Bẫy lừa việc làm "đón lõng" chờ tân sinh viên

(Dân trí) - Các bạn sinh viên khi đặt chân đến các thành phố lớn học thường bị choáng ngợp bởi những thông tin tuyển dụng. Tuy nhiên, có không ít công ty “ma” giăng bẫy lừa đảo các bạn tân sinh viên nhẹ dạ, cả tin đang có nhu cầu làm thêm.

Những “bẫy” lừa việc làm

Ở các trạm xe buýt, cổng trường đại học xuất hiện dày đặc những thông tin tuyển dụng việc làm thêm với mức lương cao, thời gian phù hợp cho lịch học của sinh viên nhưng khi tham gia thì... tiền mất tật mang.

Xuống Hà Nội chưa được bao lâu, Tâm (trường ĐH Công đoàn) đã muốn tìm việc làm thêm đỡ đần bố mẹ trang trải chi phí ăn học. Do đó, Tâm đã đăng ký công việc phát tờ rơi, với mức lương 1 triệu đồng cho 1 tuần, mỗi ngày 2 ca khi tan học. Tưởng dễ ăn, Tâm không buồn đọc kỹ hợp đồng nên ký ngay cùng khoản đặt cọc 500.000 đồng cho công ty tuyển dụng.

Sau vài ngày phát tờ rơi giữa trưa nắng và đi lại nhiều địa điểm xa trung tâm thành phố, Tâm phải nhập viện truyền nước vì đuối sức. Xin chuyển địa điểm phát tờ rơi, nhưng không được chấp thuận, Tâm đành xin nghỉ. Tuy nhiên, không những không được một đồng nào cho mấy ngày làm đã qua, Tâm cũng không thể lấy lại được số tiền đặt cọc vì lý do phá vỡ hợp đồng.


Những thông báo tuyển dụng được dán nhiều ở trạm chờ xe buýt, ô thông tin công cộng.

Những thông báo tuyển dụng được dán nhiều ở trạm chờ xe buýt, ô thông tin công cộng.

Cũng muốn làm thêm để có tiền học ngoại ngữ, Lan (tân SV trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) hồ hởi đăng ký thông tin tuyển dụng nhân viên bán vé xem phim với mức lương theo ca khá hợp lý. Sau khi đóng tiền đặt cọc 400.000 đồng tiền hồ sơ, người của công ty giới thiệu cô bạn sang một công ty khác nhận việc.

“Tuy nhiên, khi đến công ty mới, mình không được nhận nữa vì đã đủ số người làm. Quay lại để lấy số tiền đã nộp để đi tìm việc khác nhưng mình đã bị từ chối. Lúc này mình mới biết bản thân đã bị lừa mà không có chứng cứ để kiện vì không có biên lai thu nhận tiền đã nộp”.

Với mong muốn nhanh chóng có thêm đồng ra đồng vào, Nam (trường ĐH Marketing TP.HCM) đã bị “hút” vào mạng lưới đa cấp theo lời rủ rê của một anh cùng xóm trọ. Tâm đã vay mượn bạn bè tiền để nộp phí gia nhập.

Làm một thời gian, hiểu ra đây là một công ty lừa đảo vì bán sản phẩm quá cao so với giá trị thực, nhưng Nam vẫn phải trụ lại để kiếm tiền trả nợ. Nam đã lôi kéo bạn bè, người thân mua sản phẩm, thậm chí vay lãi cao để tự mua hàng cho đủ định mức.

Vì không có kinh nghiệm, kĩ năng gì, Thúy (trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đã xin vào làm ở quán café, với mức lương 1,5 triệu 1 tháng. Để được nhận vào làm chính thức, Thúy phải trải qua 3 ngày thử việc.

Thúy cho biết: “2 ngày đầu mình làm không xảy ra sai sót gì. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, dù làm rất cẩn thận để được ở lại thì chủ quán bắt đầu soi mói, thường xuyên quát nạt và đánh giá mình làm không được nên không nhận. Và với lí do 3 ngày vừa rồi mình học việc nên chủ không trả một đồng lương nào”, Thúy cho biết.

Sau đó, Thúy tiếp tục xin ở quán ăn khác, lần này Thúy được ký hợp đồng thỏa thuận thời gian làm việc, lương bổng. Tuy nhiên, khi làm được 20 ngày, vì bận việc học nên Thúy đã xin nghỉ và có báo trước.

“Dù vậy, bà chủ vẫn bảo do mình phá vỡ hợp đồng, nên không trả cho 20 ngày lương ấy. Lần đầu mình không ký hợp đồng nên đã bị lừa. Lần thứ 2, mình ký vẫn bị lừa vì không đọc kỹ hợp đồng. Hóa ra điều khoản ấy mình có xem qua mà chủ quan nên không lưu ý để thương lượng ngay từ đầu”.

Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên chưa có kĩ năng, kinh nghiệm, nhiều công ty, trung tâm gia sư đã có nhiều hình thức, chiêu trò lừa đảo với các công việc nhàn hạ, lương cao.

Không chỉ bắt ứng viên đóng phí tuyển dụng hoặc đặt cọc tiền, họ còn giao việc quá khó hoặc bắt bẻ để người làm tự bỏ cuộc. Ngoài ra, cũng nhiều công ty “ma” biến mất ngay sau khi thu phí tuyển dụng từ sinh viên. Vì “chân ướt, chân ráo” bước ra môi trường mới mà nhiều tân sinh viên đã sập bẫy lừa.

Một số bí quyết giúp các bạn tân sinh viên không rơi vào “bẫy” lừa việc làm:

1.Tìm địa chỉ tin cậy: “Bẫy” tuyển dụng thường được dán trên các cổng trường, trạm xe buýt hoặc trên mạng. Các bạn sinh viên đặc biệt lưu ý, không nên tin vào thông tin như: tuyển dụng bán vé máy bay, bán xăng, bán vé xem phim, phát tờ rơi, trực điện thoại… Để đảm bảo, các bạn hãy tìm các công ty có uy tín để nộp hồ sơ.

2.Tìm hiểu kỹ nơi tuyển dụng: Với việc làm trong công ty đa cấp, các bạn sinh viên cần tìm hiểu nguồn gốc công ty, tôn chỉ mục đích kinh doanh, hình thức kinh doanh và uy tín xã hội… Từ đó, hãy tỉnh táo suy xét, không có công việc nào dễ dàng mà lại nhanh chóng có thu nhập cao.

3. Tham khảo từ những người xung quanh lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn mình về các địa chỉ dự định sẽ xin việc. Đó có thể là anh chị khóa trên, ở xóm trọ… để cảnh giác hơn và không bị trúng những “mũi tên tuyển dụng ngọt ngào”.

4. Tham khảo từ các trang, nhóm trên Facebook về thông tin việc làm. Hiện nay có nhiều trang, nhóm cảnh báo “danh sách đen” các công ty lừa đảo việc làm cho sinh viên: Những trò lừa đảo sinh viên cần biết, Hội anti công ty X, Vạch mặt các công ty lừa đảo, Tẩy chay đa cấp lừa đảo…

5. Cam kết bằng giấy tờ, hợp đồng: Nhiều bạn sinh viên thường e ngại trong việc ký kết hợp đồng vì không nắm rõ luật hoặc tin tưởng vào đơn vị mình làm. Tuy nhiên, để không bị thiệt thòi, các bạn hãy yêu cầu có biên lai khi đóng tiền, hoặc hợp đồng lao động với sự thỏa thuận hợp lý về mức lương, thời gian làm việc…


Hoài Thư