Bạn trẻ và chuyện "ăn cơm trước kẻng": Xấu hay không xấu?
(Dân trí) - Theo nhiều bạn trẻ, việc "ăn cơm trước kẻng" không xấu mà thể hiện sự tin tưởng, nghiêm túc với mối quan hệ đó, quan trọng là cần "trao thân gửi phận" đúng người.
"Ăn cơm trước kẻng" nghĩa bóng chính là việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ngày nay, người hiện đại trở nên cởi mở, suy nghĩ "thoáng" hơn trước vấn đề này.
Tâm lý "thử trước khi mua đồ" được nhiều bạn trẻ nhìn nhận trong cuộc sống và cả tình dục. Nguyễn Bá Phong (sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều bình thường, tất yếu của đời sống hiện đại. Hai người độc thân được quyền tự do tìm hiểu, "trao thân gửi phận" cho nhau, miễn sao cả hai cảm thấy thoải mái và tự nguyện là được.
Phong nêu luận điểm: "Nếu một người thực sự yêu bạn thì sẽ luôn nghiêm túc trong mọi vấn đề, kể cả chuyện quan hệ tình dục. Anh ấy sẵn sàng đưa bạn về ra mắt gia đình, gặp gỡ bạn bè, nói về bạn với tất cả sự hãnh diện, tin yêu. Còn những gã trai tồi thì chỉ đến với bạn vì mục đích thỏa mãn bản năng, khi đã đạt được thì sẽ bỏ rơi bạn. Hơn thế nữa, "ăn cơm trước kẻng" cũng giúp hai người biết được rằng liệu mình và đối phương có hòa hợp trong "chuyện ấy". Nhìn nhận thực tế cho thấy, "chuyện ấy" là yếu tố quan trọng để giúp hôn nhân sau này hạnh phúc, viên mãn hơn.
Cá nhân mình cảm thấy "ăn cơm trước kẻng" không có gì là xấu cả. Nhưng mọi người cũng không nên nương theo đó mà có những hành động quá đà".
Cho rằng "chuyện cô ấy còn hay mất không hề quan trọng", Nguyễn Trường Phi (sinh viên trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải) chú tâm nhiều hơn đến sự "thấu hiểu và chân thành" trong tình yêu.
"Một số người thì luôn lấy việc "còn" hay "mất" của cô ấy để tính chuyện kết hôn, mình thấy đây là quan điểm cổ hủ, không phù hợp. Chuyện hai người đến với nhau, gắn kết cuộc đời với nhau không thể đánh đổi và dùng thước đo "còn - mất trinh tiết". Hơn thế nữa, nam giới không nên và không thể đánh giá bạn nữ chỉ vì chuyện cô ấy "nguyên vẹn" hay không, vì điều đó chẳng có gì quan trọng cả. Ngoài ra, quan hệ tình dụng trước hôn nhân trên tinh thần tự nguyện của hai người thì đó chính là tình yêu, không ai ép buộc ai cả. Nhưng dù làm gì thì cũng cần chú ý sự an toàn cho cả hai.
Khánh Châu (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa quan điểm phản đối chuyện "ăn cơm trước kẻng". Bởi trong suy nghĩ của Châu, con gái luôn là người dễ chịu nhiều thiệt thòi nếu có "sự cố" phát sinh trong mối quan hệ yêu đương đó.
"Nếu cả hai người còn đi học, chưa có điều kiện kinh tế cũng như tâm lý vững vàng cho chuyện có em bé thì khi "sự cố" trong chuyện quan hệ tình dục xảy ra, bạn gái luôn chịu phần thiệt thòi hơn. Hoặc bạn nam không thừa nhận cái thai, cô gái ấy sẽ sống với sự dè bỉu, soi mói. Bởi thế mà ngày nay có khá nhiều bạn chọn làm mẹ đơn thân, nuôi con với vô vàn khó khăn và không có cho con một mái ấm trọn vẹn cả bố và mẹ. Đó cũng điều thiệt thòi với con trẻ. Bản thân mình là một người con gái khá "kỹ tính" trong việc này, mình từng trải qua mối quan hệ yêu đương nhưng không quan hệ tình dục ", Châu bày tỏ.
Còn Đặng Bảo Yến (sinh viên trường ĐH Văn Lang) thì cho rằng: "Theo quan điểm của cá nhân mình thì con gái đừng nên dâng hiến bản thân quá nhiều trong tình yêu. Bản thân mỗi người nên học cách cân bằng mọi thứ để cuộc sống được thoải mái, dễ chịu hơn.
Tình yêu không chỉ bắt nguồn từ khía cạnh thỏa mãn nhu cầu sinh lý, cần có sự yêu thương, tôn trọng và quan tâm lẫn nhau. Hãy để bản thân mình là một người có giá trị không nên dễ dãi quá mức để người khác lợi dụng. Mỗi người có một cuộc sống riêng và cũng không đoán trước tương lai sau này thế nào, liệu tình yêu đó có thật sự tốt đẹp và theo mình mãi hay không? Tôn trọng bản thân mình cũng là cách chúng ta yêu thương nó nhiều hơn .
Còn chuyện "ăn cơm trước kẻng", tùy vào mỗi người có đủ sự tin tưởng , trưởng thành và trách nhiệm với bản thân việc mình đã làm hay không. Phải thật lý trí xem xét kỹ lưỡng để tránh những hậu quả không muốn về sau khi bản thân chưa đủ chín chắn thì sẽ là gánh nặng của chính mình và gia đình. Hãy trang bị những kiến thức sức khỏe giới tính cần thiết để bảo vệ chính mình và người yêu của mình".