Bệnh đua đòi của những... "công tử chân đất"

Hùng là con nhà nông. Bố mẹ đều nghèo, bản thân chưa có nghề nghiệp nhưng Hùng lại sớm đua đòi, phì phèo thuốc lá, thường xuyên "cưỡi" xe máy đi chơi đêm, "bao" bạn gái không tiếc tiền...

Cũng giống như Hùng, bố mẹ Nam làm ruộng. Trong khi cả nhà ai nấy ngày đêm đầu tắt mặt tối với trang trại VAC, quyết tâm thoát nghèo, thì “công tử Nam” chẳng bao giờ cần biết việc đồng áng. Nam quan niệm việc nhà nông, ruộng đồng là việc của cha mẹ và... những người già cả.

 

Trước đây nhà Nam rất nghèo. Bố mẹ sinh năm chị em. Cũng vì nhà nghèo nên bố mẹ luôn nhắc dù sau này có vất vả đến đâu, chỉ cần cậu con trai lớn lên học hành đến nơi, đến chốn là họ vui lòng và mãn nguyện.

 

Suốt những năm tháng học ở trường làng, cấp 1, cấp 2, dù học hành không giỏi nhưng Nam lúc nào cũng mượn cớ sách vở để trốn làm những việc khác. Bố mẹ là làm nông, chẳng đủ điều kiện để kiểm tra bài vở của con. Vả lại thấy những đứa trẻ con ở làng không mấy người được đi học nên ông bà tự nhủ, chỉ thằng Nam được đi học, biết đâu sau này nó lớn lên thành đạt gia đình tha hồ mở mặt với đời.
 
Bệnh đua đòi của những... công tử chân đất

Thay vì nỗ lực lao động giúp bản thân và gia đình, không ít bạn trẻ chỉ tập trung nhậu nhẹt, vui chơi. (ảnh minh họa)

 

Kết quả, học tập chểnh mảng đã khiến Nam trượt đại học ngay từ năm đầu tiên. Không đủ sức thi đến năm thứ hai, Nam trở thành kẻ vô công rồi nghề, hàng ngày nằm dài ở nhà, hết ngủ lại lấy cớ đi lượn lờ xe máy.

 

Những tháng ngày rảnh rỗi ở nhà, để chứng minh mình dáng công tử, thay vì việc dùi mài kinh sử, Nam theo chúng bạn đi khắp làng trên, xóm dưới tán tỉnh những cô gái quê.

 

Hầu hết các đêm, chàng trai phải tụ tập chơi rong đến 1,2 giờ sáng mới về. Nam thường là nỗi lo sợ của ông bà và bố mẹ khi cứ đến nửa đêm rồi mà gia đình vẫn chưa thấy bóng con trai trở về nhà. Bảng thành tích yêu đương của Nam dầy lên bao nhiêu, đồng nghĩa với việc chàng trai ngốn vào đó ngày càng nhiều tiền.

 

"Đi chơi đêm phải mất tiền xăng xe, lại còn tiền uống nước, hút thuốc. Tiền là một chuyện còn chuyện cứ đi thâu đêm về nó lại lăn ra ngủ. Những ngày đồng áng mệt nhọc, bố mẹ phải dậy sớm từ 5 giờ sáng để ra đồng, trong khi con trai nằm dài ở nhà ngủ đến tận trưa.

 

Nếu không ngủ, nó "dán mắt" vào điện thoại chát, gọi điện hầu như cả ngày. Chứng kiến cảnh này chúng tôi buồn lắm nhưng không biết làm thế nào. Chẳng lẽ lúc nào cũng mang con ra đánh chửi", bố Nam buồn rười rượi nói.

 

Nỗi buồn của bố Nam cũng là tâm sự chung của nhiều ông bố, bà mẹ ở quê có con ham chơi, lười lao động. Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi gia đình, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và nhất là các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên...

 

Mải mê ăn chơi, lười lao động sẽ dễ sa ngã

 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã "mở lối" cho nhiều người trẻ. Chỉ cần họ có chút chăm chỉ, nhận thức đúng đắn về bản thân, biết yêu gia đình và lao động... là hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống với mức thu nhập 3 đến 4 triệu đồng/tháng ngay tại quê hương mình.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thanh niên có nhận thức đúng đắn, chí thú làm giàu, vẫn còn nhiều bạn mải chơi, thích chơi hơn làm. Đó cũng là nỗi trăn trở, nhức nhối của tổ chức Đoàn.

 

Như nhiều vùng quê khác, Ứng Hòa cũng là địa bàn có nhiều điểm công nghiệp, nhiều làng nghề và là một trong những địa phương có những bước phát triển mạnh trong chương trình nông thôn mới, từ đó cũng sinh ra nhiều mô hình dồn điền, đổi thửa làm VAC thành công.

 

Song một số người trẻ "vì lười, vì còn thích chơi hơn làm" nên vẫn không chịu lao động, kiếm tiền. Nếu cứ mải mê ăn chơi, không chịu làm việc, không ít bạn sẽ dễ dàng mắc vào các tệ nạn xã hội. Hơn nữa, dù có lập gia đình cuộc sống cũng khó hạnh phúc bởi thói quen ăn chơi nhưng lười lao động.

 

(Anh Nguyễn Văn Định -  Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa, Hà Nội)

 

Theo Anh Vũ

Tuổi trẻ thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm