãng Disney. Những câu chuyện, hình ảnh của T.B collection được sáng tạo dựa vào nhiều mẩu đối thoại thường nhật của giới trẻ về tình yêu, tình bạn, chuyện học, các trào lưu mới đều nhanh chóng được cập nhật.
Ngoài ra, trên Facebook còn xuất hiện hàng loạt các fanpage ảnh “chế” “ăn theo” chương trình tìm kiếm người mẫu quảng cáo đang gây sốt The Face Việt Nam. Các trang như: Mai Ngô collection, Lan Khuê collection, Phạm Hương – Lan Khuê collection lấy hình ảnh của các nhân vật trong chương trình này, “chế” lời thoại theo tình huống. Tổng lượt “like” của các trang này gần 200.000, mỗi status thu được hàng nghìn lượt bình luận, share.
Nguyễn Tùng Dương (Học viện Ngân hàng, sáng lập Mai Ngô collection) cho biết: “Trang mình mới lập được một tháng, có gần 80.000 lượt thích. Mình cảm thấy rất vui. Lúc lập fanpage, mình không nghĩ nó lại có sức ảnh hưởng lớn đến thế.
Mình đã nhắn tin xin phép sử dụng hình ảnh chị Mai Ngô trong chương trình. Sức hút của The Face đã tạo nên “cơn sốt” với người xem. Với mình, fanpage ra đời từ sau cái biểu cảm bĩu môi “thần thánh” của Mai Ngô trong tập 3.
Với tính hài hước và một chút kinh nghiệm Photoshop, mình lập trang này để mang lại niềm vui cho mọi người, Nhiều người nghĩ page ghét Mai Ngô nhưng mình là fan “cứng” của Mai. Mình lập ra page này mong nhiều người biết đến Mai và dành tình cảm cho Mai nhiều hơn qua những bức hình “chế” vui nhộn”.
Những “đầu bếp” sáng tạo
“Một ảnh “chế” thường được ghép lại từ 2 – 6 ảnh nhỏ, dùng các phần mềm đơn giản như Paint, XiuXiu ghép lại, rồi viết chữ vào. Nội dung ảnh là các bạn trong fanpage tự nghĩ ra. Sau này, tụi mình bắt đầu đi sưu tầm những bức ảnh “khó đỡ”, những câu chuyện hài hước trên mạng, những vấn đề “hot”, biến tấu, thêm bớt phù hợp, rồi dùng Photoshop hoặc Photoscape chỉnh màu và ghép thành. Đối với các “clip parody”, tụi mình thay lời của bản gốc thành lời mình tự nghĩ ra, hoặc ghép video hài vào bản gốc”, Hoàng Hoanh bật mí cách tạo ra ảnh “chế”.
Đằng sau “thực đơn” thú vị là các “đầu bếp” đầy sáng tạo, tính cách hài hước. Để thu hút người xem, các trang còn chấp nhận “chế” ảnh do “member” gửi đến.
Tùng Dương kể: “Ý tưởng hay xuất hiện trong một cách bất ngờ, điện thoại mình lúc nào cũng có một trang ghi chú để ghi hết các ý tưởng ấy. Khi nào có thời gian, mình tìm ảnh có biểu cảm phù hợp để ghép lại và ghép thoại. Ngoài những ý tưởng bộc phát, mình có tham khảo thêm ở một số trang giải trí khác. Với những vấn đề nóng của xã hội, mình cũng đem vào “chế” ảnh, theo cách tếu táo hơn một chút”.
Dù làm việc “online”, không “lương”, đa phần các “đầu bếp” đều rất quan tâm đầu tư cho “fanpage” của mình để giữ lượng người theo dõi.
Nguyễn Ngọc Hải (trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, sáng lập trang Lan Khuê collection) chia sẻ: “Khi quản lý một “fanpage” ảnh “chế”, mình hiểu được tâm lý của mọi người là thích thư giãn sau những giờ học, giờ làm việc căng thẳng. Điều đó đồng nghĩa với việc mình phải cho ra ảnh “chế” thường xuyên. Nhưng ý tưởng không phải lúc nào cũng có. Những lúc cạn ý tưởng, mình sẽ “chế” ảnh với nội dung là những câu nói vui hoặc danh ngôn triết lý”.
Không nên đi quá giới hạn
Quản lý một fanpage mất rất nhiều thời gian và công sức. Theo các admin, các bạn phải trả lời hàng trăm tin nhắn phản hồi, đóng góp, hỏi đáp… của các “member”. Ngoài ra, thành viên phải thay phiên kiểm duyệt nội dung để tránh sai sót, sắp xếp lịch các bài viết sao cho không trùng giờ nhau, tạo “event” nhân dịp sinh nhật thành viên…
Một vấn đề được các cư dân mạng tò mò là sau khi các chương trình truyền hình kết thúc, sự tồn tại của các fanpage này sẽ ra sao. Ngọc Hải nói: “Thật ra, trang của mình “chế” ảnh chủ yếu dựa trên biểu cảm hài hước của các nhân vật trong chương trình. Nội dung “chế” hầu như không liên quan nhiều hoặc quá phụ thuộc vào đó. Nên mình nghĩ, sau khi chương trình kết thúc, nếu mọi người còn yêu thích, “fanpage” vẫn có thể hoạt động bình thường”.
Ngoài những mặt tích cực mang lại, nhiều người cho rằng, các trang này mang hình ảnh cá nhân của người khác ra làm trò đùa, sửa lại nguyên tác các nhân vật hoạt hình, truyện tranh hoặc làm méo mó hình ảnh thần tượng… là không chấp nhận được. Các “đầu bếp” chuyên “chế” ảnh giải thích sao trước những chỉ trích này?
Hoàng Hoanh bộc bạch: “Tụi mình xây dựng fanpage vì đam mê. Nếu có nhận được lời mời quảng cáo, khoản tiền đó tụi mình sẽ dành vào việc tổ chức offline hoặc tổ chức minigame cho “member”. Khi làm ảnh “chế”, tụi mình cân nhắc rất nhiều để không gây ảnh hưởng, xúc phạm đến bất kỳ nhân vật nào. Tụi mình đặt tiêu chuẩn cho từng bức ảnh “chế”. Ảnh “chế” có thể đem lại niềm vui cho mọi người nhưng không nên đi quá giới hạn.
Sự chú ý của cộng đồng trên fanpage không ảnh hưởng đến của cuộc sống của tụi mình mà còn giúp có thêm nhiều người bạn cùng sở thích”. Các fanpage ảnh “chế” thu hút lượng tương tác vô cùng lớn nhưng đa phần đều không đặt vấn đề thu lợi nhuận từ quảng cáo online".
“Mình chưa từng nghĩ đến việc có thể kiếm thu nhập từ việc thành lập fanpage và đó cũng không phải mục đích chính của mình. Mình cảm thấy xu hướng này cũng khá vui, nếu chúng ta làm dựa trên sự nghiêm túc.
Thật ra, khi mình “chế” ra những bức ảnh đó, sản phẩm sẽ có những bình luận, kiểu như: Đem người khác ra làm trò đùa, không tôn trọng người khác… Đa số ảnh “chế” mình cắt từ clip, thêm một nội dung vào đó, hoàn toàn không bôi nhọ hay làm méo mó hình ảnh của bất kỳ ai.
Mình nghĩ, nếu xem nó với tính chất vui vẻ thì chắc không có vấn đề gì”, Thanh Trúc (admin trang ảnh “chế” Phạm Hương – Lan Khuê collection) chia sẻ.
Không chỉ ở Việt Nam, xu hướng ảnh “chế” cũng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, vài nhân vật bị “chế” ảnh còn may mắn thành công từ chính những bức ảnh hài hước đó.
Bức ảnh “chế” Thánh nhọ Brian là một trong những nhân vật được “chế” ảnh nổi tiếng nhất thế giới. Nhân vật trong ảnh là Kyle Craven. Hàng triệu người dùng hình ảnh của Kyle để diễn tả những hoàn cảnh trớ trêu hay tình huống “khó đỡ”. Kyle từng kiếm được hàng chục nghìn đôla từ việc bán áo và quảng cáo chứa ảnh “chế” độc đáo này.
Cậu bé thành công là ảnh “chế” của Sammy Griner, do mẹ cậu chụp vào năm 2007. Năm ngoái, cậu nhờ vào sự nổi tiếng của mình để gây quỹ hơn 100.000 đôla chữa bệnh cho bố.
Còn Laina Morris lại nổi tiếng với bức ảnh Cô bạn gái đính kèm. Bức ảnh “chế” được cắt ra từ một “clip” nhạc “cover” trên YouTube của Laina. Trên đà nổi tiếng, cô phát triển kênh YouTube của mình, thu được hàng trăm nghìn đôla mỗi năm.
Theo Thuận Tùng
Sinh viên Việt Nam