Bất ngờ chiến sĩ trẻ trở thành người mẫu

(Dân trí) - Con đường trở thành người mẫu của các chiến sĩ trẻ thật đơn giản đến không ngờ.

Sáng ngày 10/7, cổng trường ĐH Kiến trúc TPHCM xịch mở. Ba chiếc xe màu vàng nối đuôi vào trong khuôn viên trường. Xuống xe, 92 chiến sĩ với sắc phục chỉnh tề tỏa ra các phòng thi. Họ làm người mẫu nam cho bài thi vẽ Hình họa mỹ thuật. 
 
Bất ngờ chiến sĩ trẻ trở thành người mẫu  - 1

Thí sinh dự thi trường ĐH Kiến trúc TPHCM trong bài thi vẽ Hình họa mỹ thuật với người mẫu là chiến sĩ.

 

Bất chợt trở thành người mẫu

 

Nếu bạn là chiến sĩ, một ngày đẹp trời nào đó, từ trên đại đội sẽ gửi xuống một danh sách và có tên bạn ở trong đó. Bạn đã được lọt vào “mắt xanh” của hội đồng tuyển sinh trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Theo trung úy Nguyễn Hồng Xuân, trường CĐ Vinhempic, làm người mẫu cho các thí sinh thi môn vẽ là nhiệm vụ mà cũng là cơ hội để các chiến sĩ giao lưu với các trường đại học khác. 

 

Tiêu chuẩn làm người mẫu cũng khá dễ dàng, nhất là đối với các chiến sĩ. Theo lời thầy Trần Thanh Nam, trường ĐH Kiến trúc TPHCM, trước kỳ thi tuyển sinh khoảng một tháng, trường sẽ đến trường CĐ Vinhempic để chọn người mẫu. Tiêu chuẩn là phải cao ráo một chút, trắng trẻo, không sẹo, không đen lắm, không cận thị. Người mẫu tuy có khuôn mặt khác nhau nhưng phải giống nhau ở chiều cao, dáng dấp và ở một điểm quan trọng: đó là tỷ lệ của cơ thể. Đây chính là căn cứ để giám khảo chấm bài cho các thí sinh. Bài vẽ nào thể hiện đúng tỷ lệ cơ thể, có chiều sâu không gian thì sẽ đạt kết quả tốt. Nếu tỷ lệ sai thì nhìn sơ qua là giám khảo biết ngay. 

 

Sau khi đã trở thành người mẫu cho kỳ thi tuyển sinh đại học rồi, các chiến sĩ được quán triệt phải giữ gìn cơ thể cẩn thận, hạn chế vận động mạnh hay chơi thể thao để tránh trầy xước hay chấn thương. Trung úy Nguyễn Hồng Xuân, trường CĐ Vinhempic, người trực tiếp quản lý các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở ĐH Kiến trúc TPHCM cho biết, trong 2 năm làm người mẫu nam chưa có chiến sĩ nào phải bị loại vì để chấn thương cả.

 

Chiến sĩ Vũ Sơn Tùng, sinh viên năm 2, ngành Vũ khí bộ binh, trường CĐ Vinhempic, từng làm người mẫu trong năm ngoái 2008 cho biết: “Quan trọng là các chiến sĩ phải ý thức được nhiệm vụ của mình, nên em vẫn chơi thể thao nhưng cẩn thận hơn”. Năm nay, Sơn Tùng cũng được làm người mẫu cho ĐH Kiến trúc TPHCM nhưng ở vị trí dự bị. 

 

Để chuẩn bị cho buổi thi ngày 10/7, các chiến sĩ phải dậy sớm hơn mọi hôm 30 phút. Ngay từ 4h45 phút, mọi người phải dậy. 92 chiến sĩ đến trường ĐH Kiến trúc lúc 5h40, sớm hơn cả thời gian cho phép 20 phút. 
 
Bất ngờ chiến sĩ trẻ trở thành người mẫu  - 2

Thí sinh có thể ngọ nguậy, còn người mẫu thì phải ngồi im hàng giờ.

 

Ngồi yên hàng giờ, chuyện nhỏ

 

Ở bài thi vẽ Hình họa mỹ thuật, thí sinh vẽ chân dung bán thân người mẫu ngồi nhìn thẳng. Và năm nào cũng vậy, ĐH Kiến trúc TPHCM chỉ sử dụng người mẫu nam. Có người đùa các thí sinh rằng họ sẽ vẽ chân dung khỏa thân… Nhưng theo thầy Trần Thanh Nam, để có đủ kỹ thuật vẽ khỏa thân, thì phải là sinh viên năm 2 hoặc năm 3. Người mẫu trong kỳ thi tuyển sinh bao giờ cũng là nam, và có mặc đồ hẳn hoi. Họ ngồi trên ghế và mặc chiếc áo thun ba lỗ do trường ĐH Kiến trúc đưa. 

 

Lí do để 2 năm liên tiếp trường ĐH Kiến trúc TPHCM chọn người mẫu nam từ  trường CĐ Vinhempic, đó là các chiến sĩ ngồi yên dễ dàng hơn người khác. Thầy Trần Thanh Nam cho biết, những năm trước trường chọn người mẫu từ sinh viên của trường Kiến trúc nên các bạn không có sức khỏe chịu đựng nổi ngồi hàng giờ đồng hồ. Thậm chí, vì biết vẽ nên có người mẫu còn nhắc bài cho thí sinh vẽ sao cho đúng tỷ lệ. Trong khi đó, các chiến sĩ thì quen rèn luyện trong quân đội, có ý thức kỷ luật cũng như sức chịu đựng dẻo dai nên khá phù hợp để làm người mẫu. 

 

Chiến sĩ Vũ Sơn Tùng cho biết chuyện ngồi yên với anh hết sức dễ  dàng. Hàng ngày, khi làm các nghi lễ quân đội, các chiến sĩ đứng hàng giờ đồng hồ. Tuy vậy, Sơn Tùng cũng run lúc bắt đầu ngồi làm mẫu. “Vì trong trường rất ít nữ, giờ làm người mẫu ngồi trước hàng chục thí sinh nữ nên run”, Tùng giải thích. Nhưng sau rồi quen, hết run. Ngồi chờ hàng giờ đồng hồ, chiến sĩ phải nghĩ miên man đủ chuyện cho mau hết giờ. Hỏi: “Anh nghĩ chuyện gì?” Chiến sĩ Tùng cười bảo: “Dạ, toàn nghĩ chuyện gia đình”. 

 

Làm người mẫu nam dẫu chỉ một vài lần nhưng đều để lại những dấu  ấn khó phai trong lòng các chiến sĩ. Có thí sinh tranh thủ giờ giải lao của người mẫu chạy lên hỏi nhỏ: “Anh xem em vẽ có giống anh hông?”. Chiến sĩ chỉ biết người trừ. Có thí sinh hơi kỹ tính nên còn yêu cầu  người mẫu ngồi xoay xoay lại tí xíu để vẽ cho dễ. Người mẫu cũng chiều lòng thí sinh. Điều khiến các chiến sĩ - người mẫu vui nhất là khi hết giờ làm bài, các thí sinh trước khi ra về đã chạy lại để cám ơn người mẫu, có em lại còn xin số điện thoại của anh người mẫu đẹp trai. 

 

 

Theo lời ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh khối H thi ngày 9-10/7/2009 tại TPHCM có 2.400 thí sinh. Các thí sinh thi vẽ Hình họa mỹ thuật trong 4,5 giờ. Trung bình cứ 20 thí sinh 1 người mẫu. ĐH Kiến trúc huy động 170 người mẫu là các sinh viên – chiến sĩ tại trường CĐ Vihempic. Người mẫu được giải lao 5 phút sau 1 giờ ngồi bất động cho các thí sinh vẽ. 

 

 

 

Bài và ảnh: Hiếu Hiền