Bất ngờ với nhóm sinh viên “tuổi trẻ sáng tạo”

(Dân trí) - Gặp bốn sinh viên sau hơn hai tháng đoạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học 2009”, chúng tôi cứ ngỡ đây là một nhóm bạn thân. Nhưng khi nghe họ nói chuyện thì mới biết rằng chính công trình nghiên cứu đã đưa bốn con người xa lạ đến với nhau…

“Giải thưởng là điều tuyệt vời đối với bọn mình nhưng quan trọng hơn là bọn mình đã có thêm kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, có thêm những người bạn thân thiết”. Đó là lời tâm sự của bốn sinh viên đến từ học viện Quân Y:  Hồ Thị Lê (sinh viên lớp 39A), Thân Văn Hòe (SV lớp 39B), Võ Hoàng Lãng Du (SV lớp 38A), Nguyễn Thị Ninh Thùy  (SV lớp 38B) -  Nhóm sinh viên có công trình nghiên cứu được đánh giá rất cao trong cuộc thi “Sinh viên sáng tạo khoa học 2009” do Bộ GD- ĐT, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
 
Bất ngờ với nhóm sinh viên “tuổi trẻ sáng tạo” - 1
Nhóm sinh viên trong một buổi trao đổi bài học

Bốn con người cùng chung một ý tưởng…

Gặp gỡ bốn bạn sinh viên sau hơn hai tháng đạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học 2009” , chúng tôi cứ ngỡ đây là một nhóm bạn thân cùng đứng ra nhận một đề tài khoa học để nghiên cứu. Nhưng khi nghe họ nói chuyện thì chúng tôi mới biết rằng chính công trình nghiên cứu đã đưa bốn con người xa lạ đến với nhau.

Bốn bạn đều là sinh viên khá, giỏi của trường. Tất cả có chung một niềm đam mê là nghiên cứu khoa học. Với họ, nghiên cứu khoa học trước hết là để học hỏi  phương pháp, tư duy khoa học, tìm kiếm những ứng dụng  đối với đời sống. Hơn nữa, ai cũng mong muốn khám phá  những điều mới mẻ, nên không ai bảo ai, bốn sinh viên đã chọn đề tài “Tách chiết AND ty thể từ thân tóc bằng hạt từ tính” .

“Cách thức này còn khá mới mẻ trong khoa học, cũng có một số người tiến hành theo những cách khác nhau nhưng chưa thu được kết quả. Mình muốn áp dụng một quy trình mới để kiểm nghiệm”, Lê tâm sự và đó cũng là quan điểm của ba thành viên còn lại.

Chính từ sự gặp gỡ của cùng một ý tưởng nghiên cứu đã “ghép” bốn người lại với nhau. Trong thời gian một năm rưỡi (tháng 3/2008 đến tháng 7/2009), ngoài thời gian lên lớp, thực tập thì gần như lúc nào họ cũng “cặp” cùng nhau trong phòng thí nghiệm, đi thu thập mẫu vật hay lúc làm báo cáo...  Có khi mỗi người làm một việc song cũng có lúc cả bốn đều chung tay, góp sức, ai cũng cố gắng hết mình để hoàn thành đề tài nghiên cứu.

Hòe chia sẻ: “Ngẫu nhiên chọn cùng một đề tài nghiên cứu, ngẫu nhiên thành một nhóm bạn mặc dù trước đó chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Công việc cũng nhiều nhưng ai cũng có ý thức và lòng nhiệt tình nên bọn mình không thấy quá vất vả đâu.”

Khi được hỏi về những mâu thuẫn xảy ra trong quá trình nghiên cứu, cả nhóm đều cho rằng đã là nghiên cứu khoa học thì đương nhiên sẽ có những tranh luận, những chưa bao giờ cả nhóm tranh cãi gay gắt trước một vấn đề nào cả. Nếu có những ý kiến trái chiều, họ thường xem xét đến tận cùng gốc rễ của vấn đề và nhờ đến sự chỉ bảo của các thầy hướng dẫn.

“Bọn mình giống nhau là ai cũng điềm tĩnh và cẩn thận, nên chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn cả. Điều đặc biệt là cả bốn đứa thấy hòa hợp trong suốt thời gian làm việc cùng nhau. Có lẽ vì vậy nên đến tận bây giờ, mặc dù công trình nghiên cứu đã thành công nhưng  bọn mình vẫn  thân thiết với nhau đến thế”, Du tâm sự.

Mỗi con người, mỗi tính cách nhưng đều có điểm chung là niềm say mê nghiên cứu khoa học. Tất cả đều đồng lòng, quyết tâm trên con đường đi tìm những chân lý mới mẻ mặc dù họ gặp không ít những khó khăn và thách thức.

Vượt khó khăn để đi đến thành công…

Bốn gương mặt đậm chất lính trẻ trung, rạng ngời và đầy tự hào khi nói về thành công ngoài sức tưởng tượng của công trình nghiên cứu: “Được nhận giải nhất của Bộ Giáo dục và Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam thì bọn mình đã thấy ngạc nhiên lắm rồi. Khi TƯ Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” thì đó đúng là một bất ngờ lớn. Nhưng cả nhóm vui mừng đến mức vỡ òa là lúc được nhận bằng khen “Sinh viên xuất sắc trong sáng tạo năm 2009” của Đại sứ quán Thụy Sĩ trao tặng”.
 
Bất ngờ với nhóm sinh viên “tuổi trẻ sáng tạo” - 2
Nhóm sinh viên nghiên cứu (Thân Văn Hòe, Võ Hoàng Lãng Du, Hồ Thị Lê, Nguyễn Thị Ninh Thùy) và giáo viên hướng dẫn Trần Văn Khoa

Để có được những đánh giá cao như thế từ ban tổ chức cuộc thi, các bạn đã phải trải qua không ít khó khăn. Vẫn biết đó là những khó khăn thường thấy của sinh viên khi tiến hành nghiên cứu khoa học, nhưng với một sinh viên học Quân y thì còn có những khó khăn đặc thù. Các bạn phải đảm bảo việc học trên lớp, thực tập tại bệnh viện và sinh hoạt, lao động tại trường, vì vậy quỹ thời gian của họ khá eo hẹp.

Nhưng với bốn bạn sinh viên này thì họ không coi đó là khó khăn mà đó là những thử thách. Họ đặt ra cho riêng mình thời gian biểu để hoàn nhiệm vụ học tập thật tốt rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện nghiên cứu. Vì ai cũng quan niệm: “Muốn trở thành một nhà nghiên cứu tốt thì phải trở thành một học viên tốt”. Vì thế cho dù bận rộn với đề tài khoa học nhưng các bạn vẫn giữ được danh hiệu sinh viên khá, giỏi của mình.

Để có thời gian nghiên cứu  thì sau mỗi giờ học hoặc những ngày nghỉ, cả bốn người đều tập trung tại phòng thí nghiệm. Thậm chí họ còn không có những ngày hè thư giãn vì ai cũng muốn tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi này.

Nhận nghiên cứu một đề tài còn mới mẻ với nền khoa học Việt Nam là một khó khăn lớn của bốn bạn sinh viên Quân y. Gần như không có những tài liệu tiếng Việt, vì vậy mỗi người phải đọc và dịch khoảng 30 cuốn sách từ tiếng Anh để phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, môi trường làm việc bắt buộc phải sử dụng mấy móc công nghệ hiện đại và tiếp xúc với những hóa chất độc hại khiến họ phải tập trung cao độ và cẩn thận vô cùng. Bốn bạn phải tự làm tất cả những công việc của từng giai đoạn, từ việc đi thu thập xương ở các quán ăn, lông gà ở chợ và tóc của những người cùng huyết thống cho đến việc thử nghiệm,  tách chiết AND….  Ai cũng hết mình với công việc, và sau mỗi phát hiện thú vị thì họ càng hăng say hơn. 

Bốn bạn sinh viên trẻ trung với đôi mắt sáng trong  và đầy tình cảm  khi kể về những tháng ngày bên nhau, cùng thực hiện công trình nghiên cứu. Họ quan niệm rằng: giải thưởng không phải là tất cả, lòng say mê đối với khoa học mới là điều quan trọng nhất!

Điệp Trần - Mai Hạnh