Bất an với “sục” tự chế

“Sục” là dụng cụ đun nước sôi thô sơ bằng điện được cắm thẳng vào nước. Tuy quy định chung trong các KTX là cấm dùng “sục”, nhưng sinh viên vẫn “cứ dùng”, “dùng chui” và thậm chí có trường sinh viên còn dùng công khai.

Đó cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều nguy hiểm không đáng có cho sinh viên và gần đây nhất là vụ cháy từ việc “cắm sục rồi... quên” của SV ĐH Kinh tế quốc dân.

 

Kinh nghiệm chế “sục” truyền đời

 

Sinh viên vốn được mệnh danh là “giám đốc sở kiệm”, là kĩ sư sáng chế của các sản phẩm “thủ công chất lượng cao”. Một chiếc “sục” ngoài chợ giá chỉ 3.500 đồng (loại nhỏ nhất) và 12.000 đồng (loại to nhất) cũng được dân sinh viên liệt vào danh mục sản phẩm tự chế.

 

Những chiếc “sục” được chế tạo chỉ với dao tem (lưỡi dao cạo râu), dây mai so hoặc... những chiếc thìa đập bẹt. Thoạt nghe có vẻ lạ lùng nhưng công cuộc chế tạo thì cực kì đơn giản. Hai con dao tem ép vào hai phía một thanh gỗ, nối với một sợi dây điện, thế là hình thành một chiếc “sục” dao tem tự chế. Hai chiếc thìa đập bẹt gắn hai bên một thanh gỗ, nối với đường dẫn điện cho ra đời một cái “sục” thìa và tương tự với chiếc “sục” mai so.

 

Thắng (ĐH Xây dựng) kể về xuất xứ của những sản phẩm thủ công này: “Mấy trò này xưa rồi. Bọn tớ được mấy anh khoá trước dạy ngay từ lúc vào trường cơ. Chẳng biết ai nghĩ ra đầu tiên nhưng bây giờ thì KTX nào chẳng có mấy cái “sục” thủ công kiểu ấy”.

 

Còn lý do để họ lựa chọn sử dụng những chiếc “sục” nguy hiểm này là: “Sục” mua ngoài chợ rất dễ cháy. Nên dù giá rẻ nhưng cứ phải mua thường xuyên thì cũng... không mua được. “Sục” tự chế vừa dễ làm vừa nhanh sôi nước. Tớ chỉ mất khoảng hơn chục phút là được xô nước tắm”. Thanh Hải (ĐH Bách khoa) kể.

 

Nguy hiểm kiểu “thường thôi” của sinh viên

 

“Cũng thỉnh thoảng bị giật nhưng nhẹ thôi. Cường độ điện nhỏ và đặt dưới đất nên dòng điện giảm một nửa rồi. Với lại bọn tớ có điên đến mức nắm vào nó đâu mà bị giật. Chỉ khi nào xô nước bị ướt xung quanh và nền nhà cũng ướt, lại đi chân đất vào thì mới dính. Mà con trai bọn tớ toàn... đi dép vào phòng”. Một sinh viên ở KTX ĐH Kinh tế Quốc dân đã cười nói hồn nhiên như vậy.

 

Một cậu bạn ở cùng phòng còn khoe vết bỏng khá lớn ở tay do “sục” 12.000đ gây ra và cười: “Lần duy nhất tớ bị tai nạn chỉ thế này thôi”.

 

Với Tuấn (Học viện Quan hệ Quốc tế) thì tai nạn lớn nhất trong phòng cậu do cắm “sục” gây ra “chỉ” là: “Toàn bộ ổ cắm điện trong phòng bị nổ vì bọn tớ cắm 3 cái “sục” vào cùng một xô nước cho nhanh sôi, “bọn nó” hút nhau. Bọn tớ phải mua ổ cắm mới về thay, mất mấy chục ngàn”.

 

Những chiếc “sục” tự chế không chỉ xuất hiện ở các phòng KTX nam mà rất nhiều các sinh viên nữ cũng học theo “mốt cũ” này. Thảo (ĐH Kinh tế) vui vẻ cho biết: “Bọn tớ nhờ mấy bạn bên phòng nam làm cho đấy. Mới đầu cũng hơi sợ sợ nên nhờ con trai sang cắm hộ, nhưng bây giờ thì cũng quen rồi, chẳng sao cả”.

 

Thậm chí, Hoàng Diễm (ĐH KHXH&NV) còn cho biết: “Tớ cũng lo là nước uống từ cắm “sục” không tốt cho sức khoẻ, nhưng rồi thấy ai cũng dùng nước như vậy, nên lại tặc lưỡi cho qua”.

 

Có một loại “văn minh” đã hình thành trong các KTX: “văn minh” dùng “sục”. Sự thực thì từ văn minh này được dùng với nghĩa mỉa mai vì chính SV cũng tự nhận là: “cái cách đun nước kiểu này nông nghiệp và cổ đại quá”.

 

Những vụ cháy phòng, chập điện do cắm “sục” gây ra hiện nay không nhiều, do hầu hết các phòng trong KTX các trường đều được lắp áp-tô-mát nên khi dòng điện tăng quá cao thì sẽ tự ngắt. Nhưng không phải vì thế mà không có những nguy hiểm từ loại hình “văn minh” này.

 

Gần đây nhất là vụ cháy phòng KTX ĐHKTQD do một sinh viên nữ cắm “sục” và... quên mất. “Sục” cháy điện chập lan sang đồ đạc trong phòng. Hậu quả là cô bạn phải đền đến hàng chục triệu đồng.

 

Không biết đó đã là một con số đủ để khiến cánh sinh viên giật mình. Nhưng hiện tại, vẫn rất nhiều “sục” được mua hàng ngày, hàng tháng và một lượng lớn khách hàng là sinh viên.

 

Theo Tạ Hương
Sinh Viên Việt Nam