“Bệnh sĩ” của tuổi teen

Bệnh sĩ là muốn khoe khoang, cố đạt bằng được thứ mình muốn để chứng minh mình không thua kém ai. Đặc biệt bệnh này xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi teen chúng ta.

“Bắt mạch” bệnh sĩ bằng cách nào?

 

Thực chất có nhiều loại sĩ diện nhưng chung qui lại vì các teen muốn thể hiện “đẳng cấp” của mình nên cố không để thua thiệt bạn bè về vật chất, hình thức.

 

Điển hình như anh chàng K, vì thấy thằng bạn thân được ba mẹ sắm cho chiếc xe Airblade nhân dịp đậu đại học mà K cũng phải thúc giục bằng được ba mẹ mình mua ngay chiếc xe giống y thằng bạn cho mình.

 

Gia đình K cả ba lẫn mẹ đều làm công nhân viên chức nhà nước nên đồng lương chỉ đủ trang trải, chi tiêu trong nhà, vì thế họ không thể nào đáp ứng nổi yêu cầu quá cao đó của K. Ba K nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ cho K hiểu việc sở hữu một chiếc xe tay ga mắc tiền như vậy vào độ tuổi K chưa thật cần thiết, vả lại K nên biết thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình.

 

K không những không nghe mà còn nổi khùng lại với ba: “Nhà người ta con cái muốn gì được nấy, còn nhà mình thì có mỗi chiếc xe cũng không cho, con thật bất hạnh khi phải sinh ra trong ngôi nhà này”.

 

Ba K sững sờ trước những lời nói của K, nhưng rồi cuối cùng ông vẫn phải vay mượn, xoay sở mua chiếc xe ấy cho K để K không phải xấu hổ với bạn bè khi bước chân vào giảng đường đại học, vả lại trong nhà chỉ có mình K là đứa con duy nhất, trước sau gì thì cũng phải lo cho K..

 

Trường hợp của L thì cũng không khá khẩm hơn, vì quãng đường từ L tới trường chạy ngang qua chỗ ba L làm việc nên hầu như ngày nào ba cũng chở L đi học. Tuy nhiên, việc ngồi trên chiếc xe Dream cũ rích của ba khiến L thấy khó chịu và mặc cảm với bạn bè.

 

Một hôm, L mới bảo ba không phải chở L đi học nữa, đã có bạn chung lớp đèo L đi cùng, ai dè để có được cái anh chàng mặt bảnh chọe, tóc láng bóng, lái con SH xuất hiện trước cổng trường để L lấy “le” với đám bạn mà L đã phải trả cái giá không nhỏ: 100k/ lần xuất hiện.

 

Còn cô nàng V, vì muốn tạo cái mác tiểu thư trước những người bạn “đại gia” giàu có của mình mà đã không ngần ngại chi biết bao nhiêu là tiền để mua sắm quần áo, giày dép, sửa sang đầu tóc để biến thành “con nai vàng” dễ thương trong mắt mọi người…

 

Và còn vô vàn những kiểu sĩ diện của teen xuất hiện hằng ngày mà tui không thể nào kể xiết.

 
“Bệnh sĩ” của tuổi teen - 1
 

Hậu quả của bệnh sĩ?

 

Bệnh nào cũng sẽ để lại hậu quả, nhất là bệnh sĩ thì hậu quả lại càng nghiêm trọng. Bởi vì người ta chỉ có thể sĩ một lúc chứ không thể sĩ cả đời được.

 

Như anh chàng K, được ba mẹ sắm cho chiếc xe Airblade thì hỉ hả lắm bởi được ra oai với đám bạn bè, nhất là với thằng bạn thân. Nhưng không bao lâu K phải “đau đầu, chóng mặt” vì nhà thằng bạn đó thuộc hàng giàu có nhất nhì tỉnh, tiếp tục sắm sanh không biết bao nhiêu là đồ, từ áo quần hàng hiệu mỗi ngày một kiểu mốt cho đến việc tiêu tiền phung phí, xả láng ở chốn thành đô mà K có chạy dép theo cũng không kịp. K đâu biết được rằng để có số tiền mua chiếc xe đó cho K ba mẹ đã phải làm lụng khổ cực gần 1 năm trời mới có thể trả hết nợ.

 

Còn trường hợp của L, gia đình L cũng thuộc dạng bình thường, vì vậy L không thể lúc nào cũng rủng rẻng tiền để thuê cái anh chàng bảnh bao kia chỉ với một nhiệm vụ đứng cho bàn dân thiên hạ thấy và bàn tán đấy là bồ của L.

 

Không còn tiền cho anh ta thì cũng đồng nghĩa anh chàng nói: – goodbye với L để kiếm một cô nàng thích sĩ diện khác. Cuối cùng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, bạn bè biết được chẳng ai thích chơi với kiểu người như L - thích sĩ diện thái quá.

 

Và V thì cũng chẳng thể nào trụ nổi với cả mớ đồ dùng hàng hiệu của các cô bạn “đại gia”, bởi họ gia đình giàu có thừa tiền cho họ thích vung bao nhiêu thì tùy, còn V phải lăn lưng lăn xác đi làm thêm đủ nghề mới có tiền chưng diện, đủ tiền để bao tụi nó ăn uống tại những nhà hàng đắt tiền sang trọng. Cuối cùng, không chịu nổi V đã phải lột bỏ cái mác tiểu thư và từ từ lánh xa đám bạn đó để bảo toàn tài chính cho mình.

 

Nên hay không: Tính sĩ diện?

 

Bệnh sĩ là như thế đấy các teen ạ, nó chỉ là một cái vỏ bề ngoài hào nhoáng che giấu đi sự mục ruỗng trong tâm hồn! Nên hay không thì bản thân các teen cũng đã tự có câu trả lời cho mình rồi.

 

Thực chất, hình thức không bao giờ đánh giá chính xác con người bạn như thế nào cả và hình thức cũng không thể nào làm tôn giá trị của bạn lên. Quan trọng là ở tính cách, tâm hồn, những điều bạn làm, bạn hi sinh vì người khác mới khiến cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa và bổ ích. Vì vậy, đừng để tính sĩ vặt, sĩ diện làm hoen ố tâm hồn trong sáng của mình, các teen nhé!

 

Theo Phạm Thị Hồng

Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm