Bệnh “viết tắt” của bạn trẻ thời @

“T.s a lại đx vs e nt, a có biết là hn e buồn lắm k? Có lẽ chúng ta sắp ct thật r`. P/S: Mai m` k đh đâu nha m.n” - Nhìn vào dòng status này trên Facebook bạn M.Q (lớp 12 trường THPT Phạm Ngũ Lão), không phải ai cũng “dịch” được…

Đã qua rồi trào lưu “viết chữ càng cách điệu càng phong cách”. Teen thời nay chọn cách viết giản lược tối thiểu và người đọc muốn hiểu sao cũng được…

 

Một đống từ viết tắt – Thắc mắc chẳng biết hỏi ai

 

“T.s a lại đx vs e nt, a có biết là hn e buồn lắm k? Có lẽ chúng ta sắp ct thật r`. P/S: Mai m` k đh đâu nha m.n” – Nhìn vào dòng status này trên Facebook bạn M.Q (lớp 12 trường THPT Phạm Ngũ Lão), không phải ai cũng “dịch” được dòng ấy có nghĩa là: “Tại sao anh lại đối xử với em như thế, anh có biết là hôm nay em buồn lắm không? Có lẽ chúng ta sắp chia tay thật rồi. P/S: Mai mình không đi học đâu nha mọi người”.

 

Kiểu viết tắt này hiện nay không hiếm trong giới trẻ và nó ngày càng lây lan, tạo thành một quy ước ngầm khiến cho teen dễ đọc, dễ hiểu và dễ…mắc phải thói quen này

 

“Mình là sinh viên, qua thời teen rồi. Hồi đó mình mà nhắn tin nhiều khi cũng chẳng ai đọc ra đâu, nhưng bây giờ thì biết nhắn tin lại nghiêm túc hơn, vì người ta đánh giá mình qua cách mình gửi đoạn tin nhắn nữa.

 

Dạo gần đây lại thấy tin nhắn của mọi người chỉn chu hơn hẳn nhưng có nhiều chữ viết tắt làm mình cứ nhầm lẫn mãi. Lâu lâu có người nhắn tin hỏi “Đang l` gì đ’?”, mình hết hồn, phải mất một lúc sau mới dịch ra được. Chẳng lẽ viết tắt đang là “mốt”?”, Nhân Trọng (sinh viên năm 1 trường CĐ Kinh Tế) bày tỏ.

 

“Bạn bè mình viết tắt kiểu này là chuyện thường xuyên. Ban đầu mình còn hỏi để họ giải thích, về sau tự hiểu được kha khá và quen luôn. Có những từ thường được viết tắt nhiều nhất là “cs” (cuộc sống), “ntn” (như thế nào, như thế này), “nv” (như vậy), “ks” (không sao), “sn” (suy nghĩ)… Nhưng mình cũng đồng ý là khi viết tắt, người ngoài nhìn vào dễ hiểu lầm.

 

Chẳng hạn như “cs” sẽ bị hiểu là “cảnh sát”, “sn” là sinh nhật, “ks” là “khách sạn”, “nv” là “nhân viên”, “nhân vật”… Đọc một câu mà toàn mấy từ viết tắt dễ hiểu lầm thì thông tin sai lệch hẳn còn gì”, Minh Thuận (lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo) chia sẻ.

 
Bệnh “viết tắt” của bạn trẻ thời @   - 1
 

Teen tự “bào chữa”

 

Sau đây là những lý do để họ viết tắt:

 

Giảm bớt sự nặng nề trong câu chữ: Chẳng hạn như “Mệt mỏi với cs này q’ r`” thì sẽ cảm thấy đỡ mất cảm tình hơn là câu nói có một chút gay gắt “Mệt mỏi với cuộc sống này quá rồi!”

 

Bắt người đọc phải đoán, ai đọc hết mới thật sự quan tâm: Đây là suy nghĩ của rất nhiều bạn. Họ cho rằng, viết tắt sẽ tránh được sự chú ý của những người không liên quan, vì họ không rảnh để ngồi “đoán”, còn ai thật sự muốn biết thì sẽ “vận dụng tư duy” để “dịch”

 

Đỡ mất thời gian: Những từ viết tắt thường là những từ rất phổ biến và lặp lại nhiều lần, nên việc viết tắt sẽ tiết kiệm được một khoản thời gian kha khá

 

Tạo phong cách riêng: Nhiều bạn thường viết chữ “rồi” bằng “r`”, hoặc “mệt mỏi” là “mm”, và thường thì chỉ viết tắt những chữ đó. Không cần nhìn số điện thoại, chỉ cần đọc tin nhắn, thấy viết tắt như thế, bạn bè nhận ra ngay đó là họ.

 

Chơi chữ: Nhiều từ có kiểu viết tắt trùng với những từ ngữ khác nên teen cố tình viết tắt để “khơi gợi trí tưởng tượng của mọi người”. Tuy nhiên lý do này hiếm khi được sử dụng.

 

Thế nào gọi là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”?

 

Không phải bạn viết câu chữ nghiêm túc, không uốn éo, thêm dấu bừa bãi, là bạn biết tôn trọng người đọc. Sự trong sáng của tiếng Việt biểu hiện ở chỗ từng câu chữ phải đúng ngữ pháp, chính tả và quan trọng hơn hết là rõ nghĩa.

 

Một đoạn chữ, một tin nhắn…luôn cần thông điệp rõ ràng và khúc chiết. Nếu viết tắt cho “phong cách” và “tiết kiệm” thì cũng rất có thể bạn sẽ mất thời gian “dịch” lại, hoặc khiến cho người đọc hiểu lầm.

 

Sự cẩu thả dần sẽ trở thành thói quen, sẽ ra sao khi bài thi của bạn toàn những từ viết tắt? Không phải ai cũng hiểu được quy ước của teen và không phải teen nào cũng đọc hết được các từ viết tắt.

 

Thời của “ngôn ngữ khó hiểu” đã qua, và thời hiện đại đang bắt đầu khiến con người hoạt động nhanh hơn, vội hơn, đó là lý do để nhiều bạn teen mắc bệnh “viết tắt”, nhưng nếu truyền đi một thông tin mà thông tin đó không ai hiểu được thì có phải là phí công vô ích?

 

Cuộc sống càng hiện đại, càng tiện nghi, các giá trị truyền thống, cũng như sự bảo tồn và nâng niu các giá trị đó, cần được gìn giữ và phát huy hơn lúc nào hết. Và bạn, hãy bắt đầu từ việc “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” bằng cách tôn trọng cấu trúc ngữ pháp đơn thuần của nó, đừng lạm dụng viết tắt quá nhiều, bạn nhé!

 

Sẽ không mất thời gian lắm nếu như viết rõ một vài từ, nhưng sẽ mất thời gian gấp đôi để giải thích lại cho người khác từ viết tắt đó

 

Theo Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm